Vào nội dung chính
PHÁP - HOA KỲ - THƯƠNG MẠI

Biden đắc cử: Ngành rượu vang Pháp vui mừng

Giới sản xuất rượu vang Pháp hoan nghênh sự kiện ông Joe Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Hầu hết các đại diện của ngành này đều hy vọng rằng vị tổng thống tân cử Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp châu Âu và Hoa Kỳ sớm giải quyết các tranh chấp thương mại giữa đôi bên, vốn đã khiến cho nhiều lãnh vực kinh tế bị thiệt hại, kể cả ngành rượu vang Pháp. 

Ảnh minh họa: Quầy trưng bày rượu vang Pháp tại Triển Lãm Vinexpo ở Javits Center, thành phố New York (Mỹ) ngày 02/03/2020.
Ảnh minh họa: Quầy trưng bày rượu vang Pháp tại Triển Lãm Vinexpo ở Javits Center, thành phố New York (Mỹ) ngày 02/03/2020. AFP - ANGELA WEISS
Quảng cáo

Sau khi giới truyền thông Mỹ loan tin hôm 07/11/2020 là ứng cử viên đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống Mỹ, sau 4 ngày kiểm phiếu căng thẳng, Liên đoàn quốc gia Pháp khai thác nông nghiệp FNSEA và hội đồng FranceAgriMer đặc trách hai ngành hải sản và nông phẩm đã bày tỏ quan điểm chính thức. Ông Jérôme Despey, đại diện của hai cơ quan này hy vọng rằng chính sách hải quan sẽ trở thành một trong những chủ đề thảo luận đầu tiên giữa tân chính quyền Mỹ và Liên hiệp châu Âu. Việc mở lại đàm phán có thể giúp cho đôi bên sớm giải quyết các tranh chấp, điều chỉnh lại thuế hải quan ở mức bình thường.

Rượu vang Pháp, nạn nhân tranh chấp thương mại 

Cũng xin nhắc lại kể từ ngày 18/10/2019, Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế 25% đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp, Đức cũng như Tây Ban Nha. Đây là một trong những biện pháp trả đũa đầu tiên của Mỹ đối với Liên hiệp châu Âu, hậu quả trực tiếp từ vụ tranh chấp thương mại trước đó giữa hai tập đoàn hàng không Airbus của châu Âu và Boeing của Hoa Kỳ.  

Sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO/OMC) ra phán quyết cho phép Hoa Kỳ đánh thuế ở mức 7,5 tỷ đô la mỗi năm lên các sản phẩm nhập khẩu từ Liên hiệp châu Âu, chính quyền Trump ngay sau đó đã áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với ngành sản xuất máy bay dân dụng và 25% đối với rượu vang đến từ châu Âu. Mức thuế 25% này chủ yếu nhắm vào các loại rượu vang không có sủi bọt dưới 14 độ.

So với các nước châu Âu khác, Pháp là quốc gia bị tác hại nặng nề nhất, do mức xuất khẩu rượu vang của Pháp cao từ gấp ba đến gấp 5 lần so với hai nước Đức và Tây Ban Nha. Kể từ khi mức thuế 25% có hiệu lực, các số liệu thống kê hải quan đều cho thấy mức xuất khẩu rượu vang Pháp sang Hoa Kỳ giảm ngay 32% trong tháng 11 năm 2019, và mức giảm trung bình trong một  năm là khoảng 20%. 

Ngành rượu vang Pháp mất 400 triệu euro 

Theo bản tổng kết vừa được công bố trong tuần qua của liên đoàn FEVS chuyên xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh, các doanh nghiệp Pháp bị thiệt hại ở mức 1,2 triệu euro mỗi ngày. Tính tổng cộng, ngành xuất khẩu rượu vang Pháp đã bị thua lỗ hơn 400 triệu euro, một năm sau chính quyền Trump áp dụng thuế mới. Các công ty cỡ nhỏ và trung bình, cũng như đa số các hợp tác xã sản xuất đều hoạt động theo quy chế độc lập, lại chiếm tới 56% sản lượng rượu vang tại Pháp. Giới này bị thâm hụt khoảng 100 triệu euro trong vòng một năm, tính từ đầu tháng 11/2019 cho tới nay. Các tác động dây chuyền của dịch Covid-19 kể từ tháng 03/2020 khiến cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và trung bình nào không có đủ thanh khoản lại càng thêm điêu đứng. 

Tuy nhiên, tổng thống tân cử của Mỹ trên nguyên tắc chỉ nhậm chức vào tháng Giêng 2021 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột thương mại giữa Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ sẽ là một trong những hồ sơ ‘‘ưu tiên’’. Ngược lại, trong cương lĩnh hành động của mình (build back better),  Joe Biden dành ưu tiên cho kế hoạch đối phó với dịch Covid-19, chấn hưng nền kinh tế Mỹ, hay chống biến đổi khí hậu, chứ không có nhắc tới các vấn đề thương mại với các đối tác.  

Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire trả lời phỏng vấn báo chí trong tuần qua cũng đánh giá rằng : dù kết quả cuộc bầu cử Mỹ 2020 có như thế nào đi chăng nữa thì trong tương lai gần, sẽ không có gì thay đổi nhiều đối với lợi ích kinh tế của Pháp.

Khả năng mở đối thoại của tổng thống tân cử Mỹ

Về điểm này, tuần báo kinh tế Capital đánh giá rằng dĩ nhiên là quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu không thể thay đổi một sớm một chiều, tổng thống tân cử Hoa Kỳ cũng không nắm trong tay một cây ‘‘đũa thần’’ để biến đổi mọi chuyện trong chớp mắt. Thế nhưng,  tuần báo này cũg như ông Jérôme Despey, tổng thư ký liên đoàn  FNSEA, đều cùng bày tỏ một niềm hy vọng.

Tuy tình hình không thể thay đổi nhanh chóng, nhưng hai phía đối tác nếu thật sự muốn ngồi vào bàn đàm phán, cần phải nỗ lực tạo ra một bầu không khí bớt căng thẳng, nếu không nói là ôn hòa, lắng dịu hơn. Chỉ riêng về điểm này, tổng thống  tân cử Hoa Kỳ Joe Biden cho thấy ông có nhiều khả năng hơn người tiền nhiệm, có thể bình tĩnh lắng nghe khi đối thoại với người khác. 

Không phải là chuyện ngẫu nhiên khi rất nhiều chính khách Pháp trong tin nhắn chúc mừng tổng thống tân cử Mỹ (hôm 07/11) đều hy vọng thấy Hoa Kỳ tham gia trở lại Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, trong khi chính quyền tiền nhiệm đã chính thức rời thỏa thuận này vào hôm 04/11/2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.