Vào nội dung chính
ĐẠI DƯƠNG - KHÍ HẬU

‘‘Bão nhiệt’’ trong lòng biển cả: Hiểm họa kinh hoàng nhưng ít được biết đến

Tháng 6 vừa qua thế giới chứng kiến đợt cháy rừng lớn chưa từng có tại Canada, xứ sở hàn đới. Khói rừng cháy gây ô nhiễm nhiều khu vực rộng lớn tại Mỹ, lan đến cả Bắc Âu. Nhiệt độ Trái đất trong hai ngày đầu tháng 7/2023 liên tiếp phá kỉ lục. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên mặt đất và không trung chỉ là một phần của vấn đề. Giới chuyên gia bắt đầu nói nhiều đến một hiện tượng môi trường ít được chú ý hơn nhiều, nhưng có thể đáng sợ gấp bội phần.

Ảnh minh họa : Cơn bão nhiệt đới Freddy tấn công Madagascar, tháng 2/2023.
Ảnh minh họa : Cơn bão nhiệt đới Freddy tấn công Madagascar, tháng 2/2023. VIA REUTERS - NASA
Quảng cáo

Đại dương nóng lên nhanh chóng, cùng với những cơn ‘‘bão nhiệt’’ trong lòng biển cả, chứa đựng nhiều hiểm họa mà thế giới dường như chưa lường được các hậu quả. 

Từ đầu năm đến nay, nhiệt độ đại dương phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Đặc biệt khu vực biển Bắc Đại Tây Dương, từ khu vực đảo Island trải dài đến Bắc Phi, vào tháng 6 đầu hè ghi nhận một mức nóng chưa từng có, với nhiệt độ bề mặt đại dương cao hơn từ 4 đến 5°C so với nhiệt độ trung bình.

Trả lời Novethic, trang mạng Pháp chuyên về môi trường, nhà sinh học biển Raphael Seguin, đại học Montpellier, nhận định : ‘‘Nhiệt độ nóng ở mức độ này là điều chưa từng thấy (…). Hiện tượng này rất đáng lo ngại do cường độ và đặc biệt là do thời điểm xuất hiện quá sớm so với thường lệ’’. Cơ quan Quốc gia Mỹ phụ trách Đại dương và Khí quyển (NOAA) xếp vùng biển ở khu vực bắc Ireland và miền tây Anh Quốc vào cấp độ 5, tức cấp độ ‘‘vượt quá mức cực đoan’’, mức cao nhất trong hệ thống thang bậc đo lường độ nóng của biển.

Sinh vật biển bị đe dọa – thời tiết cực đoan gia tăng: Hậu quả nhãn tiền

Nhiệt độ đại dương tăng cao để lại những hậu quả gì ? Tác động trực tiếp của nhiệt độ gia tăng là gây tổn thất nặng nề cho các hệ sinh thái trong biển, cho đời sống của các sinh vật biển. Các loại sinh vật biển, vốn đã là nạn nhân của tình trạng Trái đất bị hâm nóng, cần đến nhiều oxy để có thể sống được trong môi trường khó khăn hơn này, nhưng nước biển nóng lên đồng nghĩa với việc nước có ít oxy hơn, theo nhà sinh học biển Raphael Seguin. Chuyên gia đại học Montpellier ví tình hình hiện nay trong các đại dương như ‘‘những đám cháy thực sự cho dù không tỏa khói’’.

Sinh vật trong lòng biển được coi là lá phổi số một của hành tinh, hấp thụ đến khoảng 70% lượng khí thải các-bon gây hiệu ứng nhà kính. Cho đến nay, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất gia tăng, nhưng phần nào được hãm lại chính là nhờ các hệ sinh thái trong lòng biển. Hậu quả trực tiếp của các hệ sinh thái trong lòng biển suy thoái, tàn lụi, khiến Trái đất thêm nóng lên nhanh chóng.

Một hậu quả đáng sợ khác của việc đại dương nóng lên là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết thất thường, cực đoan trên bề mặt Trái đất, trên đất liền. Nước nóng lên khiến bầu khí quyển trở nên mất ổn định. Nhà khí hậu học Davide Faranda, Viện IPSL, chuyên gia về các hiện tượng thời tiết cực đoan, giải thích :

‘’Hiện tại còn chưa có các mô phỏng về mối quan hệ giữa các mức nhiệt độ rất cao trong các đại dương và các biến động thời tiết tại Pháp. Nhưng nếu quan sát những gì diễn ra nói chung tại Địa Trung Hải, chúng ta có thể thấy việc biển nóng lên khiến nước bốc hơi nhiều hơn, và độ ẩm tăng cao như vậy làm gia tăng hiện tượng ‘‘đối lưu’’. Hoàn toàn có khả năng là các cơn giông bão sẽ trở nên dữ dội hơn trong trường hợp này’’.

