Vào nội dung chính
ÁO - DU LỊCH

Áo vinh danh phong trào "Ly khai thành Vienne"

Cách đây đúng một thế kỷ, bốn gương mặt tài ba của làng nghệ thuật Áo lần lượt qua đời. Trong năm 2018, thủ đô Vienne (Wien) tổ chức hàng loạt sinh hoạt để kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Klimt, Wagner, Moser và Schiele. Bốn nhân vật này được xem như là các nghệ sĩ tiêu biểu của trào lưu Nghệ thuật mới tại Áo.

Cung điện Belvedere tại Vienne, nơi trưng bày bộ tranh Klimt
Cung điện Belvedere tại Vienne, nơi trưng bày bộ tranh Klimt RFI / Tuấn Thảo
Quảng cáo

Còn được gọi là phong trào ‘‘Ly khai thành Vienne’’ (Wiener Secession trong tiếng Đức), Nghệ thuật mới tại Áo đã trở nên cực thịnh trong giai đoạn 1892-1906, tương đương với trường phái Art Nouveau của Pháp và Nghệ thuật mới của Đức Jugendstil. Cánh chim đầu đàn của phong trào này là danh họa Gustav Klimt. Các thành viên của phong trào này có tinh thần phản kháng, chống lại tư tưởng tù túng trong nghệ thuật cũng như các hình thức kinh doanh.

Nhóm Ly khai thành Vienne chủ trương đối đầu với những kẻ bán hàng ‘‘đội lốt’’ nghệ sĩ, những người mà họ cho là không để cho nghệ thuật phát huy chỉ vì lợi ích thương mại. Tinh thần khai phóng của họ đã mở đường cho nghệ thuật nước Áo bước vào thời hiện đại.

Gustav Klimt (1862-1918)

Thủ đô Vienne dành hai cuộc triển lãm lớn về Gustav Klimt, ngoài các tác phẩm của ông trong bộ sưu tập thường trực của cung điện Belvedere, còn có cuộc triển lãm tại Bảo tàng Leopold, cho tới tháng 6/2018 để đối chiếu tác phẩm của Klimt với hai họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện Rcihard Gerstl và Oskar Kokoschka. Các tác phẩm của Klimt chủ yếu bao gồm tranh vẽ, tranh khắc, phác họa, vẽ bích họa khổ lớn để trang trí tường hay trần nhà. Ông thường xoáy vào chủ đề người phụ nữ và cách biểu hiện cơ thể của họ, đường nét thường phá vỡ quy tắc, tương phản với tư tưởng của các họa sĩ thuộc thế hệ đàn anh.

Thân phụ của ông là một nhà kim hoàn, chuyên chạm trổ khắc họa những món nữ trang bằng vàng. Có lẽ qua ảnh hưởng của người cha mà Gustav Klimt từ thời niên thiếu nhỏ đã bị mê hoặc cuốn hút bởi ánh sáng lung linh lấp lánh của kim loại qúy. Thừa hưởng tay nghề cũng như những bí quyết gia truyền, Klimt đã cho ra đời những tác phẩm hội họa vô cùng độc đáo, những bức tranh mạ vàng lộng lẫy, thể hiện một nhãn quan nghệ thuật triệt để, táo bạo, thể hiện tình dục khi vẽ cơ thể đàn bà gợi tình cho nên một số tác phẩm của ông bị coi là tà dâm, phản cảm.

Bức tranh nổi tiếng nhất của Klimt là bức Nụ hôn "The Kiss".Trong đó, ông dát nhiều mảnh lá vàng mỏng dính lên hai nhân vật đang ôm hôn nhau tha thiết. Người đàn ông mặc áo với những họa tiết hình vuông và chữ nhật, còn người đàn bà mặc áo thêu hình tròn và xoắn ốc, khuôn mặt cô hạnh phúc say đắm như thể đang thả hồn phiêu diêu trên tột đỉnh khoái cảm. Đường viền, nét vẽ quyện chặt vào nhau thành một khối không thể tách rời, họa tiết thêm đậm, tình càng thêm nồng. Bức "Nụ hôn" được trưng bày tại cung điện Belvedere và được xem là bức tranh nổi bật nhất của "Giai đoạn Hoàng kim" trong sự nghiệp sáng tác của Klimt.

