Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Lạm phát : Giá rượu Champagne tăng 10% trong năm 2023

Trong năm 2022, doanh thu ngành Champagne của Pháp lần đầu tiên vượt ngưỡng 6 tỷ euro. Tỷ lệ xuất khẩu sâm banh không ngừng đi lên trong khi doanh thu tại Pháp lại tiếp tục giảm. Điều đó có nghĩa là ngành Champagne bội thu chủ yếu nhờ vào lượng tiêu thụ ở nước ngoài, chứ khó thể trông cậy vào thị trường nội địa. Đây là một trong những sản phẩm đắt khách, cho dù giá không ngừng tăng trong những năm vừa qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Getty Images
Quảng cáo

Theo tạp chí chuyên về rượu vang Pháp ''La Revue du Vin de France'', giá trung bình của một chai Champagne (loại Brut) hiện thời là 25 euro. Loại thượng hạng (millésimé) lại còn có giá cao hơn nữa. Nhìn chung, trong số các loại rượu phổ biến được bày bán nhiều ở siêu thị, Champagne là loại vang trắng sủi bọt có giá cao từ gấp hai đến gấp ba lần so với các loại rượu vang khác. Trong thời buổi lạm phát, giá Champagne tăng đều đặn trong hai năm liền. Điều đáng ngạc nhiên là lượng tiêu thụ Champagne tuy bị khựng lại trên thị trường Pháp, nhưng vẫn không trên đà giảm mạnh so với nhiều loại rượu khác. 

Theo công ty ''Terroirs et Vignerons de Champagne'' (TEVC), trong năm vừa qua, giá trung bình của một chai Champagne đã tăng 7%. Công ty này hiện đang nắm giữ hiệu Nicolas Feuillatte (giá khoảng 19 euro một chai). Đây là một trong những thương hiệu hàng đầu của Pháp, được tiêu thụ nhiều trên thị tường nội địa đồng thời xuất khẩu mạnh sang nước ngoài. Mức tăng giá 7% trong năm 2022 vẫn được đánh giá là "hợp lý". Tuy nhiên, trong năm 2023, mức giá Champagne vẫn trên đà tăng thêm, lên tới khoảng 10%, và như vậy một chai Champagne trong gam trung bình có nhiều khả năng vượt quá 20 euro, một ngưỡng tâm lý đối với khá nhiều người tiêu dùng. 

Mức xuất khẩu Champagne Pháp vượt ngưỡng 6 tỷ euro 

Theo tạp chí ''La Revue du Vin de France'', không chỉ riêng gì Nicolas Feuillate, mà còn nhiều hiệu Champagne khác, chủ yếu được bán trong các siêu thị, cũng lần lượt tăng giá. Trong bối cảnh lạm phát, hầu hết các nhà sản xuất đều tìm cách hạn chế các chi phí sản xuất của họ ngay từ khâu đầu tiên là trồng nho để thu hoạch, theo dõi quá trình đóng chai khi dùng tối đa các vật liệu có thể được tái xử lý. Quan trọng hơn nữa là bảo đảm tiết kiệm nguồn năng lượng, việc sản xuất rượu không được thải quá nhiều cácbon. Điều đó có nghĩa là ngành sản xuất Champagne nói riêng, ngành rượu vang nói chung phải tuân thủ nhiều quy đinh chặt chẽ…

Hoạt động dưới dạng tổ hợp bao gồm 6.000 thành viên, chủ yếu là các nhà trồng nho làm rượu, công ty ''Terroirs et Vignerons de Champagne'' với doanh thu trong năm vừa qua là 284 triệu euro (tăng 17% so với năm 2021) hiện nằm trong số 5 nhà sản xuất lớn chuyên về Champagne. Đứng đầu vẫn là tập đoàn LVMH (bao gồm các thương hiệu Möet & Chandon, Ruinart, Veuve Clicquot...). Ngoài ra, còn có các công ty Vranken-Pommery, Laurent-Perrier và Lanson-BCC đều có các thương hiệu Champagne quen thuộc với người tiêu dùng. 

