Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Pháp khánh thành Bảo tàng rượu Champagne tại Épernay

Paris có đại lộ Champs-Élysées, còn Épernay nổi tiếng với đại lộ Champagne. Nằm cách thủ đô Pháp gần 150 cây số về phía đông, Épernay được xem như là nơi dừng chân trên đường tới Strasbourg, chứ chưa phải là điểm đến. Tuy vậy, thành phố nho nhỏ này lại được thế giới biết đến vì là chiếc nôi của ngành sản xuất sâm banh. Bảo tàng rượu Champagne vừa được khai trương hồi đầu tháng 06/2021.

Lâu đài Perrier trên "Đại lộ Champagne" ở Epernay, miền đông bắc nước Pháp, ngày 13/12/2019.
Lâu đài Perrier trên "Đại lộ Champagne" ở Epernay, miền đông bắc nước Pháp, ngày 13/12/2019. AFP - FRANCOIS NASCIMBENI
Quảng cáo

Đại lộ Champagne là trục giao thông quan trọng tại thành phố Épernay và cũng là mặt phố kinh doanh lớn nhất, vì thế ngày xưa đại lộ này còn có tên gọi là ''Rue du Commerce''. Dài khoảng một cây số, đại lộ này tập hợp các trụ sở của nhiều thương hiệu Champagne nổi tiếng của Pháp Moët & Chandon, Mercier, Castellane, Pol Roger, De Venoge, Boizel… Các thương hiệu lớn khác như Ruinart, Taittinger, Mumm, Lanson hay Pommery tọa lạc ở thành phố Reims, còn Bollinger hay Dom Pérignon cũng chỉ nằm cách Épernay có vài phút đi xe hơi.

Đại lộ "một cây số" trị giá hàng tỷ euro

Tuy chỉ dài gần một cây số, nhưng đại lộ Champagne thật ra lại trị giá hàng tỷ euro vì ở dưới lòng đất, các hầm rượu lại rộng mênh mông, nơi cất giữ hàng trăm ngàn chai rượu thượng hạng đủ kiểu. Còn ở phía mặt tiền, các đền đài dinh thự nằm san sát nhau, lối kiến trúc có thể không đồ sộ bề thế như các lâu đài vùng sông Loire, nhưng vẫn vương giả trong đường nét, quý phái trong các chi tiết chạm trổ. Đa số đã được xây vào giữa thế kỷ XIX, khi Épernay trở nên sung túc giàu có, nhờ xuất khẩu rượu sâm banh sang các vương triều châu Âu.

Chính tại lâu đài Perrier, tọa lạc ở số 13 trên đại lộ Champagne mà Hội đồng thành phố Épernay đã khánh thành ''Viện bảo tàng rượu Champagne và khảo cổ học''. Hai lãnh vực này thoạt nhìn chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng thật ra lại có mối liên hệ khá chặt chẽ : để trữ rượu, các nhà sản xuất đã phải đào hầm nhưng cũng từ đó mà khai quật được nhiều di tích lịch sử (trang sức, dụng cụ, vũ khí…) có từ thế kỷ V trước Công nguyên, thời các bộ tộc celtique. Được xem như là một viên ngọc quý của phong cách kiến trúc Pháp thế kỷ XIX (còn được gọi là trường phái Néo-Louis XIII), lâu đài Perrier trước đây là ''tổng hành dinh'' của hiệu Champagne nổi tiếng Perrier-Jouët.

Khi thành lập cửa hàng kinh doanh đầu tiên vào năm 1811, nhà sáng lập Pierre-Nicolas Perrier đã ghép tên của mình với họ của người vợ mới cưới để đặt tên cho thương hiệu Perrier-Jouët. Thời nay, trụ sở công ty ở số 13 trên Đại lộ Champagne được tái tạo thành viện bảo tàng, còn tư gia của dòng họ Perrier ở số 26 được biến thành không gian sang trọng dành để trưng bày bộ sưu tập đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.

Vùng Champgne, di sản văn hóa thế giới từ năm 2015

Dự án thành lập Bảo tàng rượu vang vùng Champagne đã manh nha vào năm 2015 (vùng này sản xuất rượu sâm banh và các loại rượu không có sủi bọt như Rosé de Rycés hay là Côteaux Champenois) kể từ khi vùng Champagne được tổ chức Unesco xếp vào hàng Di sản Thế giới. Trong vòng gần 7 năm làm việc, thành phố Épernay đã chi hàng chục triệu euro, để trùng tu mặt tiền và nội thất lâu đài Perrier (4.200 mét vuông) cũng như tân trang khuôn viên với vườn hoa và hồ nước (7.500 mét vuông) để thành lập Bảo tàng rượu Champagne và khảo cổ học.

