Vào nội dung chính
OLYMPIC MELBURNE 1956 - CHÍNH TRỊ

Olympic Melbourne 1956 : Khi chính trị bắt đầu chen chân vào thể thao

1956 là một trong những năm biến động nhất sau chiến tranh với nhiều biến cố địa chính trị : Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, cuộc nổi dậy Budapest, ở Poznan, khủng hoảng kênh đào Suez, làn sóng phi thực dân hóa với cuộc chiến tranh ở Algeri… Thế Vận Hội mùa hè Melbourne là nơi phản ánh sống động một thế giới phân cực đang trong lúc hình thành các cuộc đọ sức.

Toàn cảnh sân vận động Melbourne, Úc, trong lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè 1956, ngày 22/11/1956.
Toàn cảnh sân vận động Melbourne, Úc, trong lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè 1956, ngày 22/11/1956. AP
Quảng cáo

Là kỳ Olympic đầu tiên tổ chức ở Nam bán cầu nên được đặc cách khai mạc vào tháng 11, Thế Vận Hội Melbourne cũng là thời điểm lịch sử khi “Thế giới thứ ba” xuất hiện trên trường quốc tế. Cùng với quá trình phi thực dân hóa, lên đến cao trào vào năm 1960, số lượng Ủy ban Olympic Quốc gia đã tăng lên nhanh chóng.

Vậy là giữa Chiến tranh lạnh, Melbourne đã trở thành hình ảnh của một “trật tự thế giới mới”, sân khấu lý tưởng cho cuộc đối đầu của hai siêu cường, cùng với các nước Thế giới thứ ba đóng vai “ trung lập” muốn thể hiện sự độc lập với hai phe.

Đối với Liên Xô, quốc gia lần thứ hai tham dự Thế vận hội Olympic, Melbourne là cơ hội trong mơ ước để thể hiện sức mạnh tuyệt đối của khối xã hội chủ nghĩa.

Những cái mới

Mặc dù Melbourne vẫn được coi là kỳ Thế Vận Hội đầu tiên đánh dấu hành động tẩy chay, nhưng việc không tham gia Thế vận hội nhằm gửi đi một thông điệp chính trị cũng đã có từ lâu đời như phong trào Olympic của Pierre de Coubertin. Từ 1896 Thổ Nhĩ Kỳ (Đế chế Ottoman) đã từng tẩy chay Thế Vận Hội Athens vì hiềm thù với Hy Lạp. Tuy nhiên, các vụ tẩy chay mang màu sắc chính trị của năm 1956 đã diễn ra trên một quy mô chưa từng có. Cái mới là chính các nước đang phát triển đưa ra sáng kiến tẩy chay đầu tiên.

Nhưng vào tháng 10 năm 1956, trước cả Melbourne, trên địa cầu xuất hiện hai điểm nóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế : Ai Cập với hậu quả của việc quốc hữu hóa kênh đào Suez, Hungary với cuộc nổi dậy của sinh viên chống lại sự chi phối của Liên Xô.

Vụ kênh Suez : Pháp, cổ đông chính sau Anh ở kênh đào Suez, không ủng hộ quyết định quốc hữu hóa con kênh này vào tháng 7 cùng năm. Paris, Luân Đôn cùng với Israel chuẩn bị một cuộc phiêu lưu mạo hiểm.

Cuộc nổi dậy của người Hungary xảy ra sau sự kiện tháng 2 năm 1956, Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã chính thức hóa làn sóng « phi Stalin », bắt đầu thổi làn gió tự do khối Đông Âu. Tháng 6 cùng năm, người Ba Lan ghi dấu ấn đầu tiên chống lại chế độ Cộng sản bằng cuộc nổi dậy bạo lực ở Poznań. Tháng 10, đến lượt người Hungary đòi Imre Nagy trở lại nắm quyền. Ông là một người cộng sản ôn hòa, có tư tưởng cải cách, đã bị loại khỏi chính trường trước đó một năm.  Nhưng, Nagy được giới công nhân và sinh viên Hungary ủng hộ trở lại nắm quyền đã thông báo rút Hungary ra khỏi Hiệp ước Vacxava. Đây là sai lầm không thể tha thứ đối với Khrushchev cũng như Đảng Cộng Sản Liên Xô. Matxcơva ngay lập tức quyết định trừng phạt Budapest.

Người dân Hungary chiếm xe tăng của Nga trước nhà Quốc Hội, tại Budapest, Hungary, ngày 02/11/1956.
Người dân Hungary chiếm xe tăng của Nga trước nhà Quốc Hội, tại Budapest, Hungary, ngày 02/11/1956. AP

Hai cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Trung Âu gần như lên đến đỉnh điểm: ngày 29/10, theo kế hoạch mang tên “Người lính ngự lâm”, Israel tấn công bán đảo Sinai và tiến tới kênh đào Suez . Hai ngày sau, lực lượng Pháp-Anh ném bom căn cứ không quân Ai Cập để tạo điều kiện cho quân Israel tiến quân...

Ngày hôm sau, cuộc nổi dậy của người dân Budapest dẫn đến việc chiếm đóng trụ sở của Đảng Cộng sản. Người Hungary bắt đầu tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng của họ. Nhưng vào lúc 3 giờ sáng ngày 4 tháng 11, xe tăng Liên Xô đã tiến vào Budapest. Sự đàn áp sau đó đã diễn ra rất tàn bạo.