Ngành sản xuất Champagne thực ra đã trải qua nhiều giai đoạn bấp bênh. Cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch Covid-19 đã làm khựng lại toàn bộ ngành sản xuất. Rất khó thể nào mà bán Champagne, trong lúc đa số các hàng quán, hộp đêm hay khách sạn đều phải đóng cửa. Thời hậu đại dịch, ngành Champagne buộc phải hạn chế khối lượng sản xuất để tránh tình trạng phá giá : quá nhiều Champagne nhưng lại ít người mua. Kể từ mùa xuân năm 2022, ngành Champagne thực sự phục hồi, lập kỷ lục doanh thu do lượng tiêu thụ tăng mạnh trở lại sau gần 3 năm bị kềm hãm. 

Chi phí cao để quảng cáo tiếp thị ''xa xỉ phẩm'' 

Hiện giờ, ngành sản xuất Champagne đang phải tìm cách đối phó với trình trạnh lạm phát. Theo tạp chí LVRF, giá chai thủy tinh đã tăng khoảng 45%, nút chai làm bằng gỗ bần bây giờ vẫn còn được dùng trong ngành Champagne, nhưng ngày càng khan hiếm nơi các loại vang đỏ. Chi phí cao nhất đối với các nhà sản xuất vẫn là các hóa đơn năng lượng. Ngành Champagne sử dụng nhiều điện chủ yếu để điều hòa nhiệt độ các hầm rượu. Hàng triệu chai được cất giữ trong hầm với không khí mát lạnh, ít khi nào dao động, thay đổi. Về điểm này, chi phí năng lượng đã tăng gấp đôi. Riêng công ty ''Terroirs et Vignerons de Champagne'' phải chi khoảng 3 triệu euro so với một triệu rưỡi euro cách đây ba năm, để thanh toán các hóa đơn năng lượng. 

Bên cạnh đó, còn có chi phí vận chuyển. Giá xăng dầu đã tăng mạnh trong năm 2022, đã tác động mạnh đến toàn bộ hệ thống phân phối. Một yếu tố khác nữa không dễ nhìn thấy nhưng cũng rất tốn kém. Champagne của Pháp đắt hơn nhiều so với vang đỏ, thường được dành cho các dịp ăn mừng, tiệc tùng hay lễ hội. Trong mắt thực khách nước ngoài, sở dĩ Champagne có giá cao, đó là cũng vì đây là một thức uống ''hạng sang''. Cũng như nhiều mặt hàng xa xỉ khác, sản phẩm này đi kèm với nhiều chi phí về mặt quảng cáo tiếp thị. Không phải ngẫu nhiên mà tập đoàn LVMH luôn chi một ngân sách quảng cáo khổng lồ hầu duy trì uy tín các hiệu Champagne của mình, ở hàng đầu. 

Dường như hiện tượng tăng giá của Champagne, tăng chậm mà đều đặn, vẫn chưa làm cho một số người tiêu dùng bất mãn, nhất là tại khu vực châu Á, các nước vùng vinh hay tại các quốc gia đang trỗi dậy như Ấn Độ hay Brazil. Tại các thị trường này, ngày càng có nhiều người thích dùng xa xỉ phẩm. Và điều đó giải thích vì sao cho dù tăng giá trong hai năm liền nhưng Champagne của Pháp vẫn hút khách. Còn trên thị trường Pháp, tình trạng lạm phát khiến cho nhiều gia đình hạn chế mua sắm, nhưng do rượu Champagne chủ yếu được uống trong các dịp quan trọng, cho nên người tiêu dùng ở Pháp vẫn mua sâm banh, với tâm lý lâu lâu mới có một lần, chứ không phải lúc nào cũng được cụng ly ăn mừng. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.