Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp kỷ niệm 150 năm thành lập trường phái Ấn tượng

Kể từ hôm nay 26/03/2024, Viện bảo tàng Orsay khai mạc cuộc triển lãm chuyên đề ''Paris 1874'' để kỷ niệm 150 năm ngày khai sinh trường phái Ấn tượng. Do được tổ chức với sự hợp tác với National Gallery of Art của Mỹ, cho nên triển lãm được chia thành hai đợt : đợt đầu tại Paris cho đến tháng 07/2024, đợt nhì tại Washington DC từ tháng 09/2024 cho đến cuối tháng 01/2025.

A visitor stands in front of the painting "La Loge" (The Theatre Box - 1874) by French impressionist painter Auguste Renoir (1841-1919), during a visit of the exhibition 'Paris 1874 Inventing Impressi
Một khách tham quan đang ngắm bức họa "La Loge" (The Theatre Box - 1874) của họa sĩ Pháp Auguste Renoir (1841-1919), tại triển lãm Paris 1874, bảo tàng Orsay, Paris, ngày 22/03/2024. AFP - MIGUEL MEDINA
Quảng cáo

Ngược dòng thời gian, lùi về 150 năm trước, vào ngày 15/04/1874, lần đầu tiên các tác phẩm của giới họa sĩ ''Ấn tượng'' được trưng bày tại Paris. Được khai mạc tại xưởng sáng tác của nhà nhiếp ảnh Nadar, cuộc triển lãm này tập hợp hơn 30 nghệ sĩ mới ngoài 30 tuổi, đã khai phóng một trong những trường phái hội họa lừng danh nhất thế giới.

Triển lãm tại Bảo tàng Orsay ở Paris cũng như tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Mỹ đề cao cột mốc lịch sử này.

Theo tạp chí Pháp chuyên về kiến thức nghệ thuật Connaisance des Arts, trong số hơn 30 nghệ sĩ từng tham gia cuộc triển lãm thời bấy giờ, có 7 họa sĩ sau này trở thành những tên tuổi lừng danh hàng đầu thế giới. Theo thứ tự là Monet, Renoir, Degas, Cézanne, Pissarro, Morisot và Sisley. Nhà nhiếp ảnh Nadar khi cho mượn xưởng sáng tác của mình, nằm ở số 35 đại lộ Capucines quận 9 Paris, đã đóng một vai trò đáng kể trong việc phổ biến các họa sĩ Ấn tượng. Ngoài tài nghệ nhiếp ảnh, ông trước hết là nhà vẽ tranh biếm họa trứ danh thời bấy giờ, ông từng phác họa hay chụp ảnh chân dung của hầu hết các nhân vật Pháp nổi tiếng cuối thế kỷ XIX : Hugo, Balzac, Zola, Rodin, Eiffel, Renoir, Monet…

13 vùng miền trưng bày gần 180 tác phẩm nổi tiếng 

Quan trọng không kém, theo tạp chí Connaisance des Arts, còn có sự đóng góp của Gustave Caillebotte. Bản thân ông cũng là một họa sĩ ''Ấn tượng'', nhờ xuất thân từ một gia đình giàu có, ông đã giúp đỡ rất nhiều các nghệ sĩ cùng thời, tài trợ cho các đợt triển lãm của trường phái này từ năm 1877 đến năm 1882. Nhờ vậy, ông đã giúp cho những tên tuổi như Van Gogh, Gauguin hay Seurat tìm được một chỗ đứng riêng sau đó trong phong trào ''hậu Ấn tượng''. 

Để kỷ niệm sự kiện lịch sử năm 1874, Viện bảo tàng Orsay tại Paris trưng bày khoảng 130 tác phẩm tiêu biểu của các danh họa Ấn tượng. Đáng chú ý hơn nữa, cho tất cả những ai không thể đến Paris xem triển lãm, bảo tàng Orsay còn tổ chức song song một đợt triển lãm ''lưu động'' bằng cách cho mượn khoảng 180 bức tranh để trưng bày trên khắp nước Pháp. Từ loạt tranh vẽ tháp chuông ''Nhà thờ Rouen'' vào đầu những năm 1890 của Claude Monet cho đến ''Cậu bé thổi sáo'' (Fifre/1866) của Edouard Manet. Tổng cộng, 178 bức kiệt tác sẽ lần lượt được trưng bày trong năm nay tại 34 viện bảo tàng, đại diện cho 13 vùng miền và lãnh thổ nước Pháp. 

Còn theo tạp chí mỹ thuật Beaux Arts của Pháp, trên số 13 vùng tham gia vào chương trình ''150 năm trường phái Ấn tượng'', có các địa danh như Rouen, Caen, Le Havre và Giverny đặc biệt tổ chức những sự kiện hoành tráng, liên quan tới ngày cho ra đời của một số tác phẩm quan trọng. Chẳng hạn như Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Tourcoing gọi tắt là MUba, tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề ''Paysage'' (Phong cảnh) trong mắt của các danh họa Ấn tượng, từ ngày 16/03 đến 24/06/2024. 

