Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp : Khôi phục nghề thủ công làm xà phòng Marseille ?

Xà phòng Marseille hay mù tạt Dijon là một công thức chế biến chứ không phải là một ''nhãn hiệu'' cầu chứng. Điều đó có nghĩa là bất cứ một công ty nào dù có ở nơi đâu, đều có thể sản xuất ''xà phòng Marseille'', trong khi rượu vang trắng sủi bọt chế biến tại Ý hay tại Mỹ khó thể nào được gắn nhãn mác Champagne, mà không tránh khỏi kiện tụng. Tại Pháp, ngành làm xà phòng Marseille tìm cách nâng cấp sản phẩm, trước sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Marseille soaps are displayed at the "Made in France" trade fair in Paris, Friday, Nov.18, 2016.
Ảnh minh họa: Xà phòng Marseille tại hội chợ “Made in France ”, Paris, Pháp, ngày 18/11/2016. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Theo báo Les Échos, nghề làm xà phòng được ghi nhận lần đầu tiên ở vùng Marseille vào năm 1370. Công thức chế biến loại xà phòng Marseille được quy định vào thế kỷ XVII dưới thời vua Louis XIV. Năm 1688, bộ trưởng Tài chính Colbert đã thông qua một sắc lệnh, theo đó người ta sử dụng tên gọi ''xà phòng Marseille''' cho các loại sản phẩm chế biến với ít nhất 72% dầu ô liu, thu hoạch ở miền nam nước Pháp, xung quanh vùng Marseille. Nhiều quốc gia khác khi sao chép công thức này lại thay thế ô liu với dầu thực vật (dầu cọ, dầu dừa) thậm chí pha trộn thêm với mỡ động vật.

Xà phòng Marseille : 72% dầu ô liu đúng theo truyền thống

Tuy nhiên, phương pháp làm xà phòng Marseille đúng với truyền thống, đòi hỏi phải sử dụng dầu ô liu. Có như vậy mới bảo đảm một loại sản phẩm nguyên chất tự nhiên, không hề có pha trộn với chất hóa học. Xà phòng Marseille nổi tiếng là không gây dị ứng, ít gây ô nhiễm môi trường vì dầu thực vật dễ tự hũy trong thiên nhiên. Nói tóm lại, xà phòng Marseille làm đúng theo công thức, bảo đảm cho người dùng một làn da sạch, không bị dị ứng hay ngứa ngáy như các loại xà phòng hay mỹ phẩm khác, có dùng hóa chất để bảo quản, tăng mùi hay tạo thêm bọt xà phòng.

Trong số các gia đình tiếp tục chế biến thủ công xà phòng Marseille, có dòng họ Marius Fabre ở Salon de Provence, nằm cách trung tâm thành phố Marseille khoảng 50 cây số. Từ năm 1900, công ty gia đình này luôn tuân thủ công thức chế biến xà phòng Marseille, đúng theo quy định được ghi chép trong sắc lệnh của Colbert cuối thế kỷ XVII. Sau khi cho vào khuôn rồi sấy khô, các thanh xà phòng hiệu Marius Fabre được đóng dấu chứng nhận cách chế biến thủ công cũng như các thành phần tự nhiên. 

Tại Pháp, xà phòng Marseille (tương tự như xà phòng Alep) bước vào thời kỳ hoàng kim vào đầu những năm 1930, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành đường sắt, giúp vận chuyển hàng hóa một cách dễ dàng. Vùng Provence cũng sản xuất nhiều dầu ô liu, còn chất xút tự nhiên thì đến từ vùng Camargue. Vào thế kỷ XIX, Marseille có tới 200 xưởng sản xuất xà phòng, lập kỷ lục vào năm 1913 với sản lượng 180.000 tấn một năm. Thế nhưng, kể từ đầu thập niên 1950 trở đi, xà phòng Marseille ít bán chạy hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà máy chuyên sản xuất các chất tẩy rửa tổng hợp.

