Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ít khả năng Nga dùng vũ khí nguyên tử bảo vệ các vùng lãnh thổ mới chiếm đoạt của Ukraina

Tổng thống Putin có sử dụng bom nguyên tử, huy động « vũ khí hạt nhân chiến thuật » để bảo vệ « dân tộc Nga » đang sống tại Kherson, Zaporijjia hay Donetsk và Lugansk sau khi sáp nhập 4 vùng lãnh thổ này vào với nước Nga ? Tối thiểu có ba yếu tố để hy vọng điện Kremlin không quá liều lĩnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina vào Nga tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 30/09/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina vào Nga tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 30/09/2022. AP - Gavriil Grigorov
Quảng cáo

Cùng lúc loan báo lệnh « động viên » lính dự bị hôm 21/09/2022 chủ nhân điện Kremlin đã nhấn mạnh sẽ « huy động mọi phương tiện » để bảo vệ quyền lợi của nước Nga, hàm ý kể cả những phương tiện quân sự mà từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay chưa ai dám nghĩ đến. Kiev và phương Tây lập tức cân nhân nhắc khả năng Matxcơva giải quyết chiến tranh Ukraina bằng « vũ khí nguyên tử chiến thuật ».

Thư ký Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh của Ukraina, Oleksy Danilov hôm 29/09 cho biết đang chuẩn bị một « kế hoạch chi tiết hướng dẫn các công dân Ukraina phải làm những gì » trong kịch bản Nga liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân. 

Với Vladimir Putin ở điện Kremlin, « điều gì cũng có thể xảy ra ». Mọi người đã tưởng rằng Matxcơva chỉ hù dọa nhưng sẽ không xâm lược Ukraina. Giờ đây không ai dám quả quyết là tổng thống Nga sẽ dừng lại đúng lúc. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là về mặt quân sự và chiến lược, vũ khí nguyên tử, đặc biệt là các loại vũ khí « nguyên tử chiến thuật » có giúp Matxcơva đảo ngược tình huống trên trận địa Ukraina hay không ? Câu trả lời là không. 

Theo Xavier Tytelman, một cựu phi công và cố vấn trong ngành quốc phòng, một quả bom nguyên tử « chiến thuật tai hại bằng hàng trăm tên lửa HIMARS » nhưng phương tiện này không cho phép quân đội Nga vô hiệu hóa lực lượng quân sự của Ukraina.

Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giải thích, một quả bom nguyên tử « chiến thuật » chỉ rơi vào một chỗ, với những tác động tàn khốc đối với con người, với môi trường, nhưng quân đội của Ukraina không tập trung ở một chỗ mà đang hiện diện ở rải khác khắp nơi. Đó là chưa kể một khi mà Nga đã liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân, chắc chắn là phương Tây sẽ đáp trả và cái giá phải trả đối với nước Nga là sẽ « rất đắt » về mặt quân sự. 

Câu hỏi kế tiếp, nếu tính đến giải pháp hạt nhân thì Nga theo đuổi những mục đích gì ? Chuyên gia về vũ khí nguyên tử Benjamin Hautecouverture, cũng thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp lưu ý : học thuyết quân sự của Nga quy định rõ bốn trường hợp « tự vệ » cho phép chính quyền sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Nhưng « may mắn thay » ba kịch bản trong số đó nói rõ « ngay cả trong trường hợp một số hành động thù nghịch nhắm vào nước Nga, cũng không nhất thiết phải dùng đến vũ khí nguyên tử »

Lý do thứ nhì cho phép các nhà quan sát thiên về giả thuyết Matxcơva, chỉ đem lá bài hạt nhân ra để « khủng bố tinh thần » những người yếu bóng vía, bởi một khi Nga thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống lãnh thổ Ukraina hay bắn chệch sang bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác, thì « Vladimir Putin đẩy nước Nga vào tình thế còn tệ hại hơn cả so với Bắc Triều Tiên ».

Bruno Tertrais nói rõ hơn : Matxcơva sẽ « đánh mất tất cả, mất các điểm tựa về ngoại giao, kể cả Trung Quốc ». Theo cựu đại sứ Pháp tại Matxcơva Jean de Gliniasty, đây là lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh không bao giờ cho phép Nga vượt qua. Ông Tytelman thẩm định, không có Trung Quốc, « chỉ nội 3 tuần lễ, kinh tế Nga hoàn toàn sụp đổ ».

Cuối cùng, liên quan đến « vũ khí nguyên tử chiến lược », trước khi bấm vào nút hạt nhân, tổng thống Vladimir Putin sẽ phải vượt qua được hai cửa ải quan trọng. Một là phải thuyết phục được hai nhân vật chủ chốt là bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu và tổng tư lệnh quân đội Nga, tướng Valeri Vassilievitch Guerassimov rằng để mất các vùng lãnh thổ mới sáp nhập ở miền đông và miền nam Ukraina « đe dọa trực tiếp đến quyền lợi cốt lõi của nước Nga ». Mặt khác, tổng thống Vladimir Putin cũng ít nhiều phải có sự đồng lòng của công luận Nga vào lúc mà dân tình đã rất bất mãn vì lệnh động viên bán phần.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi người có thể hoàn toàn gạt bỏ rủi ro « vũ khí hạt nhân » vì lẽ, tới nay các khái niệm và định nghĩa về « vũ khí hạt nhân chiến thuật » của Nga còn rất mơ hồ và « đầy rẫy những vùng xám ». Isabelle Facon, chuyên gia về quốc phòng của Nga tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến lược giải thích, Matxcơva đã trang bị một số « vũ khí hiện đại » mà ở đó đường biên giới giữa « thế nào là vũ khí quy ước » với « vũ khí nguyên tử không còn được phân định rõ ràng ».

Hơn nữa, ngay cả « học thuyết quốc phòng » của Nga cũng mập mờ về định nghĩa thế nào là « mối đe dọa đối với quyền lợi cốt lõi » và sự « sống còn » của nước Nga để cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử. Chính những « khoảng trống đó » mở đường cho các kiểu diễn giải khác nhau, mà đấy mới chính là mối « nguy hiểm » đáng sợ nhất trong cách tổng thống Putin tiếp cận vấn đề Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.