Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Các lâu đài Pháp trông chờ ngày được mở lại

Mặc dù chính phủ Pháp vẫn chưa cho biết cụ thể ngày mở cửa trở lại các cơ sở văn hóa, nhưng một số ban quản lý các lâu đài hay các di sản kiến trúc đã thông báo trên mạng sẵn sàng tiếp đón khách tham quan, kể từ cuối tháng 03/2021. Một kịch bản mà báo chí Pháp cho là lạc quan, trong khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn bấp bênh, khó lường. 

Ảnh minh họa : Du khách mặc cổ trang ăn trưa trong lâu đài Vaux-Le-Vicomte nhân sự kiện "Journée Grand Siècle" (Ngày Đại thế kỷ), ở Maincy, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 21/06/2015.
Ảnh minh họa : Du khách mặc cổ trang ăn trưa trong lâu đài Vaux-Le-Vicomte nhân sự kiện "Journée Grand Siècle" (Ngày Đại thế kỷ), ở Maincy, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 21/06/2015. AP - Kamil Zihnioglu
Quảng cáo

Theo nhật báo Le Parisien, ban quản lý Vaux le Vicomte ở vùng Seine et Marne cho biết lâu đài nổi tiếng này sẽ mở cửa trở lại vào ngày 27/03, còn lâu đài Cheverny ở vùng sông Loire thì đã chuẩn bị xong cho việc đón khách thăm viếng kể từ ngày 03/04/2021. Cũng như đa số các cơ sở văn hóa nổi tiếng tại Pháp, cả hai lâu đài này đều bị đóng cửa kể từ cuối tháng 10/2020 nhân đợt phong tỏa thứ nhì, do vậy việc sớm hoạt động trở lại là điều rất cần thiết. 

Lâu đài Vaux le Vicomte mất 60% khách

Được xây vào giữa thế kỷ 17, lâu đài Vaux le Vicomte nổi tiếng nhờ lối kiến trúc baroque khá độc đáo theo nhãn quan của Louis Le Vau, lối thiết kế phong cảnh ngoạn mục của André Le Nôtre và các bức bích họa khổng lồ trang trí nội thất, trần nhà của Charles Le Brun. Nhưng lâu đài Vaux le Vicomte trước hết gắn liền với nhân vật lịch sử hầu tước Nicolas Fouquet, bị vua Louis 14 truất quyền và ra lệnh bắt giam (1661) về tội "làm giàu bất chính". Câu chuyện này từng gợi hứng cho Alexandre Dumas sáng tác quyển tiểu thuyết "Tử tước Bragelonne" (1847), còn đạo diễn Laurent Heyemann dựng thành phim truyền hình nhiều tập, trong đó có một số cảnh được quay tại lâu đài này. 

Trong năm 2020, lâu đài Vaux le Vicomte đã mất khoảng 200.000 lượt người thăm viếng sau hai đợt phong tỏa, tức tương đương với 60% số khách tham quan thường niên (310.000 khách), trong khi chi phí bảo tồn quần thể lâu đài và công viên xấp xỉ 1 triệu euro hàng năm. Điều đó giải thích vì sao gia đình quản lý Vaux le Vicomte thúc giục chính phủ Pháp cho phép mở lại các cơ sở văn hóa càng sớm càng tốt. 

Do chưa có thông báo rõ ràng từ phía bộ Văn Hóa, cho nên các ban giám đốc điều hành đều có tâm trạng hoang mang, đa số đều buộc phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ, trong trường hợp các bảo tàng, nhà hát hay di sản kiến trúc được phép hoạt động trở lại nhân kỳ nghỉ học vào mùa xuân kể từ tuần lễ thứ hai của tháng 04/2021, rơi vào mùa lễ Phục Sinh. Hầu hết các chủ lâu đài ở vùng sông Loire đều tranh thủ thời gian đóng cửa để sửa chữa và trùng tu cơ sở trên quy mô lớn.

Đầu tư thêm vào các tour tham quan ngoài trời 

Theo bà Laure Bommelaer, chủ lâu đài Château de la Bussière ở vùng sông Loire, tính trung bình doanh thu của ngành này đã giảm hơn 50% trong năm 2020, các lâu đài cũng không được phép tiếp đón khách tham quan trong kỳ nghỉ mùa đông vào tháng 02/2021. Do vậy, nhiều cơ sở văn hóa tư nhân sẽ có nguy cơ bị phá sản, nếu họ phải tiếp tục đóng cửa nhân kỳ nghỉ học vào mùa xuân năm nay.