Tầng một của tòa nhà dành để trưng bày luân phiên bộ sưu tập khảo cổ. Còn hai tầng cao nhất được dành để giới thiệu lịch sử của ngành sản xuất Champagne, từ các máy ép nho hay thùng cất rượu có từ thế kỷ XIX, các xưởng chế biến hay nghệ thuật thiết kế kiểu chai cho tới các phim video tương tác giới thiệu các giống nho, phong thổ, quá trình sản xuất đặc thù kể cả khâu cho vào chai để rượu sâm banh lên men sủi bọt… Khách tham quan kết thúc cuộc viếng thăm tại cửa hàng và quầy rượu dành cho thực khách nào muốn thưởng thức các loại rượu nổi tiếng nhất của vùng này.

Theo cô Laure Ménétrier, giám đốc điều hành Bảo tàng thành phố Épernay, mục tiêu của ban quản lý là tạo thêm sức hấp dẫn để "cầm chân'' khách du lịch, khuyến khích họ dành thêm thời gian để viếng thăm Épernay. Bảo tàng của Épernay (24.000 dân) không mang tính cạnh tranh, mà bổ sung cho Bảo tàng thành phố Reims (210.000 dân), cho dù cả hai thành phố nằm gần kề nhau đều khai thác văn hóa và dòng sản phẩm Champagne. Một cách tương tự, thị trấn Aÿ nằm cách Épernay khoảng 6 cây số cũng đã khai trương từ ngày 02/07 cung triển lãm Pressoria trên cùng một chủ đề. Các dự án này giúp cho khách tham quan có nhiều cách tiếp cận khác nhau.   

Còn theo cô Sophie Herscher-Bousseau, trưởng ban văn hóa và thanh niên trong Hội đồng thành phố Épernay, nếu lâu đài Perrier ở số 13 tập trung vào việc giới thiệu khâu chế tạo, thì đổi lại tòa nhà ở số 26 được dành cho các cuộc triển lãm đề cao tính sáng tạo của Perrier-Jouët nói riêng, ngành sản xuất champagne nói chung. Ngôi nhà tráng lệ này, mở cửa kể từ ngày 21/06 vừa qua giới thiệu một trong những bộ sưu tập tư nhân hoành tráng nhất của phong trào Nghệ thuật Mới (Art Nouveau) tại châu Âu. 

Ruinart, hiệu Champagne lâu đời nhất có từ năm 1729 và sau đó là Perrier-Jouët từ năm 1811 đã tận dụng tính đột phá sáng tạo của giới nghệ sĩ để tạo nên sức bật cho ngành quảng cáo tiếp thị. Sau khi nhà sáng lập Pierre-Nicolas Perrier qua đời, con cháu của dòng họ này đã tiếp tục phát triển sự nghiệp gia đình, để rồi từ đó phát triển các mối quan hệ liên kết giữa Perrier-Jouët với các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Hoa phong quỳ, biểu tượng sang trọng của Perrier-Jouët

Trong số này có Émile Gallé, cánh chim đầu đàn của Trường phái nghệ thuật Nancy, trong giai đoạn hậu bán thế kỷ XIX, dựa vào thử nghiệm nghiên cứu để khai phá các hình thức sáng tạo trên thủy tinh, kim loại, gỗ mộc, đá quý… Chính nghệ sĩ Émile Gallé đã vẽ ra những đóa hoa ''phong quỳ'' Nhật Bản để rồi đúc thành kiểu chai dành cho các niên hiệu thượng hạng của Champagne (cuvée prestige). Từ đó trở đi, hoa phong qùy trở thành biểu tượng sang trọng quý phái luôn gắn liền với thương hiệu Perrier-Jouët cũng như hoa sơn trà là biểu tượng muôn thuở của Chanel.

Ngoài Émille Gallé, dòng họ này còn hợp tác với nhiều nghệ sĩ trứ danh như Guimard, Majorelle, Daum, Lalique hoặc Toulouse-Lautrec, trong hai lãnh vực trang trí nội thất và thiết kế đồ gia dụng bằng phâ lê, kính màu, đồ bạc, gỗ quý, hoa cương… Hiện giờ, thương hiệu Champagne Perrier-Jouët nằm trong tay tập đoàn Pháp Pernod-Ricard chuyên sản xuất và phân phối rượu vang và rượu mạnh, với 8,5 tỷ euro doanh thu hàng năm, đứng hạng nhì trên thế giới sau tập đoàn Diageo của Anh.

Qua việc thành lập một bảo tàng xứng đáng hơn với uy tín của rượu vang vùng Champagne, Hội đồng thành phố Épernay một mặt đề cao di sản hơn 200 năm của nhà Perrier-Jouët, mặt khác phát triển thêm ngành du lịch văn hóa và ẩm thực xung quanh con đường rượu sâm banh. Song song với viện bảo tàng, Épernay còn đón tiếp thêm nhiều hàng quán của De Venoge, Leclerc Briant hay là Collard-Picard để phục vụ các thực khách tại chỗ. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa hè này. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy các thương hiệu Champagne thay vì tập trung vào việc xuất khẩu, nay còn phải đa dạng hóa các hoạt động, nhất là trong khâu dịch vụ nhắm vào đối tượng khách hàng ngay trên ''sân nhà''.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.