Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

The Imitation Game, ứng viên nặng ký giải Oscar

Nhắc tới Đệ Nhị Thế Chiến, người ta thường nghĩ tới các trận đánh kinh hoàng, giao tranh khốc liệt giữa quân đội của Hitler và lực lượng đồng minh. Thế nhưng, chiến tranh không phải chỉ có súng ống bom đạn, mà còn là về mặt tâm lý cân não. Bộ phim The Imitation Game được đề cử đến 8 giải Oscar do khéo đan xen tiểu sử và lịch sử, dùng một câu chuyện nhỏ để soi sáng câu ‘‘chuyện lớn’’.

Quảng cáo

Bộ phim The Imitation Game của đạo diễn Morten Tyldum mở đầu với một kết cục bi thảm. Vào năm 1952, nhà toán học Alan Turing bị bắt giữ rồi hỏi cung do có quan hệ với người đồng giới tính, một điều mà xã hội thời bấy giờ vẫn cấm đoán, phạt tù giam. Để không khỏi ngồi tù, Alan Turing chấp nhận dùng liệu pháp hóa học để kềm chế ham muốn sinh lý. Hai năm sau, người ta phát hiện thi thể của ông, một cái chết ‘‘bí ẩn’’ mà có người cho là ông đã tự kết liễu cuộc đời do không còn chịu đựng nổi.

Điều mà ít ai biết được là ông Alan Turing là cha đẻ của ngành khoa học điện toán, ông cũng là người đã phá vỡ hệ thống mã hóa Enigma của quân đội Hitler, tạo thêm cơ hội cho lực lượng đồng minh giành lấy chiến thắng.Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, quân đội Đức sử dụng hệ thống Enigma để mã hóa các thông tin liên lạc, và nhờ vậy mà bảo mật tối đa các chiến dịch quân sự, từ việc dàn quân tác chiến cho tới thời điểm tiến hành kế hoạch tấn công.

Việc giải mã bộ máy Enigma trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của quân đồng minh. Nhiệm vụ tối mật này được giao cho một nhóm chuyên gia, trong đó có thiên tài toán học Alan Turing (do Benedict Cumberbatch thủ diễn). Bộ phim The Imitation Game tập trung khai thác tuyến truyện này, đan xen những đoạn hồi tưởng flashback, qua đó nhân vật gợi lại những gì đã diễn ra trong quá khứ tuổi thơ. Cuộc chạy đua với thời gian trở nên ráo riết : nhóm chuyên gia càng giải mã hệ thống bảo mật sớm chừng nào, thì thế chiến càng kết thúc nhanh chừng nấy, và qua đó sẽ cứu thêm nhiều người, tiết kiệm được không những súng đạn mà còn là bao sinh mạng.

Bên cạnh tuyến truyện hồi hộp gay cấn, chạy theo nhịp độ tít tắt của đồng hồ, bộ phim còn mô tả những mối quan hệ của Alan Turing. Trong đó có cô bạn đồng nghiệp Joan Clark (Keira Knighley) và nhất là cậu bạn học Christopher (Jack Bannon) mà Alan đã quen từ thời còn học trường nội trú. Bộ phim không cần quay cảnh quan hệ ái ân, nhưng khán giả thừa hiểu Alan Turing là một người sống khép kín, ít khi nào mà thổ lộ với ai định hướng đồng tính của rmình.

Định mệnh thật trớ trêu, đời sao lắm nghịch cảnh, thời thanh niên Alan Turing dồn hết bao sức lực, dành trọn bao tâm huyết để giải mã các thông tin bí ẩn, nhưng bản thân ông lại phải che giấu những bí mật thầm kín nhất trong tâm hồn. Khi bị bắt giam hỏi cung, Alan Turing trở thành nạn nhân của một xã hội bảo thủ, còn nhiều thành kiến và quan niệm hẹp hòi. Mãi đến tháng 9 năm 2009, tức là hơn bốn thập niên sau ngày ông mất, danh dự của Alan Turing mới được phục hồi. Thủ tướng Anh thời bấy giờ là Gordon Brown đã thay mặt chính phủ ngõ lời xin lỗi chính thức về cách đối xử với Alan Turing trong thời kỳ hậu chiến.

Nhà toán học Alan Turing (và có lẽ cũng như rất nhiều người khác) đã góp phần không nhỏ trong việc giúp lực lượng đồng minh đánh bại quân đội Hitler, chỉ có điều là cái công lao ấy lại ít khi nào được nhắc tới. The Imitation Game phác họa chân dung của một thiên tài thầm lặng, một anh hùng khuyết danh : Một con người đáng được sống nhưng vẫn không qua nổi cửa ải định mệnh, một thân kiếp mang đậm dấu ấn đọa đày, hẩm hiu số phận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.