Vào nội dung chính

Ai là thủ phạm của 70% sông băng tan trong 20 năm qua ?

Theo AFP, một nghiên cứu của tạp chí Science Mỹ, công bố ngày 14/08/2014, ghi nhận con người là tác nhân chủ yếu dẫn đến việc các sông băng trên thế giới bị tan chảy với khối lượng rất lớn trong vòng 20 năm qua.

Đảo băng Ellesmere Island tại Canada - Reuters
Đảo băng Ellesmere Island tại Canada - Reuters
Quảng cáo

Băng không chỉ có ở Bắc Cực và Nam Cực, mà hiện diện ở rất nhiều khu vực trên trái đất. Theo tạp chí Khoa học Pháp « Science et Avenir » (ngày 20/05/2013), băng bị tan chảy nhiều nhất là tại các sông băng (glacier) phần cực bắc Canada, tiểu bang Alaska (Mỹ), phía nam dãy núi Andes (Nam Mỹ), dãy núi cao thứ hai thế giới và Himalaya.

Một nghiên cứu của các nhà khí hậu học đại học Clark, Massachusetts (Hoa Kỳ), công bố năm ngoái, cho thấy các sông băng tại các khu vực nói trên – dù chỉ chiếm 1% khối lượng băng toàn cầu – nhưng lượng băng tan chảy của các vùng này tương đương với khối lượng băng tan của cả Bắc Cực và Nam Cực cộng lại trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2009. Các nghiên cứu khoa học cho biết trong vòng thời gian 7 năm này, mỗi năm 260 tỷ tấn băng (không kể Nam Cực và vùng Groenland) chảy vào lòng đại dương, khiến mực nước đại dương dâng lên 0,7 milimet.

Theo nghiên cứu của Viện Khí hậu và Địa vật lý của đại học Innsbruck (Áo), các nhà khoa học đã thiết lập được một mô hình tin học, cho phép tính đến các nhân tố tự nhiên của quá trình trái đất bị hâm nóng, như núi lửa và mặt trời. Theo cách tính toán này, các hoạt động của con người gây ra hiệu ứng nhà kính, làm mất đến 70% tổng số lượng sông băng bị tan.

Theo mô hình này, từ năm 1851 – khởi đầu của thời kỳ công nghiệp hóa – đến năm 1989, khoảng 25% khối lượng sông băng tan là do các hoạt động của con người. Tuy nhiên, từ năm 1991 đến 2010, đến 69% lượng băng tan là do con người.

Theo cách tính toán này, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng trên máy tính sự biến chuyển của tất cả các khu vực có băng trên thế giới (các sông băng), ngoài Nam Cực, đặc biệt với việc sử dụng các dữ liệu của « Randolph Glacier Inventory », để tái hiện lại bề mặt và thể tích băng vào năm 1851. Tiếp theo đó, các nhà nghiên cứu tái hiện lại mức độ băng tan theo hai kịch bản khác nhau. Một kịch bản mô phỏng hoàn toàn theo các nhân tố thuần túy khí hậu, như sự thay đổi mặt trời, hoạt động của núi lửa, và kịch bản kia thuần túy căn cứ vào các hoạt động của con người.

Các kết luận nói trên bổ sung vào những kết quả nghiên cứu của GIEC, nhóm chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu. Trong một báo cáo công bố năm 2013, các chuyên gia cho rằng « rất có khả năng » là hoạt động của con người là nguyên nhân chính làm trái đất bị nóng lên kể từ giữa thế kỷ XX, với xác suất lên đến 95%, nhiều hơn 5% so với báo cáo 2007.

GIEC cho rằng, nếu như mực nước đại dương có thể tăng trung bình từ 26 đến 82 cm từ đây đến cuối thế kỷ, chủ yếu là do việc các giải băng bên lề băng đảo Groenland và Nam Cực tan ra.

Theo các ước tính được tạp chí Science et Avenir dẫn lại, nếu tất cả các sông băng trên thế giới tan chảy, mực nước đại dương sẽ dâng lên 61 cm. Nếu toàn bộ băng (glace) của Groenland tan, nước sẽ dâng 6,1 mét, không kể đến khả năng khó xảy ra nhất, nếu toàn bộ khối băng (calotte glaciaire) Nam Cựu tan, đại dương sẽ dâng cao 61 mét.

Thông tin về băng tan nói trên được đưa ra chỉ cách 100 ngày Hội nghị lần thứ 20 về Biến đổi khí hậu tại Lima (Peru) (COP 20), chặng đường cuối cùng trước Hội nghị toàn cầu tại Paris năm 2015 (COP 21). Tại Hội nghị này, các quốc gia phải đạt được đồng thuận trong việc giới hạn mức độ tăng nhiệt độ ở mức 2°C và đồng thời các cam kết cụ thể để thực hiện mục tiêu này bắt đầu có hiệu lực từ 2020, nếu không muốn các thảm họa thiên nhiên khôn lường xảy ra. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.