Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Làn sóng quán cà phê châu Á trên đà chinh phục Paris

Giới trẻ ở Pháp nhiệt tình hưởng ứng dòng nhạc K-Pop của xứ Hàn, truyện tranh xứ Phù Tang và làng ẩm thực nói chung của châu Á. Theo báo Le Monde, dựa vào đà thành công này, nhiều tiệm cà phê Việt Nam hay Philippines, các quán trà sữa Đài Loan và thậm chí Nhật Bản đang tìm kiếm một chỗ đứng trong số các nhà hàng và quán bistrot ở thủ đô Paris.

Matcha Latte
(Ảnh minh họa) Matcha Latte © Flick/rcgc76
Quảng cáo

Mặc dù được gọi là ''coffee shop'', nhưng các quán châu Á ở đây không chỉ phục vụ cà phê mà còn bán thêm nhiều món khác, kể cả các thức ăn nhẹ, ngọt cũng như mặn : chẳng hạn như món gỏi cuốn của Việt Nam làm theo kiểu ''ngũ sắc'' hay món kimbap của Triều Tiên tức sushi cuộn trong lá rong biển, những món này thường được làm với rau thơm và củ tươi dành cho giới không ăn thịt. 

Còn món bánh bao kẹp thịt của Đài Loan (gua bao) về mặt ngữ vựng có thể là của châu Á, nhưng về mặt cú pháp lại gần giống với tacos của Mexico hay burger của Hoa Kỳ. Trong các món ngọt, có cả bánh crêpe ngàn lớp hương trà xanh (matcha) hay mùi lá dứa (pandan). Chè Thái ba màu hay bánh nhân sầu riêng cũng không còn gì hiếm tại các quán trà (salon de thé) có phục vụ bánh ngọt. Suy cho cùng, ''coffee shop'' mang bảng hiệu châu Á nhưng lại là giao điểm của nền ẩm thực thế giới.

Tờ báo Le Monde quan tâm đến quán cà phê mang tên ''Hanoï Corner'' (Một góc Hà Nội) của anh Nam Nguyễn nằm ở Paris quận 9, gần nhà thờ Sainte-Trinité. Thực khách đặt chân vào quán sẽ bắt gặp ngay mùi hương ngọt ngào thơm phức của cà phê cốt dừa. Gợi hứng từ capuccino của người Ý, cà phê cốt dừa (ghi trên thực đơn là cococcino) là một đặc sản của Việt Nam, hòa quyện vị đăng đắng của cà phê với vị ngọt của sữa đặc cộng thêm mùi béo ngậy của nước cốt dừa, đã tạo nên một thức uống yêu chuộng của khách hàng Pháp. Cách đây 6 năm, hai vợ chồng Nam và Linh đã mở quán được cho là quán cà phê Việt Nam đầu tiên ở thủ đô Paris. Bây giờ, theo anh Nam, có ít nhất 5 quán như vậy đều có bán cà phê cốt dừa (nóng cũng như lạnh), bên cạnh các món ngọt như bánh khoai mì nướng, bánh bông lan lá dứa, các món mặn như bánh mì thịt, bún thịt nướng tức là món bún bò nam bộ. 

Coffee shop châu Á : một xu hướng gần đây tại Paris

Quán cà phê Shiba, Kafé Buki hay tiệm trà sữa Laïzé... hầu hết những địa chỉ này, theo báo Le Monde, đều mới mở cách đây chưa đầy 5 năm. Điểm chung của các quán này là có lối trang trí thiết kế giống như các quán coffee shop ở Hoa Kỳ hay Bắc Âu, nhưng không khí lại mang đậm ảnh hưởng của châu Á. Tại quán Kapé, một tiệm cà phê Philippines mới được khai trương ở Paris quận 11, thực khách có thể gọi một ly ''kapé de Filipina'', được pha với cà phê arabica của Philippines, hoặc là món ''ube latte'', một loại cà phê sữa được kết hợp thêm với hương khoai môn, khoai mỡ, hương vị chủ đạo vẫn là mùi thơm của vani, còn màu sắc vẫn là màu tím của giống khoai ngọt được dùng để chế biến các món ''chè'' trên quần đảo Philippines. 

Theo số liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế ICO, được thành lập cách đây sáu thập niên tại Luân Đôn, chủ yếu tập hợp các quốc gia xuất khẩu cà phê. Tại châu Á, nơi có kinh nghiệm lâu đời trong lãnh vực sản xuất trà, nâng truyền thống dùng trà lên hàng nghệ thuật, thì lượng tiêu thụ cà phê ở khu vực châu Á đã phát triển nhanh hơn nhiều so với các vùng khác trên thế giới : mức tiêu thụ cà phê ở châu Á tuy chỉ tương đương với 15% tiêu thụ toàn cầu, nhưng lại tăng đều đặn trong những năm gần đây. Điều đó khiến cho giới sản xuất cà phê tin rằng vùng đất châu Á là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. 

