Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Năm 2024 : Các nước có tranh chấp ở Biển Đông có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc ?

Thứ Bảy, ngày 30/12/2023, ngoại trưởng các nước thành viên khối ASEAN ra thông cáo bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực và kêu gọi đối thoại hòa bình giữa các bên.

In this handout photo released by Armed Forces of the Philippines, Philippines BRP Jose Rizal (FF150), right, and USS Gabrielle Giffords (LCS 10) during a tactical exercise between Philippines and the
Ảnh minh họa : Cuộc tập trận chiến thuật giữa hải quân Philippines và Hoa Kỳ ở Biển Đông, ngày 23/11/2023. AP
Quảng cáo

Tuyên bố này của ASEAN được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc thông báo bổ nhiệm cựu tư lệnh hải quân Đổng Quân, một người am tường về Biển Đông, biển Hoa Đông làm bộ trưởng Quốc Phòng. Hãng tin Pháp AFP hôm 30/12/2023, dẫn nhận định trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), của nhà chính trị học, Wen Ti Sung, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, trường đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc chỉ định ông Đổng Quân, xuất thân từ hải quân, là « một tín hiệu cho thấy Trung Quốc xem Biển Đông như là một khu vực ưu tiên mới ».

Thông cáo đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines trong những tháng cuối năm cáo buộc lẫn nhau về một loạt các vụ va chạm trên biển, trong khi Manila nói đến sự cần thiết thay đổi cách tiếp cận do các nỗ lực ngoại giao đã không mang lại kết quả như mong đợi. Trung Quốc xem những phàn nàn này của Manila là « hoàn toàn sai sự thật », và dọa rằng sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các « hành động khiêu khích và quấy rối » liên tục của Philippines.

Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế, trả lời câu hỏi của ban Pháp ngữ đài RFI hồi tháng 09/2023 từng nhận định rằng gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, một phần có thể được giải thích bởi việc lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách tái khẳng định uy quyền của mình tại Hoa Lục. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh còn muốn áp đặt một tầm nhìn, theo đó, đất nước càng rộng lớn, uy lực của đất nước càng trở nên quan trọng hơn.

Vị chuyên gia giải thích : « Bắc Kinh quan niệm rằng có những quy tắc cho chính họ và những quy tắc cho phần còn lại của thế giới. Và điều này có thể được coi là tương tự với cách đảng Cộng Sản Trung Quốc nhìn nhận luật pháp ở nước mình. Luật pháp là thứ mà chúng ta quản lý. Đó không phải là thứ mà chúng ta bị chi phối. Luật pháp không áp dụng cho kẻ có quyền lực. Nó chỉ áp dụng cho kẻ yếu. »

Cũng theo ông Poling, nhưng lần này trả lời cho trang mạng The Diplomat, liên minh quân sự Mỹ - Philippines thêm thắt chặt là do « triệu chứng » hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, chứ không phải là nguyên nhân. Hành vi quấy rối của Bắc Kinh trong khu vực đã thúc đẩy Manila cùng nhiều nước Đông Nam Á khác có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông có thái độ cứng rắn và chú ý nhiều hơn nhằm chống lại hành động cưỡng ép của Bắc Kinh xung quanh các mỏ dầu khí quan trọng.

Trước các chiến lược vùng xám này của Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đang âm thầm ủng hộc những nỗ lực của Philippines. Về điểm này, Indonesia cũng có một cách nhìn tương tự. Nhà nghiên cứu người Mỹ này trông đợi có một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Jakarta và Manila, thậm chí có thể có cả một sự tán thành công khai với phán quyết của La Haye sau cuộc bầu cử năm 2024 ở Indonesia.

Laurent Gédéon, giảng viên trường đại học Sư Phạm Lyon, trong lần trả lời phỏng vấn cho RFI Tiếng Việt, còn lưu ý thêm rằng kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan cũng sẽ có những tác động đáng kể trong khu vực. Ông dự báo có nhiều khả năng căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang do Trung Quốc tăng cường các hành động cưỡng ép và dọa dẫm các nước láng giềng. 

« Theo tôi, Philippines đang cố gắng có một chiến lược răn đe đối với Trung Quốc để bảo đảm rằng Trung Quốc đang giảm bớt áp lực mà nước này gây ra đối với Philippines. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 13/01 tại Đài Loan, nếu một ứng cử viên ủng hộ độc lập hơn thắng cử, có thể sẽ gây ra căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Và theo quan điểm của Trung Quốc, Philippines là một đòn bẩy để họ có thể sử dụng để gây áp lực Mỹ và cũng để đe dọa Đài Loan. Vì vậy, có khả năng, tùy thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống, chúng ta có thể thấy sự gia tăng căng thẳng và áp lực từ phía Trung Quốc. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.