Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Kinh tế Trung Quốc trước thách thức khôi phục niềm tin

Kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc khai mạc ngày 04/03/2024, đang được dư luận quốc tế rất chú ý theo dõi, đặc biệt là bài diễn văn của thủ tướng Lý Cường về mục tiêu tăng trưởng của cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.

中国国务院总理李强在人民大会堂举行的全国人大开幕式上作工作报告。REUTERS/Florence Lo 2024 年 3 月 5 日
Ảnh minh họa : Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/03/2024. REUTERS - Florence Lo
Quảng cáo

Trong báo cáo, rất được mong đợi, trong phiên khai mạc Quốc Hội ngày hôm qua, thủ tướng Lý Cường chỉ thông báo mục tiêu tăng trưởng 5% cùng với một vài biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh tế. Mục tiêu này được giới quan sát đánh giá là khá thận trọng, so với mức 5,2% của năm trước.

Đằng sau những con số mang tính vĩ mô là thách thức không nhỏ khôi phục lại lòng tin ở trong và ngoài nước trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng trượt dốc, bị suy yếu vì khủng hoảng bất động sản chưa từng có và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng kỷ lục.

Sau 3 năm hạn chế chống Covid, sự phục hồi của Trung Quốc chưa mạnh mẽ như mong đợi, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước. Suy thoái toàn cầu cũng đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất giảm tháng thứ năm liên tiếp tính đến tháng 2, theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Chính phủ Trung Quốc có lý do để thận trọng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với năm trước. Trước hết, những biện pháp mạnh khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã tỏ ra không có hiệu quả. Những quyết định bơm tiền, giảm lãi suất không đủ để vực dậy tăng trưởng. Trong năm qua, Bắc Kinh đã thông báo một loạt biện pháp nhắm vào mục tiêu cụ thể, cũng như phát hành trái phiếu mới để kích thích chi tiêu vào hạ tầng cơ sở và phục hồi hoạt động kinh tế. Nhưng rõ ràng là cho đến giờ kết quả của những biện pháp đó còn rất khiêm tốn và không đủ để lấy lại lòng tin trong nước.

Với nước ngoài, theo ông Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á ( Asia Society Policy Institute ) nhận định trên nhật báo La Croix: Chính cách hành xử hung hăng theo kiểu áp chế của Trung Quốc trong quan hệ thương mại, cộng thêm cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhiều công ty Hàn Quốc và Mỹ chuyển cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Ấn Độ. Tuy nhiên, bù lại, nhiều nước phương Tây, chủ yếu là châu Âu, dù muốn tự chủ hay đa dạng hóa nguồn cung ứng, vẫn tiếp tục tìm đến Trung Quốc trong bối cảnh thị trường Nga bị mất do cuộc chiến tại Ukraina.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng theo giới quan sát, trên thực tế, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền từ năm 2013, chính quyền đã tìm cách ngầm ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài bằng các hạn chế hành chính, mục đích để các doanh nghiệp trong nước kiểm soát thị trường. Hệ quả là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2023 chỉ đạt 33 tỷ đô la, mức thấp nhất từ 30 năm nay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Louis d’Arvieu, lãnh đạo Amiral Gestion, công ty tư vấn độc lập về quản lý tài chính, « trong ngắn hạn, tình hình kinh tế Trung Quốc không đến mức thê thảm », vẫn có một số tín hiệu tích cực. Tình hình tài chính trong nước vẫn ổn định, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình dồi dào. Lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng, nhưng khả năng sụp đổ khó có thể xảy ra, nên hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn ở mức hạn chế.

Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, ngay cả khi các nước phương Tây mong muốn đa dạng hóa nguồn cung của họ. Quy mô, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và trên hết là sự tồn tại của các doanh nghiệp lớn trong nước tiếp tục là tiềm lực đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc. Vấn đề còn lại là, theo phần đông các chuyên gia về Trung Quốc, mô hình kinh tế này cần phải thay đổi cho phù hợp với những biến động bất ổn trên thế giới,

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.