Xung quanh các địa điểm tham quan này là cả một ngành phục vụ gồm tiệm ăn, hàng quán, khách sạn, phòng trọ cũng đã không hoạt động tính từ cuối tháng 10/2020 cho tới nay. Vì thế, giới nhân viên trong ngành đều hy vọng sẽ không đánh mất thêm một cơ hội gỡ gạc doanh thu. Ban quản lý đang tập tung vào việc phát triển các tour tham quan ngoài trời, đặc biệt là vườn hoa và vườn rau, dễ kiểm soát và dễ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hơn là không gian bên trong lâu đài.

Trả lời báo La Croix, ông Lancelot Guyot, chủ lâu đài La Ferté Saint-Aubin cho biết dù có tiếp khách hay phải đóng cửa, thì quần thể lâu đài vẫn phải được bảo tồn trùng tu, chỉ riêng các chi phí duy trì các cơ sở tiếp khách thường nhật lên tới hơn 20.000 euro mỗi năm, nếu có kế hoạch sửa chữa quan trọng, thì ban quản lý phải tiết kiệm nơi những khâu khác. Chính cũng vì thế, ông đành gác lại qua một bên các dự án "nâng cấp" lâu đài, kể cả việc sửa lại một số phòng ở tầng trên để làm nhà trọ cho thành phần du khách muốn ngủ lại qua đêm.

Nếu không được mở lại vào đầu tháng 04/2021, khi trời vào xuân nắng ấm trở lại, thì đó sẽ là một thảm họa, đối với các ban quản lý. Theo ông Charles-Antoine de Vibraye, chủ lâu đài Cheverny, ban giám đốc đã tranh thủ thời kỳ vắng khách để thiết kế lại toàn bộ phong cảnh, bồn nước trong các công viên lớn. Lâu đài Cheverny là trung tâm của chuyến viếng thăm, với các cuộc triển lãm về nhân vật phóng viên Tintin của danh họa Hergé, do ông dựa vào Cheverny để vẽ thành lâu đài Moulinsart trong truyện tranh.

Lâu đài đón các đoàn phim thay vì làm lễ cưới

Thế nhưng, xung quanh lâu đài là nhiều góc vườn theo chuyên đề, chẳng hạn như "Jardin de l'Amour" dành cho các đôi tình nhân đi dạo chụp ảnh, "Jardin des Apprentis" dành cho trẻ em thích vui chơi khám phá, "Jardin Potager" dành cho những người thích làm vườn, trồng thêm nhiều loại cỏ thơm, rau sạch.

Theo ông Charles-Antoine de Vibraye, ban quản lý đã lên kế hoạch gieo trồng 250.000 củ hoa tulip trải rộng trên 3 không gian khác nhau. Các góc vườn được kết nối bằng một tấm thảm hoa tulip hoành tráng khổng lồ, dài đến 250 mét, rộng hơn 12 mét, đầy đủ các màu sắc huyết dụ, xanh dương, hồng phấn, trắng ngà, tím sẫm, vàng nghệ hoặc cam tươi... Tuy không tiết lộ chi phí của việc trồng hoa, nhưng hẳn chắc là việc duy trì lệnh đóng cửa vào mùa xuân tới sẽ là một cú sốc gây choáng váng đối với Cherverny.

Để bù đắp thất thu do phải đóng cửa, tuần báo Capital cho biết một số lâu đài chuyển qua khai thác nhiều dịch vụ khác, thay vì cho mướn cơ sở để tổ chức đám cưới, sinh nhật hay lễ tân, các lâu đài giờ đây được sử dụng để tiếp đón các đoàn làm phim của Pháp hay đến từ các nước châu Âu láng giềng.

Theo bà Gael du Halgouet, chủ lâu đài Château des Grotteaux, gần thành phố Blois, vùng Loir et Cher. Với một đoàn quay phim làm việc tại chỗ trong vòng 6 ngày, lâu đài này thu về tiền cho thuê tương đương với một tháng hoạt động tiếp khách bình thường. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể, nhưng không phải lâu đài nào cũng thu hút được các êkíp quay phim điện ảnh hay truyền hình, nhất là dòng phim lịch sử cổ trang.

Về điểm này, từ nhiều đời qua, lâu đài Vaux le Vicomte do có bề dày lịch sử thực thụ, cho nên luôn thu hút các đoàn phim Pháp hay quốc tế. Tuy nhiên, đó là một nguồn thu nhập bổ sung, mục tiêu của việc bảo tồn di sản kiến trúc không phải là để cất giấu, giữ kín mà là để quảng bá rộng rãi cho khách tham quan. Cho dù đa số các viện bảo tàng đều tổ chức các cuộc viếng thăm "ảo" trên mạng, nhưng có lẽ bằng một chuyến tham quan thực tế, trong không gian ba chiều. Khi bạn bước vào một lâu đài và chợt có cảm giác nhịp cánh thời gian phút chốc dừng lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.