Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Geo Artwork : Trò chơi đoán nguồn gốc các tác phẩm nghệ thuật

Bạn là một người thích tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật và bạn khá thành thạo môn địa lý. Vậy thì trò chơi Geo Artwork có lẽ được dành cho bạn. Do nghệ sĩ người Thụy Sĩ Caroline Buttet, sáng lập viên Viện văn hóa Google Arts & Culture, tạo ra, trò chơi miễn phí trên mạng này chủ yếu kiểm tra kiến thức của bạn về nguồn gốc, hay nói đúng hơn là tìm ra nơi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

Ảnh chụp màn hình Geo Artwork.
Ảnh chụp màn hình Geo Artwork. © https://artsandculture.google.com/
Quảng cáo

Tập đoàn Google từng hợp tác với hơn 2.000 viện bảo tàng lớn và kho lưu trữ hàng đầu trên thế giới để lập ra một bộ sưu tập khổng lồ trên mạng. Trò chơi Geo Artwork dựa vào kho dữ liệu này, với hàng triệu tác phẩm nghệ thuật đủ loại đã được chụp ảnh, rồi lưu trữ bằng công nghệ số. Các tác phẩm trên mạng Google Arts & Culture được chia thành 5 hạng mục quan trọng : nghệ thuật tạo hình, di tích thắng cảnh, điêu khắc, vải dệt, sách hiếm. Có nhiều khả năng các hạng mục này sẽ được bổ sung trong thời gian tới.

Nhìn hình để đoán chỗ tạo ra tác phẩm hay công trình

Người chơi có thể chọn riêng từng hạng mục hoặc chọn trả lời toàn bộ 5 câu hỏi, bất kể thứ tự hay thể loại tác phẩm. Câu hỏi duy nhất vẫn là : qua ảnh chụp, bạn có thể đoán tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra từ nơi nào hay không ? Người chơi trả lời bằng cách nhấp chuột để chọn ra một địa điểm cụ thể trên bản đồ thế giới. Trả lời đúng thì được 100 điểm (điểm cao nhất), còn trả lời sai thì số điểm cao hoặc thấp, tùy thuộc vào khoảng cách chênh lệch ở trên bản đồ giữa câu trả lời của bạn và đáp án của Google.

Chẳng hạn như đền Taj Mahal nằm ở đâu trên bản đồ thế giới ? Nếu bạn chọn thành phố Agra ở bang Uttar Pradesh, bạn sẽ nhận mức tuyệt đối là 100 điểm, nếu bạn trả lời một cách chung chung bằng cách chọn Ấn Độ, thì số điểm vẫn cao nhưng chỉ lên tới 87 hoặc 89. Sau cùng, người thắng vẫn là người có được số điểm cao nhất khi trả lời xong 5 câu hỏi. Đôi khi có những câu hỏi thoạt nhìn rất dễ nhưng thật ra lại khó như bạn hãy thử đoán xem bức kiệt tác Mona Lisa (La Joconde) của Leonardo Da Vinci đã được vẽ ở đâu ?

Câu trả lời trúng là tại Firenze, nước Ý, mặc dù bức tranh này là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thời Phục Hưng hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng Louvre ở thủ đô Pháp. Thiên tài Leonardo Da Vinci đã vẽ bức chân dung này đầu thế kỷ XVI theo nhiều giai đoạn, đến khi ông được vua François Đệ Nhất triệu mời, thì lúc ấy ông mới đến vùng thung lũng sông Loire ở Pháp, trong hành lý có mang theo ba bức tranh từng được vẽ ở Ý kể cả Mona Lisa (La Joconde). Nhà vua đã mua bức tranh này vào năm 1518, một năm trước khi Leonardo Da Vinci từ trần.

Các câu hỏi có vẻ dễ nhưng đôi khi lại khó

Trong các hạng mục, khó nhất vẫn là các bộ sách xưa quý hiếm hay các loại vải dệt. Một chiếc khăn choàng với họa tiết đầy màu sắc có thể là một chiếc khăn của người Aztec, của thổ dân Nam Phi, thậm chí một trang phục của các bộ tộc du mục các vùng thảo nguyên Trung Á… Các câu hỏi hơi khó sau đó là các thắng cảnh di tích chủ yếu cũng vì qua ảnh chụp, người chơi có thể thấy đền đài hay công trình kiến chụp trực diện, nhưng đôi khi cũng có những tấm ảnh được chụp ở bên trong và lối trang trí nội thất hay các chi tiết chạm trổ không dễ gì mà đoán cho thật chính xác. Nhưng trúng hay sai, người trả lời vẫn được điểm.

