Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Gauguin, nhà Giả kim : Triển lãm tại bảo tàng Grand Palais

Sau cuộc triển lãm vào mùa xuân nhân 100 năm ngày giỗ của nhà điêu khắc Auguste Rodin (1840-1917), Viện bảo tàng Grand Palais nay lại giới thiệu 230 tác phẩm của Paul Gauguin (1848-1903). Có thể xem đây là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng nhất khai mạc vào mùa thu và kéo dài cho tới 22/01/2018.

"Noa Noa, hành trình đến Tahiti" (1894-1901), quyển sổ tay bọc da gồm các bản ghi chép có minh họa của Gauguin
"Noa Noa, hành trình đến Tahiti" (1894-1901), quyển sổ tay bọc da gồm các bản ghi chép có minh họa của Gauguin Ảnh : Siegfried Forster/ RFI
Quảng cáo

Tuy không hẹn, nhưng cuộc triển lãm được khai mạc hầu như vào cùng thời điểm ra mắt bộ phim ‘‘Gaugin, Hành trình đến Tahiti’’ (Gauguin, Voyage à Tahiti) của đạo diễn Édouard Deluc với Vincent Cassel trong vai chính. Thủ đô Paris từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm về Gauguin, nhưng lần này bảo tàng Grand Palais đã muốn đem lại một góc nhìn khác về người nghệ sĩ, qua cuộc triển lãm với tựa đề Gauguin, l’Alchimiste : Gauguin, nhà Giả kim.

Nếu như trong cuộc triển lãm ‘‘hồi cố’’ vào năm 1989, bộ sưu tập của nhiều Viện bảo tàng Pháp trong đó có Orsay, Orangerie và Grand Palais đã cho thấy thiên tài hội họa của Gauguin, thì vào năm 2017, cuộc triển lãm đề cao người nghệ sĩ ‘‘đa tài đa diện’’. Qua việc trưng bày 55 tấm tranh, 34 bức phác họa, 35 tác phẩm điêu khắc, 29 món đồ sứ và đất nung cũng như 80 bức khắc gỗ kể cả tranh và tượng, bảo tàng Grand Palais cho thấy là 30 năm trước Picasso, Gauguin đã lấy cảm hứng sáng tác từ rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, chứ không chỉ là một người chuyên vẽ tranh. Có lẽ cũng vì những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là các bức chân dung thiếu nữ Tahiti, cho nên công chúng thường hay tưởng lầm rằng ông đơn thuần là một họa sĩ.

Cuộc triển lãm cũng nhắc lại là trước khi chọn hẳn con đường nghệ thuật, Gauguin đã làm nhiều nghề để kiếm sống. Ông đổi đời ở tuổi 35, từ bỏ công việc môi giới chứng khoán để theo đuổi hội họa, phát huy ‘‘bút pháp’’ đậm đà màu sắc, tròn viền rõ nét, họa tiết đơn giản. Sau các chuyến đi Panama và đảo Martinique, cuộc hành trình quan trọng nhất đối với Gauguin chính là chuyến đi Tahiti và Hiva Oa thuộc quần đảo Marquises vào năm ông 43 tuổi (1891).

Có một chi tiết khá thú vị, ly kỳ là trước chuyến đi này, Gauguin từng đệ đơn thỉnh cầu giám đốc Trường Mỹ thuật Paris bổ nhiệm ông đi công tác và như vậy đài thọ chuyến đi Tahiti của ông và đổi lại các bức vẽ của ông thuộc về Trường Mỹ thuật Paris. Do không được chấp thuận, nên Gauguin bán đổ bán tháo các tác phẩm của ông để có đủ tiền trang trải chuyến hành trình viễn du.

Đối với một nghệ sĩ khao khát được sống gần gũi với thiên nhiên, nơi con người không còn bị chi phối bởi đồng tiền, Tahiti cũng như quần đảo Marquises ban đầu thể hiện một cõi địa đàng kỳ diệu, một chốn thần tiên ẩn kín trên trần thế. Nơi các hải đảo yên lành trên Thái Bình Dương, Gauguin tưởng chừng đã tìm thấy một vùng đất lý tưởng để tận hưởng cuộc sống an nhàn, thả trọn tâm hồn vào hội họa.

Thế nhưng, niềm vui của những ngày đầu dần nhường chỗ lại cho nỗi thất vọng lớn lao. Trên quần đảo thuộc địa Pháp, ông lại thấy lặp lại cái mô hình xã hội ‘‘vật chất’’ phương Tây mà ông đã quyết định từ bỏ. Có lẽ cũng vì thế mà khi rời Tahiti về quần đảo Marquise Gauguin đã chọn cuộc sống đạm bạc dưới một túp lều tre, ăn mặc và sinh sống theo phong tục của người bản xứ. Trong tranh của Gauguin, các hải đảo Thái Bình Dương được ông vẽ theo góc nhìn lý tưởng, như thể thế giới của người bản xứ vẫn còn ở thời tiền sử sơ khai, chưa hề bị nhiễm văn minh Tây phương, chưa hề có dấu tỳ vết, hoen ố trên bức tranh địa đàng.

Một cách tuyệt đối, không hề có chi tiết nào dù rất là nhỏ nhoi để gợi lại văn hóa châu Âu của Gauguin, điều này lại càng tháy rõ trong các tác phẩm khắc gỗ của Gauguin, khi gợi hứng từ nghệ thuật tạo hình của người bản địa, Gauguin như thể từ bỏ hẳn nguồn gốc Tây Âu của mình để trở thành một con người, thiên nhiên đất trời là tổ quốc, tâm tính càng xa lánh cõi trần để dễ hướng tới chốn linh thiêng,

Mãi tới khi Gauguin qua đời ở tuổi 54 trong cảnh nghèo đói bệnh tật, các nhà sưu tầm mới quan tâm đến những tác phẩm của ông, một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của làng hội họa hậu ấn tượng, khai sinh trường phái ‘‘nguyên thủy’’. Cuộc triển lãm tại bảo tàng Grand Palais nhắc lại hành trình của một nhân vật mà cuộc đời và sự nghiệp đầy phong ba chứ không như mặt hồ phẳng lặng trơn tru.

Những dày vò nội tâm, những khó khăn trong cuộc sống có lẽ không bao giờ làm cho ông nản lòng sáng tác. Không có cành cọ hay sơn dầu để vẽ tranh, Gauguin không ngại dùng gỗ hay đất nung để sáng tác. Không phải ngẫu nhiên mà triển lãm có tựa đề ‘‘Gauguin, l’Alchimiste’’ (Gauguin, nhà Giả kim) : tựa như một thuật sư hóa chì thành vàng, bàn tay Gauguin biến các vật liệu tầm thường nhất thành những tác phẩm quý hiếm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.