Vào nội dung chính
VĂN HÓA - DU LỊCH

Harry Potter ban ''phép lạ'' cho ngành du lịch Anh

Sau khi thu về hơn 9 tỷ rưỡi đô la trong các rạp chiếu phim, Harry Potter sẽ có một phiên bản truyền hình với dàn diễn viên mới vào cuối năm tới. Theo báo Financial Times, hơn hai thập niên sau ngày xuất bản bộ tiểu thuyết, ngành du lịch Anh vẫn trông cậy nhiều vào nhân vật phù thủy để thu hút du khách. Đặc biệt, 4 thành phố đang thi đua để trở thành thủ đô các tour ''du lịch Harry Potter'' : Luân Đôn, Oxford, York và Edinburgh.

George Heriot's School is pictured in Edinburgh, Scotland on June 26, 2017. The school is cited with being the inspiration for the Hogwart's School of Witchcraft and Wizardry that features in .J.K. Ro
Trường George Heriot ở Edinburgh, Anh Quốc, ngày 26/06/2017. Ngôi trường được cho là nguồn cảm hứng cho Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwart trong tác phẩm Harry Potter của J. K. Rowling. AFP - NEIL HANNA
Quảng cáo

Theo tờ báo Anh Finacial Times, khi đặt chân đến góc đường Shambles Lane ở thành phố York, du khách thường bắt gặp cảnh tượng nhiều bạn trẻ hóa trang thành phù thủy Harry Potter. Họ cầm một cây ''đũa thần'' trong tay. Còn tay kia nắm lấy vạt áo choàng phù thủy, thường là quá rộng đối với họ. Lớp trẻ thường có cùng một kiểu trang phục, con trai ăn mặc như như Harry Potter, còn con gái lại giống Hermione Granger. Phố Shambles Lane là con đường hẹp nhất, dọc hai bên là những ngôi nhà sườn gỗ, tầng trên rộng hơn tầng trệt, lúc nào cũng tấp nập những đám học sinh huyên náo. 

Trong mắt của giới hâm mộ Harry Potter, còn thường được mệnh danh là ''Potterhead'', con đường Shambles Lane là một góc phố rất quen thuộc. Trong các bộ phim, đó là ''Diagon Alley'', một dãy phố bí mật nơi các vị phù thủy thường hay đi mua sắm. Chính tại nơi này, Harry Potter đã mua cây đũa thần đầu tiên của mình, dưới sự chỉ bảo tận tình của bác Hagrid, người bạn trung thành và luôn che chở cậu bé Harry. 

Gần hai thập niên sau khi tập phim cuối cùng ''Harry Potter và bảo bối từ thần'' khép lại cuộc phiêu lưu mạo hiểm của cậu phù thủy nổi tiếng, thương hiệu Harry Potter dường như không ngừng mở rộng, tiếp tục hút khách du lịch đến thăm vương quốc Anh. Hiện tượng này gọi là ''Pottourism'. Gần đây, nhân một cuộc khảo sát do Sở du lịch Anh ''Visit Britain'' thực hiện, 47% du khách nước ngoài cho biết họ có ý định khám phá cùng cao nguyên Scotland trên tuyến tàu tốc hành ''Hogwarts Express'' (trong phiên bản tiếng Pháp, trường Hogwarts có tên là Poudlard). 

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phố 

Trên mạng GetYourGuide, một trong những trang web đặt tour du lịch với hướng dẫn viên, hiện có hơn 150 dịch vụ tham quan có liên quan đến Harry Potter hoặc Hogwarts, tức đã tăng gấp đôi kể từ năm 2022. Ở cuối con đường Shambles Lane, có cửa hàng ''The Shop that must not be Named'' dịch sát nghĩa là ''Cửa hàng chớ nên gọi tên'', ám chỉ hung thần Voldemort (kẻ thù không đội trời chung của Harry) do trong phim, không ai dám nêu đích danh nhân vật này. Cửa hàng được khai trương vào mùa xuân năm 2017 và chỉ vài tháng sau do quá đông khách, diện tích mặt bằng đã được nhân lên gấp đôi, còn số nhân viên bán hàng tăng từ 7 lên đến 30 người.

Bên trong cửa hàng lưu niệm, giới hâm mộ có thể tìm thấy tất cả các dòng sản phẩm gắn nhãn hiệu ''Harry Potter'', từ bộ đồng phục trường Hogwarts (Poudlard) gồm chiếc áo đen, gọng kính tròn, cà vạt đỏ sọc vàng, khăn choàng cổ hai màu, còn có thêm nhiều sản phẩm khác như cây chổi để chơi môn Quidditch, bóng đỏ tròn Quaffle, hay cầu vàng tí hon Snitch, có cánh biết bay. 

Trong số những sản phẩm bán chạy nhất, dĩ nhiên cây ''đũa thần'' luôn về đầu. Ở đây, có hơn 90 loại đũa khác nhau, không những gợi hứng từ loạt phim ''Harry Potter'' mà còn mô phỏng theo phần ngoại truyện ''Fantastic Beasts'' (Sinh vật huyền bí) với hai nhân vật chính là Newt Scamander và thầy Albus Dumbledore. Các chiếc đũa này được sản xuất tại Trung Quốc, chủ yếu làm bằng kim loại và nhựa, rồi sau đó sơn màu bằng tay. Do công ty Noble Collection độc quyền khai thác, các sản phẩm này bán rất có lời : mỗi chiếc đũa được bán với giá 39 đô la, tức khoảng 37 euro. 

