Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Khí hậu: 2023 là năm nóng nhất từ 125.000 năm qua

Theo các nhà khoa học của Liên Hiệp Châu Âu hôm nay, 08/11/2023, năm 2023 "gần như chắc chắn" sẽ là năm nóng nhất từ 125.000 năm qua, sau khi dữ liệu của cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên Âu (C3S) cho thấy tháng 10 vừa qua là tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn đó. 

Ảnh minh họa: Khói công nghiệp hâm nóng bầu khí quyển Trái đất.
Ảnh minh họa: Khói công nghiệp hâm nóng bầu khí quyển Trái đất. © CC0 Pixabay / Markus Distelrath
Quảng cáo

Tháng 10/2023 đã phá kỷ lục về nhiệt độ cao của tháng 10/2019, với mức chênh lệch không nhỏ. Cụ thể, với nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu là 15,38°C, tháng 10/2023 đã nóng hơn 0,4°C so với kỷ lục trước đó. Phó giám đốc C3S, bà Samantha Burgess, cho biết đây là mức chênh lệch rất lớn và mô tả sự bất thường về nhiệt độ trong tháng 10 vừa qua là "rất khắc nghiệt".

Copernicus cho biết thêm, tháng 10 năm nay "nóng hơn 1,7°C so với mức trung bình của tháng 10 trong giai đoạn 1850-1900". Ngoài ra, giai đoạn từ tháng 1 cho đến tháng 10/2023 cũng là giai đoạn nhiệt độ trung bình cao nhất từng được ghi nhận trong 10 tháng đầu năm, cao hơn 1,43°C so với 10 tháng đầu của giai đoạn 1850-1900, mà Copernicus định nghĩa là thời kỳ tiền công nghiệp.

Nắng nóng là kết quả của hiện tượng phát thải khí nhà kính do hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Niño trong năm nay, làm nóng vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương.

Reuters nhắc lại năm nóng kỷ lục trước đó là năm 2016, cũng là năm bị ảnh hưởng của hiện tượng El Niño.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.