Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bắc Kinh thuyết phục các doanh nhân Mỹ giúp giải tỏa những lo ngại về kinh tế Trung Quốc

Ngày 27/03/2024, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tiếp khoảng 20 doanh nhân hàng đầu của Mỹ tại khu vực dành cho những quan khách cấp cao của Trung Quốc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân.

In this photo released by Xinhua News Agency, Chinese President Xi Jinping, center, walks with representatives from American business, strategic and academic communities at the Great Hall of the Peopl
Ảnh do Tân Hoa Xã công bố: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) và các đại diện nhiều doanh nghiệp Mỹ tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/03/2024. AP - Huang Jingwen
Quảng cáo

Sự kiện diễn ra vào lúc Hoa Kỳ chuẩn bị bầu lại tổng thống vào tháng 11/2024 và hai đảng Dân Chủ-Cộng Hòa cùng đồng thuận coi Trung Quốc là một mối « đe dọa » và thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ. Về phía Bắc Kinh tăng trưởng bị cho là đình đốn, và tổng đầu tư nước ngoài vào Hoa Lục đã rơi xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay.

Đây là lần thứ nhì lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ các doanh nhân Mỹ sau bữa dạ tiệc ở San Francisco hồi tháng 11 năm ngoái khi ông đến California dự thượng đỉnh G20 và hội đàm với tổng thống Joe Biden. Hãng tin Anh Reuters đưa ra một chi tiết quan trọng đó là sự vắng mặt bất thường của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong sự kiện hôm qua. Trái lại, tháp tùng chủ tịch Trung Quốc tiếp các doanh nhân Mỹ gồm có ngoại trưởng Vương Nghị, bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào, cùng với chủ tịch Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Trịnh Sách Khiết.

Chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn công nghệ bán dẫn Qualcomm, đồng sáng lập viên quỹ đầu tư Blackstone, hay lãnh đạo của tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hàng FedEx là những khách mời của lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp khoảng 90 phút hôm qua. Theo các nguồn tin thông thạo, đây là dịp để đại diện của nhiều đại tập đoàn Mỹ trực tiếp yêu cầu chủ tịch Trung Quốc quan tâm đến « tầm mức quan trọng trong việc cân bằng hóa cơ cấu kinh tế Trung Quốc, thúc đẩy tiêu thụ » tại quốc gia này đồng thời quan tâm đến những « lo ngại về lâu dài » của các doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến những quy định của Trung Quốc về « chuyển giao dữ liệu » từ Hoa Lục ra nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nhân Mỹ cũng đề cập đến những đòi hỏi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc hoạt động…

Trong cuộc gặp, một lần nữa ông Tập đã nhấn mạnh đến những mối liên kết kinh tế và thương mại « chặt chẽ » giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, và đây cũng là « một trong những mối bang giao quan trọng nhất trên thế giới » bởi hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hợp tác hay đối đầu với nhau, sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của toàn nhân loại. Tuy nhiên bên cạnh những tuyên bố và thông tin chính thức về cuộc họp hôm qua ở Đại Lễ Đường Nhân Dân Trung Quốc, giới quan sát ghi nhận : ông Tập Cận Bình có nhiều lý do để dành đến gần 90 phút tiếp các doanh nhân Mỹ.

Thứ nhất, 8 tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, chính quyền Biden không thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt Trung Quốc mà người tiền nhiệm của ông là Donald Trump đã ban hành.

Thứ hai là trên chính trường Mỹ, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đối đầu gay gắt về rất nhiều hồ sơ, ngoại trừ một điểm : cả hai cùng xem Trung Quốc là mối đe dọa và thách thức chính của nước Mỹ về nhiều mặt.

Điểm thứ ba, là cuộc họp hôm qua nhằm « giải độc » phần nào những lo ngại của các doanh nhân Mỹ về luật an ninh mới Bắc Kinh ban hành và liên tục mở rộng, hạn chế đáng kể các hoạt động của các doanh nhân nước ngoài. Một thí dụ cụ thể là với các quy định mới về an ninh của Trung Quốc, các doanh nghiệp ngoại quốc dễ dàng bị quy kết « đánh cắp bí mật quốc gia » của Trung Quốc khi cần chuyển các dữ liệu về nguyên quán.

Cũng lúc, các thống kê và dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu không mấy khả quan. Tiêu thụ tại quốc gia với gần 1,5 tỷ dân này bị đóng băng, dưới tác động của khủng hoảng địa ốc, hơn 20% thanh niên thất nghiệp. Trong tuần này, các chuyên gia Mỹ báo động « tiết kiệm của Trung Quốc tăng quá nhanh », điều đó chứng tỏ tiêu thụ nội địa khó có hy vọng chóng khởi sắc trở lại. Trong khi đó, một trong những điểm hấp dẫn của Trung Quốc đối với giới đầu tư nước ngoài là tiềm năng tiêu thụ của thị trường rộng lớn này.

Theo chiều hướng đó, liệu rằng những tên tuổi lớn như Apple hay Tesla có còn đánh cược vào Trung Quốc nữa hay không ? Đó là chưa kể đến những yếu tố chính trị cả từ phía Washington lẫn Bắc Kinh cùng bị coi là những trở ngại cho các doanh nghiệp.

Vào lúc mà kinh tế vẫn chưa tìm lại được nhịp độ tăng trưởng như thời trước khi đại dịch Covid bùng nổ thì trong cuộc gặp các doanh nhân Mỹ hôm qua, ông Tập Cận Bình vẫn khẳng định Trung Quốc tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng của thế giới. Điều này đã được chủ tịch Quốc Hội Triệu Lạc Tế lập lại vào hôm nay ở diễn đàn Châu Á Bác Ngao, một ngày trước khi sự kiện này bế mạc.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách chiêu dụ các doanh nhân Mỹ, nhờ những ông chủ của các tập đoàn hàng đầu ở Hoa Kỳ quảng bá cho hình ảnh của Trung Quốc như một điểm đầu tư an toàn và tiềm năng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.