Hiện giờ tại Pháp, chỉ còn 3 công ty sản xuất xà phòng Marseille theo truyền thống. Theo báo Les Échos, trong gia đình Fabre, Julie và Marie Fabre thuộc thế hệ thứ tư rất tự hào về công thức và quy trình sản xuất, vẫn không hề thay đổi trong hơn 120 năm qua. Xà phòng hiệu Marius Fabre vẫn được làm với 72% dầu ô liu (loại salonenque) trong khi các hiệu xa phòng khác chỉ dùng 63%. Thập chí, một số hiệu xà phòng khi dùng nhiều loại thực vật khác thay cho ô liu, thì trên hộp lại không ghi rõ các loại dầu nào.

Hàng thủ công cần nhiều ngày, hàng công nghiệp chỉ vài giờ

Gia đình Marius Fabre cũng không dùng chất tạo màu, phụ gia hay mùi hương nhân tạo. Do vậy, xà phòng Fabre có mùi hương nhẹ mà lâu, màu bánh xà phòng nhàn nhạt màu phấn, do không dùng phẩm màu. Hàng năm, gia đình này sản xuất 1.000 tấn xà phòng Marseille. Nguyên liệu được các tay thợ nấu trong 12 ngày trong bảy chiếc vạc khổng lồ ở ngoài trời. Sau khi nguội, bột xà phòng được dàn mỏng khoảng 6 cm, đem đi phơi khô trong hai ngày rồi cắt thành những ổ bánh mì nặng 30 kí lô. 

Các khúc bánh xà phòng được chuyên gia Jean-Pierre Denne đóng dấu bằng tay. Ông làm việc cho công ty Marius Fabre trong 26 năm qua. Nhờ công thức chế biến truyền thống này, mà vào năm 2009, Marius Fabre được trao tặng danh hiệu ''Entreprise du Patrimoine Vivant'', dành cho những công ty duy trì truyền thống, tiếp sức sống cho di sản thêm ''sinh động''.

Xà phòng Marseille hiệu Marius Fabre rất được yêu chuộng tại khoảng 30 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn xem xà phòng của Pháp là một sản phẩm cao cấp. Gia đình này điều hành hai xưởng sản xuất cuối cùng tại Salon de Provence. Nhằm bảo tồn quá trình thủ công có từ lâu đời, dòng họ Fabre đang tìm cách hợp tác với ba nhà sản xuất xà phòng khác trong cùng khu vực là Le Sérail, Savonnerie du Midi và Fer à Cheval. Cùng nhau họ thành lập Liên minh các Chuyên gia Xà phòng Marseille (UPSM). Tổ chức này tìm cách khôi phục rồi phổ biến nhiều hơn nữa nghề làm xà phòng Marseille thủ công. Ngoài sự cạnh tranh của xà phòng sản xuất tại Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, có gắn mác là ''xà phòng Marseille'' nhưng lại pha thêm hóa chất (nguyên liệu tự nhiên cũng không phải là dầu thực vật có chất lượng), các nhà sản xuất ở Marseille cũng gặp thêm khó khăn ngay trên lãnh thổ Pháp.

Theo báo Les Échos, xà phòng Marseille sản xuất tại các vùng miền khác ở Pháp như gần thành phố Nantes (Savonnerie de l'Atlantique), hay một số thành phố cảng khác như Bordeaux, Le Havre hay Rouen đều lần lượt mở thêm nhà máy sản xuất xà phòng và chỉ cần nhập dầu ô liu hay dầu cọ từ các quốc gia miền Địa Trung Hải. Các vùng này có quyền gắn mác ''xà phòng Marseille'' trên sản phẩm, chủ yếu cũng vì họ sử dụng cùng một công thức sản xuất. Thế nhưng loại sản phẩm này không còn thực sự là hàng thủ công.

Các nhà sản xuất thời nay đã công nghiệp hóa guồng máy chế biến để đạt năng suất tối đa, họ cũng tận dụng công nghệ tân tiến cũng như những khám phá mới về hóa học. Nhờ vào sự ra đời gần đây của loại máy sấy khô cực kỳ hiện đại, thời gian ''phơi khô'' xà phòng Marseille giờ đây được tính bằng giờ chứ không còn được tính bằng ngày. Tùy theo túi tiền của người tiêu dùng, loại xà phòng Marseille ''công nghiệp'' có giá trung bình khoảng 6 euro một kílô trong khi xà phòng thủ công thường có giá cao gấp đôi. Điều đó buộc người tiêu dùng phải càng đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn hiệu bao bì. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.