Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ

Covid-19 : Ngành champagne Pháp mất 1 tỷ euro doanh thu

Sau một năm đầy biến động, dịch Covid-19 đã khiến cho doanh thu của ngành sản xuất rượu champagne (sâm banh) giảm gần 20%. Cũng cần biết rằng, rượu champagne là một trong những ngành xuất khẩu "mũi nhọn" của Pháp. Doanh thu hàng năm đạt 5 tỷ euro, trong đó có tới 3 tỷ euro là nhờ xuất khẩu. Cho nên, mức thiệt hại kinh tế do dịch bệnh được ước lượng khoảng 1 tỷ euro. 

Dịch Covid-19 khiến doanh thu ngành sản xuất rượu champagne của Pháp giảm gần 20% nhưng  tác hại của khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn so với dự báo.
Dịch Covid-19 khiến doanh thu ngành sản xuất rượu champagne của Pháp giảm gần 20% nhưng tác hại của khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn so với dự báo. AFP/File
Quảng cáo

Theo tổng kết do liên đoàn ngành sản xuất công bố trong tuần qua, mức kinh doanh trong năm 2020 là 245 triệu chai rượu champagne, tức là đã giảm khá mạnh so với mức 297 triệu chai vào năm 2019. Ngành này hồi mùa hè năm 2020 đã từng yêu cầu chính phủ Pháp trợ cấp đến nửa tỷ euro, hầu giúp đỡ cả hai giới trồng nho và sản xuất trước nguy cơ mất đến 30% doanh thu thường niên. Tuy nhiên, tác hại của cuộc khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn dự báo.

Cuộc khủng hoảng mạnh nhất từ nửa thế kỷ qua

Theo ông Jean-Marie Barillère, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất rượu champagne (UMC), trong số 245 triệu chai được bán trong năm qua, có 114 triệu chai champagne tiêu thụ trên thị trường Pháp, tức đã giảm 20%, trong khi mức xuất khẩu cũng đã giảm 16%, xuống còn 131 triệu chai. Ngành champagne đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, kể cả tài chính hay cấm vận kinh tế, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ 50 năm qua, ngành champagne lại gặp nhiều khó khăn đến như vậy. Thế nhưng, theo ông Jean-Marie Barillère, tình hình bị xáo trộn khó dự đoán, lượng xuất khẩu trong năm qua lại đạt được kết quả tương đối "tốt hơn" so với mức kinh doanh trên thị trường Pháp.

Còn đối với giới chuyên ngành, mặc dù năm 2020 là một năm đen tối, nhưng theo ông Maxime Toubart, Chủ tịch Liên đoàn các nhà trồng nho vùng Champagne (SGV), giới sản xuất đã tránh được kịch bản xấu nhất từng được dự trù vào tháng 07/2020. Có thể nói là ngành sản xuất rượu champagne đã có phản ứng nhanh chóng, khi cùng đạt thỏa thuận hạn chế mùa thu hoạch, giảm khối lượng rượu sản xuất trong năm. Các thương hiệu lớn hay các nhà sản xuất cỡ nhỏ và trung bình đã tỏ ra đoàn kết vì lợi ích chung : hạn chế sản xuất để tránh tình trạng hầm rượu quá tải, sản phẩm tồn kho ứ đọng. Rượu champagne không giống như các nông phẩm dễ bị hư thối như khoai tây, nhưng khi lượng hàng sản xuất được cung ứng quá nhiều trong khi mức cầu lại thấp, điều đó dễ dẫn đến tình trạng hàng bị mất giá trên thị trường. 