Trong khoảng thời gian bốn ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bất ngờ thông qua hai nghị quyết liên tiếp : Nghị quyết 119  triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại Hội Đồng để phản ứng trước "tình hình nghiêm trọng do hành động chống lại Ai Cập ". Nghị quyết số 120 nhằm xem xét “tình hình nghiêm trọng do việc sử dụng quân đội Liên Xô trấn áp nỗ lực của người dân Hungary nhằm khẳng định lại các quyền của họ ».

Nếu cộng đồng quốc tế không thể làm gì để chống lại việc sử dụng vũ lực ở Hungary, thì cuộc phiêu lưu vội vàng của « Ba chàng lính ngự lâm » ở Suez bị hai siêu cường Mỹ và Liên Xô cùng phản đối mạnh mẽ. Những nước này không muốn tình hình bùng nổ ở Trung Đông. Liên Xô công khai đe dọa Pháp, Anh và Israel bằng đòn đáp trả hạt nhân. Đáp lại, NATO đưa ra lời đe dọa hạt nhân chống lại Liên Xô nếu nước này sử dụng vũ khí nguyên tử.

Đó là lúc Mỹ phải can thiệp : Họ yêu cầu Israel, Pháp và Anh rút quân để chấm dứt khủng hoảng. Cuối cùng vào ngày 6 tháng 11, dưới áp lực của Matxcơva và Washington, cuộc can thiệp vũ trang vào Ai Cập chấm dứt mà không mang lại kết quả gì, ngoài việc trở thành một vụ bê bối thế giới, trong đó Paris và London bị lên án dữ dội.

Vụ mất đoàn kết Mỹ-Anh trong cuộc khủng hoảng Suez đến giờ vẫn được coi là bất đồng lớn nhất thế kỷ 20 giữa hai đồng minh lớn.

Các cuộc thi đấu và tẩy chay

Vào ngày 22/11, trong khi cả thế giới vẫn đang còn lo lắng về hậu quả của hai cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn thì Ron Clarke, một vận động viên trẻ người Úc, đã thắp lên ngọn lửa của Thế Vận Hội mùa hè tại sân vận động Cricket Ground ở Melbourne.

Khoảng ba tuần kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị cho đến khi Thế Vận Hội bắt đầu cũng là khoảng thời gian đủ để một số quốc gia đưa ra những quyết định cực đoan. Ai Cập, Irak và Liban tẩy chay Thế Vận Hội để phản đối “việc Pháp-Anh chiếm đóng Kênh đào Suez. Đồng thời, họ phản đối sự hiện diện của đoàn Israel tại Melbourne. Về phần mình, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Sĩ sử dụng thứ vũ khí tương tự để bày tỏ sự bất đồng với việc Liên Xô can thiệp vào Hungary.

Từ chính trị đến xung đột vận động viên

Gần một tháng sau khi cuộc nổi dậy Budapest thất bại, đội bóng nước của Hungary và Liên Xô gặp nhau tại Melbourne. Trong trận bán kết này, cầu thủ Liên Xô Valentin Prokopov đã húc đầu vào cầu thủ đội Hungary, Ervin Zádor, người đã ghi được hai bàn thắng. Hai đội lao vào đánh nhau và một số cầu thủ bị thương. Các nhân chứng cho biết nước trong bể thi đấu khi đó chuyển sang màu đỏ. Cảnh sát Úc phải can thiệp để bảo vệ đội Liên Xô trước cơn thịnh nộ của khán giả. Chung cuộc, Hungary giành huy chương vàng môn bóng nước và Liên Xô giành huy chương đồng.

Vận cầu thủ bóng nước Hungary, Ervin Zador, bị thương sau ẩu đả với đội Liên Xô trong trận bán kết ngày 06/12/1956, Melbourne, Úc.
Vận cầu thủ bóng nước Hungary, Ervin Zador, bị thương sau ẩu đả với đội Liên Xô trong trận bán kết ngày 06/12/1956, Melbourne, Úc. © AP

Kết thúc Thế Vận Hội

Tại Làng Olympic ở Melbourne, một số thành viên của phái đoàn Hungary đã tấn công quốc kỳ Hungary, cắt bỏ quốc huy biểu tượng Cộng sản trên lá cờ. Sau đó, họ thay thế bằng lá cờ mang " quốc huy Kossuth", biểu tượng của cuộc cách mạng Hungary năm 1848.

Vào lúc đoàn thể thao chuẩn bị trở về nước, một số vận động viên Hungary đã mất tích : Họ đã xin tị nạn chính trị tại Úc và từ chối trở về nhà. Ở cách xa nước Úc, một vận động viên người Hungary khác, huyền thoại bóng đá Puskás, cũng xin tị nạn chính trị ở Áo.

Về mặt thành tích thể thao,Melbourne 1956 khép lại với bảng xếp hạng chung cuộc, Liên Xô, lần thứ hai tham dự Thế vận hội Mùa hè, vượt Mỹ và chiếm vị trí đầu bảng. Hungary chiếm vị trí thứ 4. Không có quốc gia Ả Rập nào có mặt ở Melbourne.

Còn ở ngoài Melburne, tổng thống Ai Cập, Gamal Abdel Nasser đã thành công trong việc quốc hữu hóa Suez và gây được tiếng vang lớn trong thế giới Ả Rập, nhưng sự nghiệp chính trị của ông cũng đã sụp đổ sau cuộc chiến tranh kéo dài sáu ngày với sự phục thù của Israel. Pháp và Anh sẽ không bao giờ thành công trong việc tái lập quyền lực của họ ở Cận Đông. Hungary vẫn nằm trong cái bóng của Liên Xô thêm ba mươi năm nữa.

(Farid Fatemi - RFI Tiếng Ba Tư)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.