Từ những cánh đồng mùa đông phủ đầy tuyết trắng theo cách nhìn của Sisley, những đống rơm vàng óng nắng thu vùng Normandie sau mùa gặt của Monet, cho đến những ngôi làng hẻo lánh với những chiếc cầu đá bắc ngang nhánh sông nhỏ của Renoir, bảo tàng Orsay còn cho thành phố Tourcoing mượn 58 bức tranh quen thuộc của Pissarro, Cézanne, Caillebotte, Signac, Gauguin hay Bonnard. Trong số này, có một số bức tranh nổi tiếng đến nỗi, nay được xem là ''huyền thoại'', gắn liền với uy tín của các danh họa Ấn tượng trong cách dùng nét chấm phá để tạo thêm màu sắc và nhất là ánh sáng khi vẽ tranh phong cảnh. Bảo tàng MUba của Tourcoing gọi các bức tranh thế kỷ XIX này là ánh sáng không bao giờ tàn của các bậc thầy, một lời gọi mời để ngược dòng thời gian đi thưởng ngoạn các thắng cảnh nước Pháp, qua các chi tiết hội họa như những chiếc cối xay gió, những mái nhà lợp rơm nâu sẫm hay bờ biển mênh mông ôm sát vách đá hùng vĩ. 

Châu về Hợp phố : trưng bày tác phẩm ngay tại ''nguyên quán'' 

Theo tạp chí Beaux Arts, Viện bảo tàng Orsay đã mất gần hai năm để lên chương trình tổ chức đợt triển lãm kỷ niệm với nhiều bảo tàng địa phương. Thay vì tập trung việc trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập thường trực, các bức tranh được xếp theo chuyên đề, rồi phân chia thành nhiều nhóm có thể được luân phiên giới thiệu tại các bảo tàng cấp vùng. 

Từ Saint-Lô đến Ajaccio, từ Viện văn hóa Clermont-Ferrand và thậm chí bảo tàng Mỹ thuật của đảo Réunion, khoảng 180 tác phẩm của Orsay đã được gửi đến 13 vùng khác nhau. Trong số này, những bức tranh tiêu biểu nhất như ''Ngắm cảnh từ ban công'' của Manet, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Bordeaux. Tác phẩm ''Dãy phố l'Estaque'' của Paul Cézanne được đưa về Bảo tàng Marseille. Bức tranh khỏa thân ''Garçon au chat'' của Renoir được gửi đến bảo tàng ''Hồ tắm'' của thành phố Roubaix, ''Cậu bé thổi sáo'' (Fifre) xuất hiện tại bảo tàng Fabre ở Montpellier.

Ngoài loạt tranh về tháp chuông nhà thờ, bức kiệt tác ''Impression, soleil levant'' (Ấn tượng, mặt trời mọc) được Claude Monet vẽ vào năm 1872, là trọng tâm cuộc triển lãm tại thành phố Le Havre, nơi danh họa Pháp Monet đã từng lớn lên với gia đình. Một bức kiệt tác khác ''La Nuit Étoilée'' (Đêm đầy sao/The Starry Night - 1889) của Vincent Van Gogh một cách tượng trưng được đưa về ''nguyên quán'' để trưng bày ngay tại nơi tác phẩm từng được vẽ. Châu về Hợp phố : đây là dịp để cho Quỹ văn hóa Van Gogh của thành phố Arles tìm lại bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa gốc Hà Lan.

Theo tạp chí Connaissance des Arts, vào lúc khai sinh, trường phái Ấn tượng đã bị nhiều nhà phề bình chỉ trích, chê bai vì các bức tranh trưng bày trong các cuộc triển lãm ‘’chính thức’’ thời bấy giờ, phải chỉn chu trau chuốt, trong khi tranh Ấn tượng có vẻ như chưa được vẽ xong. Thoạt nhìn, lối chấm phá khiến cho tranh giống như một bức phác họa nhiều hơn là một tác phẩm hoàn chỉnh. 150 năm sau, Monet, Degas, Renoir và Van Gogh đã thực sự chinh phục dòng văn hóa đại chúng, để rồi trở nên một trong những phong trào phổ biến nhất trong lịch sử nghệ thuật. Bằng chứng hùng hồn nhất, tranh của Monet hay Van Gogh luôn lập kỷ lục ở các phòng đấu giá, trong khi lúc sinh tiền, các họa sĩ này nhọc nhằn lắm mới bán được tranh.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc triển lãm đầu tiên của các họa sĩ Pháp cuối thế kỷ XIX mang tên là ''Affamés d’indépendance'' (hiểu theo nghĩa Khao khát độc lập), hơn 30 nghệ sĩ thời bấy giờ đã quyết định đi ngược lại với các quy tắc hiện hành, tự đứng ra tổ chức triển lãm riêng với các tác phẩm gây tranh cãi, với chủ trương người nghệ sĩ phải tự giành lấy quyền tự do, chứ không ai cho họ cái quyền tự do ấy. Cuộc triển lãm tại Paris ngày 15/04/1874 vì thế được coi là cột mốc lịch sử, điểm khởi đầu của những gương mặt tiên phong, mở đường cho các phong trào hiện đại. Chính cũng vì họ khuynh đảo khuôn thước, tư tưởng phải đạo, mà các danh họa Ấn tượng không chỉ làm thay đổi diện mạo (của làng nghệ thuật), mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy sáng tạo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.