Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Thời đại của xe hơi "tự động"

Đến năm 2030, xe hơi sẽ còn có người lái hay không ? Có lẽ hãy còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, nhưng rõ ràng là xe hơi đang ngày càng được tự động hóa và kết nối mạng, đến mức mà chẳng bao lâu nữa sẽ tự lái một mình. Nhiều hãng xe hơi đang nghiên cứu chế tạo những chiếc xe tương lai này. Nói chung, mục tiêu của các hãng xe hơi là giảm tối đa tai nạn giao thông do người lái và tự động hóa càng nhiều thao tác càng tốt.

Xe hơi "tự động" còn trong giai đoạn thử nghiệm, biết tránh những xe khác, biết dừng khi có người qua đường - Wikipedia
Xe hơi "tự động" còn trong giai đoạn thử nghiệm, biết tránh những xe khác, biết dừng khi có người qua đường - Wikipedia
Quảng cáo

Hiện giờ, đa số các chiếc xe thuộc loại tương đối « cao cấp » đã được trang bị nhiều thiết bị như gạt nước và đèn pha tự động, radar và camera giúp lùi xe. Những xe thuộc loại cao cấp nhất thì có cả bộ phận giúp đậu xe. 

Đi tiên phong trong lĩnh vực này là hãng Mercedes của Đức, hiện đã đi trước các nhà sản xuất khác từ 5 đến 10 năm, với một hệ thống lái gần như tự động cho những lúc bị kẹt xe và một hệ thống duy trì tốc độ cố định, cũng như giữ khoảng cách cố định với các xe khác chạy trên xa lộ. Chiếc Mercedes hạng S trang bị những thiết bị nói trên vừa được trưng bày tại Triển lãm Xe hơi quốc tế Paris tháng 10/2014. 

Hãng Volvo của Thụy Điển cũng đã giới thiệu với công chúng tại triển lãm Paris một kiểu xe cao cấp mới XC90, có trang bị hệ thống tránh cho xe chạy trật khỏi đường, cũng như một bộ phận thắng tự động khi người lái xe đi vào giao lộ vào lúc có một chiếc xe khác đi chiều ngược lại chạy đến gần. Giám đốc của dự án XC90 đã dám tuyên bố đây có thể là « chiếc xe an toàn nhất hiện nay trên Trái đất ». 

Hãng xe hơi Thụy Điển dự trù là vào năm 2017 sẽ cho chạy thử ở thành phố Goteborg và vùng phụ cận khoảng 100 chiếc xe không người lái và sẽ tung ra thị trường một kiểu xe « tự lập » vào khoảng năm 2020. Đối với tổng giám đốc Volvo Hakan Samuelsson, « xe tự lập rất quan trọng về mặt an toàn, bởi vì phần lớn tai nạn giao thông chính là do lỗi của con người ». 

Hãng Ford của Mỹ cũng chế tạo một hệ thống gồm các camera và radar để xe tự phát hiện có người băng qua đường, đúng hơn xe tự tính toán khả năng người này đi ngang qua đường mà xe đang chạy. Nếu thấy là xe sắp đụng người, hệ thống này sẽ báo động ngay cho người lái và nếu người lái vẫn không để ý đến báo động hoặc không nhìn thấy người băng qua đường, thì xe sẽ tự động thắng lại. 

Việc thành lập một ngành chế tạo xe hơi « tự động » cũng là một trong những dự án công nghiệp mà chính phủ Pháp đề ra. Hiện giờ hãng sản xuất thiết bị xe hơi Valeo của Pháp đã sản xuất được một hệ thống tự động đậu xe cho khách. Ví dụ như ta chạy đến một nhà hàng, đậu xe trước cửa, rồi xe tự động tìm đường chạy vào parking và khi đậu xong thì báo cho ta biết qua điện thoại. 

Với tiến trình tự động ngày ngày càng, các chuyên gia nghĩ rằng kể từ năm 2030, xe hơi tự động sẽ được phổ biến ngày càng nhiều. Nhưng thách đố lớn nhất về mặt kỹ thuật hiện nay đó là phải làm sao cho xe hơi có thể phản ứng chính xác trong một môi trường thay đổi liên tục : vừa tránh những xe chạy trên đường, vừa biết dừng lại khi có người qua đường. Chưa kể những lúc xe chạy qua những đoạn đang có sửa đường, đào bới, không thể nào chỉ dựa vào những thông số của hệ thống định vị GPS. 

Nhưng những thiết bị mới của xe hơi không chỉ nhằm mục tiêu tăng thêm độ an toàn mà còn phục vụ những mục tiêu khác. Ví dụ như tập đoàn xe hơi Pháp PSA Citroen chuẩn bị tung ra nhiều dịch vụ tự động gởi vào điện thoại thông minh của người lái xe những thông số chẳng hạn như số km đã chạy. 

Ngay từ năm 2003, tập đoàn PSA đã trang bị cho nhiều kiểu xe của hãng này một hệ thống định vị để trong trường hợp gặp tai nạn, xe có thể tự động gọi trợ giúp, cho dù đang ở Pháp hay ở bất cứ một nước châu Âu nào khác. 

Ngoài khó khăn về kỹ thuật, xe hơi tự động còn phải vượt qua trở ngại về mặt pháp lý. Công ước Vienna về lưu thông trên đường xá (1968), mà đa số các nước châu Âu đã phê chuẩn, có ghi rõ là « mọi phương tiện giao thông đang di chuyển đều phải có người lái ». Và khi xảy ra tai nạn, ai sẽ chịu trách nhiệm : người lái hay xe tự động ? 

Chính vì vậy mà bang California, quê hương của xe tự động « Google Car » đã vừa theo chân bang Nevada sửa đổi luật để có thể thử nghiệm xe tự động trên đường phố. Chính phủ Pháp cũng đã dự trù sẽ sửa đổi luật tương tự kể từ năm 2015. 

Trở ngại cuối cùng đó là về mặt tâm lý. Có ai dám giao phó sinh mạng của mình cho chiếc xe tự động không ? Các kết quả điều tra cho thấy đa số khách hàng xem việc phát triển xe tự động là chuyện tự nhiên. Nhưng cũng phải thấy rằng, không phải ai cũng có thể làm quen nhanh chóng với xe tự động, tức là sẽ có những người tiếp thu các công nghệ mới một cách dễ dàng, còn những người khác, nhất là những người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn. 

Dầu sao, nhiều người đã thấy được những mối lợi to lớn của xe tự động : bớt nạn kẹt xe, giảm tiêu thụ nhiên liệu, tránh nhiều tai nạn giao thông ... Trong tương lai, các hãng xe hơi cũng có thể chế tạo những chiếc xe vẫn có người lái, nhưng khi cần có thể chuyển sang chế độ lái tự động, tương tự như máy bay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.