Geo Artwork coi vậy mà khó hơn trò chơi đoán chữ Wordle. Với một chút thời gian thử nghiệm, luyện đi luyện lại các câu hỏi, người chơi vẫn có thể thành công và đoán trúng (hay gần sát nhất) xuất xứ của cả 5 tác phẩm. Trò chơi trực tuyến này không đòi hỏi nhiều thời gian, chỉ cần hai phút trên máy tính hay điện thoại di động, bạn có thể chơi vài hiệp liên tiếp, mỗi hiệp 5 câu hỏi. Các tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trên màn hình, đều được lấy từ bộ sưu tập của Quỹ Văn hóa & Nghệ thuật Google. Sau mỗi lần chơi, bạn được cung cấp thêm nhiều chi tiết về các tác phẩm, một cách vừa chơi vừa học hỏi đối với những ai thích tìm tòi. Sáng kiến của nghệ sĩ Thụy Sĩ Caroline Buttet vừa được cho ra mắt vào mùa hè này, sẽ được mở rộng thêm trong những tháng tới. Người chơi càng hưởng ứng đông đảo, các câu trả lời càng trở nên đa dạng phong phú.

Khi hợp tác với Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Google, các viện bảo tàng đầu tiên hết đã góp phần gầy dựng một không gian triển lãm trực tuyến, nơi khách tham quan tuy không rời khỏi nhà, nhưng vẫn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật được chụp hình sắc nét, với độ phân giải cao, người xem có thể nhìn thấy rất rõ cho dù có phóng to hình ảnh hàng trăm lần. Quá trình mở kho dữ liệu tạo ra những nền tảng công nghệ số đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua, thời các chuyến du lịch tham quan còn bị hạn chế trên toàn thế giới.

Tận dụng khai thác kho dữ liệu trực tuyến khổng lồ

Ngoài các cuộc triển lãm trực tuyến, các trò chơi trau dồi kiến thức cũng phát triển song song với các mạng xã hội trong những năm gần đây. Sau khi được xem bảo tàng hay phòng tranh trên mạng, thông qua các trang web hay diễn đàn, giờ đây khách tham quan không chỉ được xem, mà còn có thể tương tác qua các trò chơi trực tuyến. Về điểm này, Geo Artwork giúp cho người xem có được góc nhìn chân thực các tác phẩm nghệ thuật hay công trình kiến trúc như thể họ đang xem triển lãm ở viện bảo tàng hoặc đứng xem trực tiếp các công trình xây dựng, đi tham quan các thắng cảnh. Ngoài việc hỗ trợ người xem với hình ảnh 360 độ, thu nhỏ hay phóng đại một cách dễ dàng, dưới mỗi tác phẩm hay di tích còn có đề tên và chú thích rõ ràng để giúp cho người xem có được thêm nhiều thông tin hữu ích.

Nhìn chung, trò chơi Geo Artwork là một cách tận dụng kho dữ liệu đồ sộ của ''thư viện'' trực truyến Google Arts & Culture, nơi mọi người có thể tham khảo hoặc tìm xem những tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất của các viện bảo tàng cũng như các cơ quan văn hóa đối tác. Trên thế giới, triển lãm trực tuyến không còn là một khái niệm xa lạ, thật sự phát triển để rồi trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Hình thức này nổi rộ tại những nước phát triển và có kho tác phẩm nghệ thuật dồi dào được cất giữ trong bảo tàng như một di sản quốc gia, đó là trường hợp của các nước Anh, Mỹ, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Nhật Bản...

Mặc dù khách du lịch quốc tế có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật này mà không rời phòng khách nửa bước, thế nhưng, số lượng khách tham quan trẻ tuổi (thế hệ luôn được kết nối) lại không nhiều so với giới trung niên. Điều đó đã khiến cho nghệ sĩ người Thụy Sĩ Caroline Buttet nghĩ tới việc tạo ra một trò chơi đơn giản, bên cạnh hàng chục trò chơi sẵn có khác, chuyên khai thác ''thư viện'' trực tuyến của tập đoàn Google. Kho dữ liệu này tự nó đã phong phú, bất cứ ai cũng có thể truy cập miễn phí, việc lập ra các trò chơi là hình thức hữu hiệu nhất để quảng bá các bộ sưu tập văn hóa đến với đại đa số cư dân mạng, kể cả những người có thể bị rào cản tâm lý, mỗi lần nghe nhắc tới chữ tác phẩm bảo tàng lại thấy nghệ thuật cao siêu hiện lên trong tâm trí, chứ ít có nghĩ tới tính hấp dẫn giải trí.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.