Ba điều có thể khiến nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương tăng vọt

Về lý do nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương tăng vọt trong tháng qua, theo chuyên gia Raphel Seguin, ngoài tình hình khí hậu bị hâm nóng nói chung, có ít nhất ba nguyên nhân khác. Thứ nhất là việc lượng bụi từ sa mạc Sahara ở Bắc Phi sụt giảm. Bụi có mặt dày đặt trên mặt biển có tác dụng như tấm gương phản xạ lại tia sáng mặt trời. Tình hình tương tự khi lượng khí thải SOx (oxyde de soufre) của tàu thuyền sụt giảm. Các phân tử SOx cũng có tác dụng phản xạ tia sáng mặt trời tương tự như bụi cát sa mạc Sahara.

Tác nhân thứ ba có thể khiến vùng Bắc Đại Tây Dương và nhiều nơi khác nóng lên là hiện tượng El Nino, chu kỳ nóng. Về mặt chính thức, hiện tượng này được thông báo đã bắt đầu từ tháng 6, nhưng theo chuyên gia về môi trường biển nói trên, hiện còn quá sớm để chu kỳ El Nino có thể có một tác động thực sự đến vùng biển Bắc Đại Tây Dương.

‘‘Bão nhiệt’’ khiến nhiệt lượng chìm sâu trong lòng biển : Tác nhân thứ tư ?

Một tác nhân căn bản khác, hiện còn ít được chú ý, có thể tác động nhiều đến nhiệt độ tăng cao và bất thường trên bề mặt đại dương, liên quan đến điều mà một số nhà quan sát gọi là ‘‘bão nhiệt’’ trong lòng biển. Trong một bài trả lời phỏng vấn France Info, bà Mathilde Fontez, tổng biên tập tạp chí khoa học Epsilon, nhắc đến một nghiên cứu mới đây của một nhóm nghiên cứu đại học California, theo đó các trận bão tố trong bầu khí quyển làm biến đổi sâu sắc tình trạng phân bố nhiệt lượng trong lòng đại dương.

Do tác động của bão tố, những khối nhiệt lượng lớn từ trên bề mặt biển cả chìm sâu xuống đáy biển. Tiến trình này diễn ra như thế nào ? Nhà báo tạp chí khoa học Epsilon nói đến nhiều giai đoạn : bão tố thoạt tiên có thể làm lạnh bề mặt biển cả, bằng cách lấy đi nhiệt lượng của một lớp nước dày chẳng hạn 50 mét, nhưng cùng lúc đó, gió bão tạo ra các vòng xoáy, nhào trộn các tầng nước ở bên dưới, đưa nhiệt từ bên trên xuống các tầng bên dưới. Động lực của bão, tạo các lốc xoáy khiến các khối nước nóng chìm sâu và mắc kẹt ở bên dưới.

Các khối nước nóng chuyển động tiếp tục ra sao phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Nhiệt xuất xứ từ các cơn lốc xoáy có thể bị khóa trong nhiều thập kỷ ở độ sâu, nhưng nó cũng có thể làm thay đổi vận động của các dòng hải lưu, có thể di chuyển xa đến hàng nghìn cây số nhiều tháng sau khi các trận cơn bão đi qua. Việc các cơn bão nhiệt tác động đến các dòng hải lưu để lại các tác động rất khó dự đoán. Việc bề mặt Bắc Đại Tây Dương nóng vọt chưa từng có có thể có nguyên nhân từ các dòng hải lưu ngầm trong biển.

‘‘Bão nhiệt’’ đe dọa ''cặp đại dương – khí hậu''

Các dòng hải lưu nằm sâu dưới đáy biển vận động đều đặn là điều kiện thiết yếu bảo đảm sự ổn định của bầu khí quyển, của thời tiết, khí hậu trên mặt đất. Đại dương ổn định là nền tảng của mối quan hệ hài hòa của cặp đại dương – khí hậu, tồn tại từ khoảng 8.000 năm nay. Đây là điều giúp duy trì tình trạng mưa thuận gió hòa, điều kiện cho sự phồn thịnh của các nền văn minh nhân loại. 

Quan hệ hài hòa này hiện nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn như giải thích của nhà đại dương học, chuyên về địa hóa học, Catherine Jeande (giám đốc nghiên cứu CNRS – Pháp). Cảnh báo của một số nhà quan sát về việc ‘‘chúng ta đang đánh mất đại dương’’ là theo ý nghĩa này. Các cơn ‘‘bão nhiệt’’ trong lòng biển cả có thể là tác nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến tình trạng đáng sợ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.