Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Beer tanning, làm da sạm màu khi phơi nắng với bia ?

Ứng dụng TikTok không thiếu gì các ''bí quyết'' làm đẹp : Những đoạn video ngắn giống như bản chỉ dẫn cách làm (tutorial) hoặc thách đố nhau xem có ai dám làm  (challenge) một điều gì đó. Theo tuần báo Le Point, thời gian gần đây vừa xuất hiện trào lưu ''beer tanning'', tắm nắng với bia để cho làn da dễ sạm màu. Thế nhưng, theo giới chuyên gia y tế, đổ bia lên người để rồi phơi nắng vẫn có khá nhiều rủi ro về mặt sức khỏe.

Ảnh minh họa : Người dân tắm tại bãi biển Mission ở San Diego, Hoa Kỳ, ngày 24/06/2014.
Ảnh minh họa : Người dân tắm tại bãi biển Mission ở San Diego, Hoa Kỳ, ngày 24/06/2014. AP - Gregory Bull
Quảng cáo

Từ khi được thành lập vào năm 2016, nền tảng chia sẻ video TikTok đã nhanh chóng trở nên cực kỳ thịnh hành trong giới trẻ, khiến cho Snapchat hay Facebook trở nên ''lỗi thời''. Ứng dụng TikTok, ngoài việc phổ biến các đoạn video hát nhép, biểu diễn múa hay hài kịch, còn là cái nôi của đủ loại lời khuyên hay chỉ dẫn, kể cả tốt lẫn xấu. Theo tạp chí Le Point, một lần nữa TikTok gây ra sự chú ý vào mùa hè năm nay và đối tượng lần này là những bạn trẻ đi nghỉ mát.

Dùng bia thay kem chống nắng ? 

Thông qua các tài khoản cá nhân, nhiều người dùng TikTok đề cao tác dụng mà họ cho là thần kỳ của "beer tanning'', hiểu theo nghĩa dùng bia cho da dễ rám nắng. Theo các tiktoker này, đây là một phương pháp dễ làm, chỉ cần đổ bia lên toàn cơ thể mà không cần dùng khăn lau khô. Sau đó, chỉ cần phơi mình dưới ánh nắng để phát huy tác dụng của bia trên làn da. Chỉ vài giờ sau khi được tải lên mạng, xu hướng ''#beertan'' đã trở nên phổ biến, các đoạn video chỉ dẫn cách làm đã thu hút hàng triệu lượt người xem trên mạng. 

Phương pháp này sau đó đã được chia sẻ rộng rãi bởi những người có ảnh hưởng trực tuyến (influencer) với hàng trăm ngàn người theo dõi họ trên nền tảng TikTok. Đặc điểm của ''beer tanning'' được cho là giúp cho làn da sạm màu, ăn nắng nhanh hơn, so với các loại dầu hoặc kem bôi da thông thường khi ra nắng. Vì vậy, một số người dùng bia cùng lúc với kem chống nắng, nhưng một số khác chỉ đơn thuần dùng bia để phơi nắng. 

Trên mạng TikTok, những người ủng hộ phương pháp cho rằng chất hoa bia (có sẵn ở trong bia) có chức năng đặc biệt kích thích làn da tăng mức sản xuất melanin. Một số ý kiến khác cho rằng chất đường và axit acetic tự nhiên trong bia cũng giúp cho làn da sạm màu nhanh hơn. Theo quan điểm chung của những người ủng hộ, phương pháp dùng bia để phơi nắng giúp cho những người đi nghỉ hè có làn da bánh mật dễ dàng mà vẫn không tốn nhiều công sức. 

Bí quyết làm đẹp lại thiếu cơ sở khoa học 

Vấn đề ở đây, theo tuần báo Le Point, phương pháp này chỉ ''thần kỳ'' về mặt lý thuyết nhưng lại hoàn toàn không có cơ sở nào về mặt khoa học. Tệ hại hơn nữa, phương pháp lại rất nguy hiểm, khi tạo ra những điều ngộ nhận hay quan niệm sai lệch về việc bảo vệ làn da cũng như không dùng kem chống nắng. Tuy không hẹn nhưng tờ báo Anh The Independent cũng nhắc đến sự lo ngại của giới chuyên gia trước sự bùng phát của trào lưu ''beer tanning''. Tờ báo trích dẫn chuyên gia thẩm mỹ người Anh Caroline Brooks cho biết, số người dùng bia phơi nắng đã tăng mạnh vào mùa hè năm nay, trong khi cách đây vài năm chẳng ai nghe nói đến trào lưu này. 

