Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc công bố bản đồ mới nhằm gây áp lực trước các thượng đỉnh quan trọng

Trung Quốc công bố một bản đồ mới thể hiện yêu sách của họ đối với vùng Biển Đông đang tranh chấp chính là nhằm thu hút sự chú ý đến những yêu sách này và khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh trước khi diễn ra các hội nghị thượng đỉnh đa phương. Đó là nhận định chung của các nhà phân tích được hãng tin CNA của Singapore trích dẫn hôm qua, 31/08/2023. 

Đường 9 đoạn được nhìn thấy trên bản đồ mới của Trung Quốc, tại một hiệu sách ở Bắc Kinh, ngày 01/09/2023.
Đường 9 đoạn được nhìn thấy trên bản đồ mới của Trung Quốc, tại một hiệu sách ở Bắc Kinh, ngày 01/09/2023. AP - Andy Wong
Quảng cáo

“Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc đã được bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Trung Quốc công bố ngày 28/08. Ấn Độ đã là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối, vì bản đồ mới bao gồm cả một số vùng mà New Delhi đang tranh chấp với Bắc Kinh, cụ thể là ở bang Arunachal Pradesh và vùng Aksai Chin.

Tiếp theo Ấn Độ, ba nước Đông Nam Á Malaysia, Philippines và Việt Nam hôm qua đã lần lượt bác bỏ bản đồ mới của Trung Quốc. Kuala Lumpur và Manila phản đối vì bản đồ này bao gồm cả một số khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này. Hà Nội thì có phản ứng thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng, cho rằng bản đồ mới của Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”

Trả lời RFI Việt ngữ hôm qua, chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt ghi nhận bản đồ mới này cho thấy là Trung Quốc không hề từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn (còn được gọi là đường lưỡi bỏ), mà thậm chí tăng lên thành 10 đoạn, với thêm một đoạn ở phía đông đảo Đài Loan. Cho nên, Đài Bắc cũng đã lên tiếng phản đối. 

“Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” của Trung Quốc được công bố đúng vào thời điểm sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 5 đến 7/9 tại Jakarta, Indonesia, rồi đến Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 9 đến 10/9. Cả hai thượng đỉnh này đều có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trả lời hãng tin CNA, ông Allan Behm, giám đốc Chương trình Các vấn đề An ninh và Quốc tế tại Viện Úc, cho rằng, khi công bố bản đồ vào thời điểm này, Trung Quốc giống như đang “khuấy nồi” để giữ cho vấn đề các yêu sách lãnh thổ của họ luôn “sôi sục”

Vị chuyên gia này nói: “Một số cuộc họp khu vực quan trọng sắp diễn ra, Trung Quốc dường như muốn gây áp lực trở lại lên hội nghị và lên những người tham gia hội nghị bằng cách thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của họ một lần nữa”. Theo ông Allan Behm, “các yêu sách đó không giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán về những tranh chấp và bất đồng, nhưng cũng không làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán”.

Nhà phân tích chính trị, giáo sư James Chin, Đại học Tasmania của Úc nói với hãng tin CNA rằng hành động này của Trung Quốc là “điển hình cho nền ngoại giao Trung Quốc”. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã phán quyết rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Theo giáo sư James Chin, việc Bắc Kinh công bố bản đồ mới có đường 10 đoạn là tín hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng họ “không công nhận phán quyết đó” và sẵn sàng kiên quyết thực hiện các yêu sách của họ. 

Ông Allan Behm, giám đốc Chương trình Các vấn đề An ninh và Quốc tế tại Viện Úc, cho rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “những yêu cầu quá đáng”. Theo ông, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam đều có căn cứ hợp lý cho các yêu sách của họ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). ​Nhưng ông Allan Behm cũng công nhận là các nước này khó mà buộc được Trung Quốc từ bỏ những yêu sách chủ quyền ở vùng Biển Đông.

Hôm thứ tư vừa qua, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã yêu cầu “các bên liên quan” xem xét bản đồ mới của Trung Quốc một cách “khách quan và hợp lý”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.