Còn tại các cửa hàng khác như ''The Potions Cauldron'' hay ''The Society of Alchemists'' chuyên bán xà phòng, dầu gội đầu và các vật trang trí như ''trứng rồng'' với giá khá cao là 62 đô la một quả (57 euro). Rốt cuộc, giới hâm mộ phù thủy Harry Potter chẳng những phải có nhiều tiền trong túi, mà còn phải có tính kiên nhẫn. Theo báo Financial Times, khách hàng đến đây rất đông, họ đứng xếp hàng rồng rắn xung quanh phố Shambles Lane, do vậy đôi khi phải chờ hơn hai tiếng mới có thể được vào trong cửa hàng để mua sắm. 

Tại Vương quốc Anh, một số thành phố lao vào cuộc đua để giành lấy vị trí hàng đầu trong ngành du lịch chuyên đề Harry Potter, một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng khá quyết liệt. Cũng như trường Hogwarts có bốn ngôi nhà (Godric Gryffindor, Salazar Slytherin, Rowena Ravenclaw, Helga Huflepuff) cuộc đua gồm bốn đối thủ chính : thành phố York, tuy đến sau nhưng lại cung cấp nhiều cảnh phim thơ mộng. Oxford cũng được chọn làm bối cảnh nhờ các điểm quan trọng như Thư viện Bodleian (bệnh xá Hogwarts) và phòng ăn của trường cao đẳng Christ Church (Đại sảnh trường Hogwarts). 

Thủ đô Luân Đôn cũng có nhiều cảnh đẹp để quay phim và nhất là ở vùng ngoại ô phía tây bắc có phim trường Leavesden, nơi tạo dựng hầu hết các cảnh phim quan trọng. Kể từ khi phim trường mở cửa đón khách tham quan vào năm 2012, tính đến nay đã có 17 triệu người hâm mộ đến đây, chưa kể đến bến 9¾ tại nhà ga King's Cross, nơi có chiếc xe đẩy hành lý được xây một nửa dính liền vào bức tường gạch. 

Cuối cùng là thành phố Edinburgh đang dần bỏ xa các đối thủ khác. Theo anh Sam Thorne, giám đốc điều hành ''The Potter Trail'', một công ty chuyên tổ chức tour tham quan cho hàng chục ngàn người hâm mộ, do tác giả J. K Rowling đã từng sống ở Edinburgh vào thời cô đang viết những cuốn tiểu thuyết Harry Potter, cho nên hàng năm có rất nhiều ''Potterhead'' đổ về thủ phủ vùng Scotland, như thể đây là một nơi hành hương. Trong thành phố có gắn những tấm bia đá kể lại những giai thoại về cách đặt tên nhân vật, hay địa danh trong truyện. 

Dùng doanh thu du lịch để bảo tồn di sản ? 

Tuy nhiên, cũng như ''Games of Throne'' khiến cho một số danh lam thắng cảnh ở Croatia bị quá tải, vùng Scotland đôi khi cũng phải hứng chịu một lượng du khách quá đông. Một đoạn phim trong tập nhì của Hary Potter có quay cảnh rượt đuổi theo chuyến tàu tốc hành Hogwarts đang phóng nhanh trên cầu cạn Glenfinnan. Theo Cơ quan bảo tồn di sản National Trust for Scotland (NTS), sau khi bộ phim ra mắt khán giả, số khách tham quan tại nơi này đã tăng gấp 9 lần, từ 60.000 người lên tới hơn 550.000 khách tham quan mỗi năm. Vấn đề là về mặt hạ tầng cơ sở, thị trấn này không đủ khả năng để tiếp đón một lượng khách đông như vậy. Do vậy hội đồng thành phố đề nghị hạn chế lượt du khách, nhưng đồng thời nâng cấp cơ sở để giải quyết tình trạng các bãi đỗ xe bị tràn ngập, đường xá luôn bị tắc nghẽn. 

Làm thế nào để quản lý hiệu quả nhất mùa du lịch cao điểm, khi rất nhiều khách cùng đổ về một nơi. Đây là câu hỏi chung cho các cơ quan bảo tồn di sản xứ Wales, vùng Scotland cũng như Bắc Ireland. Chính trên bãi biển Pembrokeshire ở phía tây nam xứ Wales, các nhà làm phim đã dựng lên ngôi nhà ''vỏ sò'' Shell Cottage để làm cảnh quay cho hai tập cuối của ''Harry Potter và bảo bối tử thần''. Trong phim, đây cũng là nơi chôn cất Dobby, gia tinh trung thành và rất yêu quý của Harry Potter. Vấn đề là khi đến tham quan nơi này, các fan cũng đã lập ra một ''bàn thờ'' để tưởng nhớ nhân vật Dobby, đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Harry. Theo chuyên gia Harvey Edgington, làm việc cho cơ quan bảo tồn di sản National Trust, cần phải nhắc nhở du khách phải tôn trọng cảnh quan, một số cảnh đẹp được chọn để quay phim, nhưng không phải vì thế mà trở thành ''công viên giải trí''. 

Dù gì đi nữa, National Trust vẫn hưởng lợi từ Harry Potter, ngoài chi phí 14.000 euro cho mỗi ngày quay phim, cơ quan này còn nhận được khoảng 2,3 triệu euro mỗi năm nhờ số khách tham quan. Xu hướng này được phát triển thêm, vào lúc đang có dự án quay phiên bản truyền hình nhiều tập. Một loạt phim Harry Potter mới, được lên kế hoạch trong vòng mười năm với J.K Rowling trong vai trò nhà sản xuất. Hãng phim Warner Bros tiếp tục khai thác thương hiệu này dưới nhiều hình thức, kể cả phim ảnh, game video hay công viên giải trí. Đũa thần của Harry Potter như thể ban ''phép lạ'' giúp cho kinh tế phục hồi, một thứ ma thuật mà không gì ngăn được nổi. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.