Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Cải tổ hưu bổng tại Pháp: Lối thoát nào cho chính phủ trước phong trào phản đối rầm rộ?

Vào hôm nay 28/03/2023, phong trào biểu tình và đình công chống luật cải cách chế độ hưu trí mà chính phủ của tổng thống Macron chủ trương đã bước qua ngày hành động thứ 10, với lần nào cũng có cả triệu người tham gia. Cuộc khủng hoảng hiện không thấy lối thoát, và câu hỏi đặt ra là chính phủ có thể làm gì để tháo gỡ bế tắc.

Biểu tình phản đối luật hưu trí tại Paris ngày 28/03/2023. Biểu ngữ trong ảnh mang dòng chữ ''Nước Pháp nổi giận" ("La France en colère").
Biểu tình phản đối luật hưu trí tại Paris ngày 28/03/2023. Biểu ngữ trong ảnh mang dòng chữ ''Nước Pháp nổi giận" ("La France en colère"). AFP - JULIEN DE ROSA
Quảng cáo

Phải nói là sau khi chính quyền dùng điều khoản 49.3 của Hiến Pháp để thông qua kế hoạch cải cách hưu trí, với một trong những nội dung bị phản đối nhất là đẩy thời điểm về hưu từ 62 tuổi lên thành 64 tuổi, phong trào chống cải tổ như có thêm hơi sức, với giới công đoàn tiếp tục đấu tranh bằng các hinh thức biểu tình, đình công, gây trở ngại cho các sinh hoạt thường nhật của người dân, cũng như nhiều hoạt động kinh tế. Nỗi tức giận của nhiều người nhiều khi đã bùng lên thành bạo động.

Trước tình hình xã hội càng lúc càng xấu đi đó, với các công đoàn kiên quyết đòi chính quyền phải thu hồi dự luật cải cách hưu trí, chính phủ Pháp được cho là đang cố tìm lối thoát bằng cách trấn an dân tình.  Theo nhật báo Công Giáo La Croix, mục tiêu trấn an đã bắt đầu được thủ tướng Elisabeth Borne thực hiện với một loạt các cuộc tham khảo với các lực lượng chính trị và xã hội, từ các dân biểu, thượng nghị sĩ, các hiệp hội đại biểu dân cử, cho đến các đảng phái, các đối tác xã hội.

Về phần mình, tổng thống Emmanuel Macron được cho là sẽ sẵn sàng hòa dịu với các công đoàn, để cùng nhau tiến tới trên các vấn đề liên quan đến công việc làm của người lao động như giảm bớt nặng nhọc, tu nghiệp, phát triển năng lực, cải thiện điều kiện làm việc, thù lao trong một số ngành… Tuy nhiên, tổng thống Pháp vẫn cho thấy là ông kiên quyết xúc tiến đến cùng kế hoạch cải cách hưu trí.

Đối với một số nhà phân tích, chính lập trường cứng rắn không rút lại kế hoạch cải cách đó khiến cho các nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng gặp khó khăn. Theo ghi nhận của báo mạng The Huffpost ngày 27/03, một số nhà quan sát nghi ngờ là chính quyền đang cố tình lợi dụng các hình ảnh hỗn loạn mà các cuộc biểu tình và đình công tạo ra để lái công luận xa rời phong trào phản kháng để đi theo chiều hướng có lợi cho mình.

Đối với ông Philippe Moreau Chevrolet, giáo sư trường chính trị Sciences Po Paris, chuyên gia về truyền thông chính trị, nếu quả thực là chính quyền có ý định để cho tình hình xã hội xấu đi thêm để thu lợi, thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Chuyên gia này cảnh báo: “Kể từ phong trào Áo Vàng, cách làm này không hiệu nghiệm nữa… Chỉ có một giải pháp chính trị và dân chủ mới có thể cho phép Emmanuel Macron phá vỡ thế bế tắc. Điều có thể giúp tổng thống Pháp xoa dịu dư luận và cho ông một lối thoát phán quyết hủy bỏ dự luật đến từ Hội Đồng Bảo Hiến. Vấn đề là phải chờ thêm vài tuần lễ nữa thì mới biết kết quả”.

Một phương án khác là chia rẽ giới công đoàn để làm suy yếu phong trào phản đối cải cách, đặc biệt là cô lập công đoàn CGT có xu hướng đấu tranh đến cùng, để ưu tiên đối thoại với công đoàn CFDT tương đối ôn hòa hơn. Trên vấn đề cải cách hưu bổng, trên đài France Inter vào hôm nay, 28/03, tổng thư ký công đoàn CFDT Laurent Berger cho rằng ''nên tạm dừng áp dụng điều khoản tuổi hưu 64 một tháng, một tháng rưỡi, và nhờ một, hai, ba người làm trung gian hòa giải, đi gặp các bên khác nhau để hỏi xem mỗi bên quý vị muốn gì?”. Theo ông Berger, cần phải “tìm ra lối thoát" và điều đó vẫn có thể xảy ra.

Đối nghịch với CFDT, ông Philippe Martinez thuộc công đoàn CGT hoàn toàn im lặng trước khả năng “tạm dừng” cải cách. Theo The Huffpost, diễn biến tới đây sẽ tùy thuộc vào cuộc biểu tình hôm nay. Nếu các công đoàn tiếp tục tập hợp được đông đảo quần chúng, chính phủ có khả năng phải thỏa hiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.