Theo ông Jean-Marie Barillère, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất champagne (UMC), dù bị mất 1 tỷ euro doanh thu so với năm 2019, nhưng ngành này đã tránh rơi vào tình trạng nguy kịch nhất. Lượng kinh doanh champagne bị sụt giảm là do nhiều yếu tố gộp lại. Dù muốn hay không, hình ảnh của rượu champagne thường được gắn liền với các dịp liên hoan, lễ hội. Mùa dịch Covid-19 chẳng có gì đáng để ăn mừng, người tiêu dùng cũng tự hạn chế các buổi gặp gỡ vui chơi, trà dư tửu hậu. Trong bối cảnh đó, các hộ gia đình ở Pháp phần nào bị xuống tinh thần, họ mất đi nhiều cơ hội để tổ chức tiệc tùng. Vào dịp lễ cuối năm, người Pháp tuy mua ít champagne hơn nhưng bù lại họ dùng các sản phẩm cao cấp, có chất lượng hơn.  

Brexit : Ngành champagne Pháp hạn chế thất thu

Bên cạnh đó, ngành du lịch bị ngưng hoạt động, cùng với việc đóng cửa các khách sạn, tiệm ăn, quán bar cũng như hộp đêm đã khiến cho lượng tiêu thụ rượu champagne bị giảm sút một cách rõ rệt. Trong các ngành này, doanh thu champagne trong năm 2020 mất tới 40% và còn giảm mạnh hơn nữa trong các ngành tổ chức sự kiện trong đó có các hội chợ, liên hoan, hội nghị, ngành dịch vụ lễ tân, sinh nhật và nhất là đám cưới.

Trong cái rủi lại có cái may, ngành champagne hạn chế phần nào mức thiệt hại sau khi Liên hiệp châu Âu đạt được thỏa thuận Brexit với Vương quốc Anh vào cuối tháng 12/2020. Thị trường Anh quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành champagne của Pháp, với từ 25 triệu đến 30 triệu chai rượu champagne được bán mỗi năm sang Anh. Giới chuyên ngành thở phào nhẹ nhõm vì câu chuyện dài nhiều tập kết thúc "có hậu". Thị trường Anh vẫn luôn chiếm hạng đầu về sản lượng champagne nhập khẩu, đứng trước các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức hay Thụy Sĩ.

Chẳng hạn một thương hiệu nổi tiếng như Bollinger sản xuất khoảng 3 triệu chai champagne mỗi năm, trong đó có tới hơn một phần ba được dành cho thị trường Anh quốc, tương đương với 45 triệu euro doanh thu xuất khẩu hàng năm. Còn nhà sản xuất champagne Joseph Perrier, nguyên là nhà cung cấp chính thức lâu năm cho Hoàng gia Anh, cũng dành đến 20% sản lượng (800.000 chai mỗi năm) riêng cho thị trường Anh.

Các doanh nghiệp thoát nạn nhưng trong bao lâu 

Nhờ quyết định kịp thời trong việc giảm lượng nho thu hoạch và từ đó lượng tránh sản xuất quá mức đến nỗi bị phá giá, ngành champagne của Pháp vẫn đứng trước nhiều khó khăn trong năm 2021. Liệu các công ty cỡ nhỏ và trung bình thoát nạn trong bao lâu ? Tuy hiện giờ, đa số các doanh nghiệp trong ngành này tránh bị phá sản sau một năm đầy biến động, nhưng họ sẽ phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn nữa, một số công ty nhỏ cũng buộc phải sát nhập để có thêm sức chịu đựng trước các cú sốc kinh tế.   

Tương tự, cho dù ngành sản xuất champagne cố gắng tìm kiếm biện pháp hỗ trợ, thì giới chuyên ngành cũng chỉ có thể hạn chế thất thu, mong sớm trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy quỹ đoàn kết của Châu Âu cũng như của Pháp đã thi hành một loạt biện pháp nhằm tài trợ khẩn cấp các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, thế nhưng nguồn vốn hỗ trợ ở mức vài chục triệu euro chẳng có ý nghĩa gì nhiều so với toàn ngành champagne, với doanh thu lên tới 5 tỷ euro trong năm 2019. Các biện pháp hạn chế thu hoạch sản xuất để tránh phá giá trên thị trường nội địa hay quốc tế cũng chỉ mang tính tạm thời, chứ khó thể nào duy trì được lâu. Dịch Covid-19 càng kéo dài so với dự phóng ban đầu, khủng hoảng ngành champagne của Pháp lại càng rộng sâu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.