Vào nội dung chính
Y KHOA

Tìm hiểu mã di truyền của cá voi để biết cách chữa ung thư

Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đang tìm cách giải mã hệ di truyền của loài cá voi Bắc cực để hiểu được cơ chế nào giúp chúng chống lại ung thư một cách hiệu quả. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy cơ chế chống lão hóa nói chung và chống ung thư nói riêng được hình thành trong một quá trình tiến hóa lâu dài, những giống loài có tuổi thọ đột ngột tăng vọt phải đối mặt với tỷ lệ ung thư tăng gấp bội.

Trẻ em mắc bệnh ung thư ở Nicaragua. Hy vọng chữa trị cho các em sẽ đến từ cá voi?
Trẻ em mắc bệnh ung thư ở Nicaragua. Hy vọng chữa trị cho các em sẽ đến từ cá voi? Reuters
Quảng cáo

Kết quả nghiên cứu nói trên được công bố trên báo mạng khoa học mở Cell Reports, ngày 06/01/2015. Bài giới thiệu được đăng tải trên phụ trương Khoa học và Y tế của Le Monde ngày 14/03/2015, với tựa đề « ADN chống ung thư của cá voi Boreal ».

Loài cá voi Boreal Bắc cực dài khoảng 20 thước, với trọng lượng lên đến 100 tấn, nổi tiếng với tuổi thọ cao. Nhiều cá thể sống lâu hơn 200 tuổi. Cơ thể cá voi có số lượng tế bào nhiều gấp hàng nghìn lần con người, thế nhưng rất ít tế bào cá voi bị mắc ung thư như ở con người.

Bí quyết nào khiến cá voi Boreal chậm lão hóa hay mắc ung thư?

So sánh các đặc điểm di truyền của loài cá voi Balaena mysticetus (tức cá voi Boreal hay cá voi Groeanland) với các loài khác như người, bò, chuột hay một số động vật có vú ở biển khác, nhà khoa học Joao Pedro de Magalhaes và các đồng nghiệp đã khám phá ra ở cá voi Boreal những phẩm chất đặc biệt. Nhóm nghiên cứu của đại học Liverpool đã tiến hành phân tích toàn bộ hệ mã di truyền của cá voi Boreal và phát hiện ra rằng cơ chế di truyền của cá voi Boreal có khả năng nhân bản gen, và một số các chuyển hóa đặc thù khác khiến các động vật khổng lồ này có được tuổi thọ rất cao.

Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu là ghép một số gen có chức năng đặc biệt nói trên vào cơ thể chuột để tìm hiểu tác động.

Theo nhà ung thư học Fabrice Denis, đại học Rouen (Pháp), công trình này khẳng định quá trình kéo dài sự sống tự nhiên là một quá trình thích ứng lâu dài và từ từ, và ung thư là một căn bệnh ở những giống loài, như loài người, khi tuổi thọ đột nhiên được kéo dài một cách quá nhanh chóng. Để hình dung rõ, nhà ung thư học đưa ra so sánh giữa hai loài cá voi, loài cá voi Boreal mà chúng ta đang quan tâm, với một loài cá voi khác có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, và chỉ sống được vài chục năm. Trong lịch sử tiến hóa, hai giống cá voi này đã tách khỏi nhau cách nay khoảng 20 triệu năm. Điều này phần nào cho thấy để có được những biến chuyển về di truyền có lợi cho sự sống lâu dài, giống cá voi Boreal đã phải trải không biết bao nhiêu thời gian.

Con người, một giống loài có tuổi thọ trung bình tăng gấp ba lần trong vòng hai thập kỷ, phải đối mặt với căn bệnh phổ biến là ung thư. Nhà ung thư học Pháp nhận xét, tại các nước phát triển, cứ hai người thì gần như một người bị dính líu đến ung thư trong cuộc đời mình, và 95% số bệnh được chẩn đoán ở lứa tuổi từ 50 trở ra. Tình trạng cũng tương tự ở những loài động vật sống chung với người, như chó, mèo. Vẫn theo nhà nghiên cứu đại học Rouen, tỷ lệ mắc ung thư ở chó là rất cao, một số giống lên đến 50%, khi trong vòng một thế kỷ qua, các tiến bộ về thú y khiến tuổi thọ của chó tăng gấp đôi.

Cũng giống như ở loài người, kết quả nghiên cứu này về loài chó nhà, cũng đặt ra nhiều vấn đề về ảnh hưởng của các nhân tố môi trường, như thức ăn, ô nhiễm… đến căn bệnh ung thư.

Theo nhà sinh toán học (biomathématicien) Benjamin Roche, Viện nghiên cứu vì phát triển, đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu sinh thái và ung thư (Creec), Montepellier, thì trong một thời gian rất dài các nghiên cứu về ung thư đã quá tập trung vào trường hợp con người, hiện tại ngày càng có nhiều nghiên cứu mang tính so sánh giữa các giống loài, đặc biệt về gen, như trường hợp về cá voi Boreal nói trên.

Frédéric Thomas, đồng giám đốc của Trung tâm sinh thái và ung thư Cree, nhận xét : "ung thư là một kẻ thù, có cách ứng xử theo nguyên tắc sinh tồn darwinien, đã đến lúc phải coi ung thư là một phương diện quan trọng của các hệ sinh thái".

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.