Vào nội dung chính
XÃ HỘI - DU LỊCH

2024 : Nhiều điểm đến thu thêm phí du lịch

Khách tham quan muốn leo núi Phú Sĩ ở Nhật Bản sẽ phải trả 12 euro kể từ tháng 07/2024. Thành cổ Acropolis ở Hy Lạp cũng hạn chế khách thăm viếng ở mức 20.000 người mỗi ngày. Thành phố trên nước Venise tại Ý thu 5 euro ''phí du lịch" đối với những khách nào không lưu trú qua đêm kể từ tháng 05/2024. Đó là vài xu hướng chính trong ngành du lịch năm nay.

Những người chèo thuyền gondola ở Venise, Ý, ngày 15/07/2023.
Những người chèo thuyền gondola ở Venise, Ý, ngày 15/07/2023. © Reuters - IManuel Silvestri
Quảng cáo

Theo báo L'Écho Touristique, sau khi đảo Bali thu phí khoảng 10 đô la cho mỗi du khách từ ngày 14/02/2024, nhiều điểm đến khác trên thế giới cũng bắt đầu áp dụng những biện pháp tương tự. Bên cạnh các quy định nhằm hạn chế du lịch quá tải như tăng thuế lưu trú hay giá vé tham quan, lập quota du khách hoặc tạm thời đóng cửa các khu bảo tồn thiên nhiên, việc thu phí du lịch là phương án dễ thực hiện nhất. Đó là trường hợp của núi Phú Sĩ hay quần đảo Galapagos. 

Một số quốc gia thu thuế du lịch bằng cách tính thêm phí trên giá vé máy bay hoặc ghi thêm phí này vào thuế lưu trú mà khách hàng phải thanh toán tại khách sạn. Thuế du lịch nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải. Trước đảo Bali, các quốc gia như Áo, Croatia, Bồ Đào Nha, Malaysia, New Zealand đều đã áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, không nơi nào tăng phí du lịch mạnh bằng đảo Maurice (Mauritius), một thiên đường du lịch nghỉ dưỡng ở vùng Ấn Độ dương. 

Đảo Maurice : Phí du lịch tăng thêm 72%

Sau nhiều lần trì hoãn, do ngành du lịch đang từng bước phục hồi thời hậu Covid, đảo Maurice bắt đầu áp dụng việc tăng thuế du lịch đến 72% kể từ trung tuần tháng 02/2024. Thay vì trả 32 euro, khách du lịch trên 12 tuổi sẽ phải chi 55 euro, trong khi thuế dành cho trẻ em từ 2 đến 12 tuổi tăng từ 17 euro lên thành 27 euro mỗi người.

Thuế này không chỉ áp dụng cho hành khách từ Paris đến Maurice, mà cũng tăng từ 15 đến 23 euro đối với hành khách đến từ các đảo lân cận như Réunion, Madagascar hoặc Seychelles. Biện pháp này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các công ty lữ hành, khó thể nào duy trì một bảng giá tour du lịch trọn gói hấp dẫn, khi giá khách sạn, vé máy bay và giờ đây là thuế du lịch, đều tăng mạnh.

Về phần mình, thành phố Venise, Ý, đã quyết định thử nghiệm thuế "vào cửa" đối với khách du lịch từ tháng 5 năm 2024. Những khách nào đến thăm nơi này mà không ở lại ít nhất một đêm thì phải trả phí 5 euro. Du khách ở khách sạn hay mướn phòng Airbnb vẫn phải thanh toán thuế luu trú. Giai đoạn thử nghiệm sẽ được thực hiện trong ba đợt khác nhau : tám ngày xen kẽ trong tháng 5, sáu ngày trong tháng 6 và năm ngày trong tháng 7. Khách nào đến thăm Venise vào một trong những thời điểm này mà không nghỉ qua đêm trong khu vực nội thành đều phải thanh toán phí trên trang web "Venise access fee" để lấy mã QR trước khi vào bên trong thành phố. Nếu không thanh toán phí, khách du lịch có thể bị phạt 320 euro mỗi lần vi phạm. 

Để tránh tình trạng du lịch quá tải, khu di tích cổ xưa Machu Picchu của người Inca, một trong những kỳ quan ở Peru, đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm hạn chế du khách. Cơ quan quản lý các danh lam thắng cảnh Peru chỉ cho phép 6.000 khách đặt chân đến khu vực này mỗi ngày. Mỗi nhóm chỉ được tối đa 16 khách tham quan, và buộc phải có hướng dẫn viên du lịch địa phương đi kèm. Không ai được quyền tự do đi lại xung quanh khu vực. Peru đã phải ban hành những quy định nghiêm ngặt sau khi một số du khách đã lỡ tay hủy hoại một số di tích trong thành cổ, hoặc lén bỏ vào trong túi vài mảnh cổ vật như đồ lưu niệm. 

Galapagos : Phí tham quan tăng gấp đôi, 200 đô la mỗi người 

Về phần mình, Ecuador cũng đã đưa ra những hạn chế đối với khách du lịch đến thăm quần đảo Galapagos, thiên đường động vật hoang dã. Du khách không được quyền di chuyển tùy tiện mà không có hướng dẫn viên. Ngoại trừ các nhóm thợ lặn với mục đích nghiên cứu khoa học, các môn thể thao trên nước cũng như dưới nước đều bị hạn chế tối đa.

Vào ngày 24/02/2024, bộ Du lịch Ecuador đã thông qua quyết định tăng mạnh giá vé vào Công viên quốc gia Galapagos, cũng như khu bảo tồn đại dương, từ 6 lên 30 đô la đối với những ai có quốc tịch Ecuador và từ 100 đô la lên 200 đô la đối với khách du lịch quốc tế. Mục tiêu đầu tiên là hạn chế tác động của du lịch đại trà đến quần đảo còn hoang sơ.

Khi thực hiện việc thu phí mới này, Galapagos có thể đem về 40 triệu đô la trong một năm, so với mức 18 triệu đô la như hiện nay. Nguồn doanh thu này sẽ giúp cho chính quyền địa phương triển khai hiệu quả hơn các chương trình bảo tồn đa dạng sinh thái.

Nếu chuyện tăng phí du lịch được nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường hưởng ứng nhiệt tình, thì một số người lại lo ngại trước việc tăng giá quá cao. Các công ty vận chuyển hành khách cho rằng biện pháp tăng giá là điều cần thiết, nhưng không nên tăng mạnh đến gấp đôi. Chi phí 200 đô la để vào khu bảo tồn thiên nhiên Galapagos có thể sẽ làm chùn bước nhiều khách du lịch nuớc ngoài. Cũng như Bhutan, Galapagos nổi tiếng là một trong những điểm đến có chi phí đắt đỏ, việc tăng thêm thuế du lịch càng gán cho quần đảo Galapagos hình ảnh của một điểm đến đặc biệt, nếu không nói là dành riêng cho thành phần du khách giàu có. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.