Tại thủ đô Paris, sự phát triển của các quán cà phê châu Á đi cùng với sự trỗi dậy của các trào lưu văn hóa xuất phát từ châu Á, rồi lan rộng sang thế giới. Từ sự thành công vang dội toàn cầu của dòng nhạc K-pop cho đến ngày ra đời của các quán lẩu thập cẩm Hot Pot Noodle, lục địa châu Á đang trở thành trọng tâm của nhiều xu hướng ẩm thực hay nghệ thuật. Theo nhà xã hội học Eve Bantman-Masum, tác giả của một nghiên cứu về các quán coffee shop ở Paris, trung tâm của thế giới đang xê dịch, những địa điểm thời thượng trước kia là Luân Đôn hay New York nay đã dời sang châu Á, tiêu biểu nhất là Hàn Quốc với làn sóng Hàn lưu. Những quán cà phê châu Á là một trong những điểm nổi trội của hiện tượng này. 

Biến một làn sóng thành trào lưu thực thụ 

Tựa như lớp thạch quyển ''trôi dạt'', sự di chuyển của các xu hướng thịnh hành thu hút sự quan tâm của các chuyên viên pha chế cà phê (barista). Theo anh Nam Nguyễn, các quán cà phê Paris trước đây giống như các quán bistrot truyền thống. Sau đó, các quán cà phê được kinh doanh dưới dạng các cửa hiệu tiệm dây chuyền của tập đoàn đa quốc gia Starbucks, nay bắt đầu mở ra một chu kỳ mới, nơi các chủ quán muốn chứng tỏ rằng đằng sau một tách cà phê, còn ẩn hiện cả một nền văn hóa. Giá trị của sản phẩm được nâng cao nhờ các yếu tố văn hóa. Điều này liên quan đến việc chia sẻ những kiến thức mới về cách thức pha chế cà phê, chẳng hạn như cách pha cà phê phin nguyên chất của người Việt, khác với cách pha cà phê gọi là ''aisukohi'' của người Nhật. Tại quán Nhật Bản Kafé Buki ở Paris quận 2, cách pha cà phê tạo dấu gạch nối giữa tư tưởng chuộng nét thuần khiết ''wabi-sabi'' với lối trang trí dễ thương ''kawai'' khá tiêu biểu của văn hóa Phù Tang. 

Cũng theo báo Le Monde, một yếu tố khác nữa có thể giải thích cho sự thành công của các quán cà phê châu Á vẫn là lối trang trí thích hợp với thành phần khách hàng yêu chuộng Instagram. Bàn ghế gỗ mộc với đường nét tối giản, độ ánh sáng ấm áp dịu dàng, tô điểm chấm phá với những khóm cây xanh, lối trang trí tối thiểu mà hiệu quả tối đa, gợi hứng nhiều từ văn hóa Bắc Âu, nhưng đồng thời mang thêm dấu ấn châu Á qua các kiểu mẫu hay họa tiết trang trí. Những chi tiết nhỏ nhưng lại quan trọng đối với những người thích lối chụp cận ảnh : hình đẹp nhờ có đủ ánh sáng, kiểu mẫu bánh ngọt xinh xắn, cách bài trí trang nhã, tách ly bằng thủy tinh trong suốt, sáng nhưng không lóe. Những yếu tố này giúp cho các quán coffee shop châu Á có thêm nét khác biệt so với các quán cà phê Paris. 

Tuy nhiên theo Le Monde, thị trường coffee shop là một lãnh vực đầy cạnh tranh. Đẹp thôi vẫn chưa đủ, các quán cà phê châu Á còn phải tạo cho riêng mình một nét nổi bật khác thường. Khi nói đến ẩm thực châu Á, nhiều thực khách muốn khám phá lại hương vị mà họ từng có cơ hội trải nghiệm qua các chuyến du lịch của mình. Điều đó có nghĩa là các quán châu Á có thể giới thiệu các đặc sản mà không còn cần biến đổi hương vị sản phẩm, sao cho vừa miệng, sao cho hợp gu của người Pháp. Theo Le Monde các quán cà phê châu Á giờ đây đang đứng trước một thách thức quan trọng : biến một làn sóng thành một trào lưu thực thụ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.