Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Phải chăng Macron phá bỏ sự mập mờ trong chiến lược răn đe hạt nhân của Pháp?

Việc tổng thống Nga Putin liên tục đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Ukraina đang đặt lãnh đạo các cường quốc hạt nhân phương Tây trước những câu hỏi mà mỗi người trả lời mỗi khác. Những câu hỏi đó là : Nên sử dụng khả năng răn đe đối với Putin như thế nào? Có nên nói rõ về cách đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Nga hay không?  

Chiến tranh Ukraina là trọng tâm phát biểu trên đài truyền hình Pháp của tổng thống E.Macron hôm Thứ Tư 12/10/2022.
Chiến tranh Ukraina là trọng tâm phát biểu trên đài truyền hình Pháp của tổng thống E.Macron hôm Thứ Tư 12/10/2022. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo quốc gia duy nhất đã từng sử dụng vũ khí nguyên tử trong thời chiến, đã chọn cách làm nghiêm trọng hóa nguy cơ tấn công hạt nhân của Matxcơva. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CBS vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Biden đã cảnh báo đồng nhiệm Nga: “ Đừng làm thế, đừng làm thế, đừng làm thế”.  Vài ngày sau, cũng chính tổng thống Biden cảnh báo thế giới về một “ngày tận thế hạt nhân”, ý muốn nói là nhân loại có thể bị hủy diệt hoàn toàn nếu xảy ra chiến tranh nguyên tử.

Ngược lại, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình công France 2 hôm thứ tư, 12/10, đã gián tiếp chê trách tổng thống Mỹ, khi ông nhấn mạnh: “ Chúng ta càng ít nói về điều đó, càng ít đe dọa, thì chúng ta càng đáng tin”.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia Pháp Bruno Tertrais, trả lời hãng tin AFP, “cần phải nói về mối đe dọa hạt nhân, bởi vì công luận các nước đang rất lo ngại”. Ông nhắc lại: “ Cho tới nay, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn giữ được bình tĩnh, không để bị lôi kéo vào một cuộc tranh đua dọa dẫm”. Nhưng, theo chuyên gia Tertrais, phản ứng của các lãnh đạo phương Tây nay lại có hai thái cực: Biden đã rất vụng về khi cảnh báo về một “ngày tận thế hạt nhân”, một từ trích từ Kinh Thánh, gây ấn tượng rất mạnh và gây hoảng sợ. Ngược lại, tổng thống Macron nói là chúng ta sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Có nên nói rõ như thế không?”

Thật vậy, khi trả lời đài France 2 tối thứ Tư, tổng thống Macron đã nói về việc Pháp sẽ đáp trả hoặc không đáp trả như thế nào, nếu Nga mở một cuộc tấn công hạt nhân ở Ukraina. Tổng thống Pháp nói: “Chủ thuyết (răn đe hạt nhân) của chúng ta dựa trên cái mà ta gọi là những lợi ích sống còn của quốc gia và những lợi ích đó được định nghĩa một cách rất rõ ràng. Nếu có một vụ tấn công hạt nhân ở Ukraina hay trong vùng, thì những lợi ích đó không bị ảnh hưởng chút nào”. Nói cách khác, theo ông, Pháp sẽ không đáp trả nếu Nga có dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật để tấn công Ukraina hay một nước châu Âu khác.

Theo đài France Info, tuyên bố nói trên đã gây nhiều tranh cãi giữa các bộ trưởng Quốc Phòng khối NATO trong cuộc họp ở Bruxelles hôm qua. Các đồng minh của Pháp trong khối này đang tự hỏi: Khi tuyên bố như vậy, phải chăng ông Macron đã làm suy yếu chiến lược phòng thủ chung? Trong một cuộc họp báo của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, một nhà báo người Anh đã đặt câu hỏi tương tự: “Phải chăng nước Pháp đã phá hỏng khả năng răn đe hạt nhân của phương Tây khi đơn phương loại bỏ một sự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với Nga?”

Cho tới nay, “lợi ích sống còn” là một khái niệm được cố tình để mập mờ, và đó chính là khái niệm “ mập mờ chiến lược”. Ngay chính tổng thống Macron trong một bài diễn văn vào năm 2020 đã nói: “Sự mập mờ là cố tình. Khi nào mà chúng ta không định nghĩa rõ các lợi ích sống còn, thì chúng ta vẫn còn lợi thế”. Vấn đề là kể từ hôm thứ tư, ai cũng biết Ukraina không phải là một vấn đề lợi ích sống còn của Pháp, theo như tuyến bố của tổng thống Macron.

Trả lời đài France Info, một cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp ghi nhận: “ Về căn bản thì tổng thống có lý, vì không ai nghĩ đến chuyện xóa hoàn toàn nước Nga khỏi bản đồ. Nhưng ông ấy đã nói quá nhiều.” Như vậy đây là một lỗi về chiến lược của tổng thống Macron mà người ta chưa thể lường được những hậu quả. Trước hết là hậu quả về thế cân bằng quân sự trong vùng: Tổng thống Nga Putin có sẽ khai thác sơ hở này không? 

Tuy vậy, theo France Info, cho dù tổng thống đúng là đã nói hớ và giới quân sự Pháp hiện rất lo ngại, nhưng sẽ không có chuyện đem vấn đề này ra bàn luận công khai, bởi vì, theo một dân biểu đối lập, thành viên Ủy ban Quốc Phòng của Hạ Viện Pháp, “bàn luận công khai sẽ làm lộ rõ sự yếu kém của chúng ta.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.