Riêng thủ đô Pháp kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của danh họa Gustav Klimt với cuộc triển lãm tại Atelier des Lumières (Xưởng Ánh Sáng). Thay vì đơn thuần trưng bày tranh vẽ và các tác phẩm khác của Klimt, ban tổ chức phối hợp công nghệ hình ảnh ba chiều và nghệ thuật âm thanh và ánh sáng. Cuộc triển lãm này bắt đầu từ giữa tháng Tư và kéo dài cho tới 11/11/2018.

Otto Wagner (1841-1918)

Lần đầu tiên kể từ 50 năm nay, Viện bảo tàng thành phố Vienne (Wien Museum) tổ chức một cuộc triển lãm lớn từ đây cho tới đầu tháng 10/2018 để vinh danh Otto Wagner. Ngoài sở trường quy hoạch đô thị, kiến trúc sư này còn có tầm nhìn xa trong lối xây dựng và cách sử dụng các chất liệu mới trong đó có các chất kim loại hỗn hợp và nhất là chất nhôm. Sở Du lịch thành phố Vienne đã cho phát hành những tấm bản đồ mới, trên đó có ghi rõ những lộ trình để khám phá các kiệt tác của kiến trúc sư Otto Wagner.

Trong số các tác phẩm kiến trúc của Otto Wagner, nổi bật hơn cả nhất vẫn là Ngân hàng của ngành Bưu điện Áo (Osterreichische Postparaksse) cũng như ngôi nhà Majolica, tiêu biểu cho phong cách Nghệ thuật mới, toàn bộ mặt tiền của ngôi nhà được trang trí bằng những lát gạch bằng gốm sứ (majolica) của thời Phục Hưng Ý. Độc đáo không kém là nhà thờ Saint-Léopold am Steinhof (Kirche am Steinhof trong tiếng Đức), tọa lạc trên đỉnh đồi Galitzinberg, ở vùng ngoại thành phía Tây, cách trung tâm Vienne 9 cây số.

Koloman Moser (1968-1918)

Viện bảo tàng nghệ thuật trang trí và nghệ thuật ứng dụng dành một cuộc triển lãm với hàng trăm tác phẩm đủ loại nhân dịp hè để tưởng nhớ tài năng của nhà thiết kế Koloman Moser. Nếu như về mặt hội họa, ông chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, đổi lại về mặt thiết kế ông lại rất tiên phong trong phong trào Nghệ thuật mới của nước Áo.

Ông Koloman Moser là người đã chủ xướng hiệp hội (xưởng vẽ) Wiener WerkStätte, ngoài các họa tiết trang trí mặt tiền của nhiều dinh thự ở thủ đô Vienne, ông còn để lại một kiệt tác ở Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ : cung điện Stoclet với lối thiết kế từ mặt tiền cho đến nội thất theo phong cách Art Nouveau (Nghệ thuật mới).

Egon Schiele (1890-1918)

Viện bảo tàng Leopold tổ chức một cuộc triển lãm đồ sộ kéo dài từ đây cho tới đầu tháng 11/2018 để vinh danh Egon Schiele. Được Klimt đỡ đầu, các bức vẽ của Schiele theo trường phái biểu hiện có lối nhìn trực diện, không giả vờ mà cũng không che giấu đã gây ra rất nhiều tranh luận đầu thế kỷ XX về lằn ranh đỏ trong nghệ thuật tạo hình.

Sinh thời, Egon Schiele đã vẽ nhiều bức tranh khỏa thân, kể các các bức tự họa ‘‘trần truồng’’, nhưng vẽ tới mức nào mới bị gọi là đồi trụy, khiêu dâm ? Bị xem như là một đóa ‘‘tà hoa’’ trong vườn nghệ thuật nước Áo, tài nghệ của ông về sau mới được công nhận và đôi khi tầm ảnh hưởng của cậu "học trò" Egon Schiele còn mạnh mẽ hơn cả bậc thầy Gustav Klimt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.