Vào nội dung chính
PHÁP - BIỂU TÌNH

Pháp: Chính phủ muốn ‘‘hòa dịu’’ với các nghiệp đoàn, nhưng không từ bỏ luật cải cách hưu trí

Thủ tướng Elisabeth Borne (T) và tổng thống Emmanuel Macron, tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 12/12/2022.
Thủ tướng Elisabeth Borne (T) và tổng thống Emmanuel Macron, tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 12/12/2022. AP - Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Một ngày trước ngày tuần hành, biểu tình lớn lần thứ 10 phản đối luật nâng tuổi về hưu lên 64, hôm nay, 27/03//2023, chính phủ Pháp đưa ra một loạt thông điệp hòa dịu với các nghiệp đoàn, kêu gọi ‘‘nối lại đối thoại’’ về các điều kiện làm việc trong các ngành nghề, nhưng không đề cập đến luật cải cách hưu trí.

Trả lời AFP tối hôm qua, 26/03/2023, thủ tướng Elisabeth Borne thừa nhận : ‘‘Có những căng thẳng rõ ràng liên quan đến cải cách hưu trí. Cần phải lắng nghe về điều này’’, và khẳng định: ‘‘Đất nước đang đối mặt với các căng thẳng cần được hòa dịu, và cần phải khẩn trương đưa ra các giải pháp cho những trông đợi của người Pháp’’.

Hôm nay, thủ tướng Borne dự kiến trình một ‘‘kế hoạch hành động’’ lên tổng thống, và tiếp đó với các lãnh đạo của liên minh cầm quyền, trong đó có lãnh đạo các nhóm nghị sĩ, lãnh đạo các đảng và một số thành viên chính phủ. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ có một cuộc tham vấn kéo dài khoảng 3 tuần lễ, với các nghị sĩ, các đảng phái chính trị, các đại diện dân cử địa phương và các đối tác xã hội.

Thủ tướng Elisabeth Borne hôm nay cũng có kế hoạch gặp chủ tịch các ủy ban Quốc Hội, hai chủ tịch Thượng Viện và Hạ Viện. Các nghiệp đoàn, trước hết là nghiệp đoàn ôn hòa CFDT, là mục tiêu hướng đến của chính phủ. Thủ tướng Borne đề nghị sẽ ‘‘nối lại’’ đối thoại về nhiều lĩnh vực, từ chế độ đối với các ngành nghề nặng nhọc, đến việc làm của người cao tuổi, cũng như việc chuyển đổi công việc.

Về phần mình, lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT, Laurent Berger, hôm nay xác định rõ chỉ chấp nhận ‘‘bàn tay chìa ra’’ của thủ tướng Borne, nếu cuộc cải tổ hưu trí được ‘‘đặt sang một bên’’. Lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT khẳng định với AFP đã có cuộc điện đàm hôm qua với một nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron, trong đó ông nhấn mạnh là trước hết cần thương lượng về ‘‘việc làm’’, còn hồ sơ ‘‘hưu trí’’ cần ngưng lại trong thời gian nhiều tháng.

Căng thẳng chính trị xã hội hiện nay tại Pháp có lợi trước hết cho đảng cực hữu, bên thua thiệt là liên đảng cầm quyền. Theo một thăm dò dư luận của Ifop/Fiducial cho báo JDD và Sud Radio, đăng tải hôm qua, 26/03, nếu bầu cử Quốc Hội mới diễn ra vào Chủ Nhật tới, thì đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc sẽ nhận được 26% phiếu bầu (tăng 7% so với cuộc bầu cử năm ngoái), ngang với liên đảng cánh tả và cực tả Nupes, cũng 26%. Liên đảng cầm quyền chỉ nhận được 22%, sụt 5% so với cuộc bầu cử trước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.