Bác sĩ chuyên khoa Maham Khan thì lên tiếng cảnh báo ngay về tác hại của phương pháp này, kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Theo bác sĩ Maham Khan, một lớp bia đơn thuần không thể nào bảo vệ làn da chống lại tia cực tím. Đối với giới y khoa, những tia này rất nguy hiểm, thường là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa, phá vỡ cấu trúc của lớp da ngoài (biểu bì) và làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính. Nói tóm lại, trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, tia cực tím thường gây ra chứng bệnh ung thư da. 

Theo giới chuyên gia y tế, cách tốt nhất để cho làn da rám nắng một cách an toàn và tránh mọi biến chứng khó lường về mặt sức khỏe vẫn là thoa kem chống nắng thường xuyên và đều đặn với chỉ số SPF tối thiểu là 30. Giới y sĩ cũng khuyên khách đi nghỉ hè, tránh nằm yên phơi nắng trong thời gian dài, sau mỗi lần đi tắm nên thoa kem lại một lần nữa, điều này lại càng nên làm đối với các em nhỏ và những ai có làn da ''trắng mỏng'' dễ bị phỏng nắng. 

Trào lưu ''đẹp mà độc'' trên TikTok 

Đây không phải là lần đầu tiên, có trào lưu ''làm đẹp'' trên TikTok nhưng theo giới chuyên gia lại hoá ra khá nguy hiểm độc hại. Điển hình là cách đây vài tháng, có phong trào ''sunburn challenge'' (hiểu theo nghĩa thách thức phỏng nắng) xuất phát từ Úc và New Zealand, khi giới trẻ thách đố nhau phơi nắng đủ kiểu cho tới khi bị phỏng da đỏ ửng. Trên mạng TikTok, trào lưu này đã lan truyền nhanh chóng và mạnh mẽ. Các hashtag như #SunburntTanlines hay #SunburnChallenge đi kèm với những bức ảnh chụp phô trương các làn da bị phỏng nắng lại thu hút hơn 200 triệu lượt người xem toàn thế giới. 

Ngay lập tức, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về tính độc hại của những kiểu trò chơi mang tính thách đố như vậy. Viện nghiên cứu của Úc về ung thư hắc tố (Melanoma Institute Australia) đã kêu gọi giới báo chí truyền thông, các mạng xã hội, cũng như những người có ảnh hưởng trực tuyến hãy thay đổi cách nhìn về một làn da được cho là đẹp nhờ tắm nắng. Chuyện phơi nắng đặc biệt là tại Úc và New Zealand đã khiến cho tỷ lệ mắc bệnh ung thư da tại hai nơi này thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới. Đây là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở giới trẻ từ 20 đến 39 tuổi tại Úc, với hơn 1.000 ca tử vong mỗi năm. 

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của ngành y tế và các chính quyền địa phương về xu hướng làm đẹp độc hại đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, ban điều hành TikTok đã ra quyết định cấm toàn bộ các video clip phơi nắng cũng như dùng thuốc ''nhuộm da'' trên mạng. Ứng dụng TikTok cũng công bố một đợt thông tin rộng rãi nhằm cảnh báo cũng như khuyên bảo người dùng mỗi lần các bạn trẻ (chủ yếu là đối tượng từ 20 đến 39 tuổi) tìm kiếm các từ khóa như "summer" (mùa hè), "tanning" (sạm da) hay "sunburn" (phỏng nắng). Những từ khóa này cũng được TikTok kiểm soát chặt chẽ hơn, người dùng nào vi phạm quy tắc bị cấm sử dụng mạng xã hội trong một thời gian, các video không theo quy định cũng bị xoá bỏ.

Theo tờ báo Pháp La Dépêche, trong thời gian qua, mạng  TikTok đã buộc phải tìm cách ngăn chặn những thách thức bị cho là ''độc hại" khi đa số người dùng chủ yếu là giới trẻ, đôi khi dưới 18 tuổi. Điển hình là trào lưu dùng băng keo dán kín miệng khi đi ngủ, khiến cho một số người hay ngáy, có nguy cơ bị ngạt thở. Hoặc là ''benadryl challenge'', qua đó giới trẻ thách đố nhau uống một loại thuốc benadryl chống dị ứng, nhưng uống nhiều (trên 12 viên cùng lúc) tăng cao liều lượng hầu tạo ra ảo giác. Chỉ có điều là các kiểu thách đố này đã khiến cho nhiều thiếu niên phải nhập viện cấp cứu. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.