Vào nội dung chính
PHÁP – RƯỢU VANG – COVID-19

Covid-19 : Ngành rượu vang Pháp xin được tài trợ nửa tỷ euro

Cũng như đa số các ngành sản xuất, ngành rượu vang Pháp đã bị dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Ngoài vấn đề doanh thu sụt giảm, ngành này còn phải đối mặt với thuế của chính quyền Trump đánh vào rượu xuất khẩu từ châu Âu. Trong bối cảnh đó, ngành rượu vang Pháp đã yêu cầu nhà nước Pháp can thiệp. Kế hoạch hỗ trợ bước đầu được ước tính là hơn 500 triệu euro.

Rượu vang Pháp là nạn nhân kép của chính quyền Mỹ Donald Trump và dịch Covid-19.
Rượu vang Pháp là nạn nhân kép của chính quyền Mỹ Donald Trump và dịch Covid-19. REUTERS / Regis Duvignau
Quảng cáo

Trong tuần qua, tám nghiệp đoàn và cơ quan đại diện của ngành sản xuất rượu vang đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Pháp thực hiện cam kết qua việc công bố các biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ ngành rượu vang Pháp. Vào đầu tháng 05/2020, sau khi Bộ Kinh Tế Tài Chính công bố kế hoạch trợ giúp hãng hàng không Air France 7 tỷ euro (với một số điều kiện), đến phiên bộ trưởng Nông Nghiệp Didier Guillaume thông báo sẽ áp dụng một số biện pháp giúp đỡ cho cả hai ngành trồng nho (viticulture) và làm rượu vang (viniculture).

Tuy nhiên, đối với giới chuyên ngành, phản ứng của bộ Nông Nghiệp cho đến giờ vẫn chưa đủ, kể cả về mặt tài chính cũng như trong việc nới lỏng một số quy định tạo luồng dưỡng khí cho ngành rượu vang. Ngành này hàng năm tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Trước mắt, các nghiệp đoàn yêu cầu chính phủ tạm thời miễn thuế ít nhất là cho tới cuối năm 2020, đình chỉ các khoản đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của các công ty cũng như các chi phí xã hội mà giới chủ phải trả cho người lao động. Nếu các biện pháp này được áp dụng, chính phủ đã giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngành rượu vang từ 500 triệu đến 1 tỷ euro.

Nước Pháp hiện là quốc gia đứng hạng nhì trên thế giới sau Ý về sản lượng rượu hàng năm, nhưng xét về kim ngạch xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh, nước Pháp lại về đầu. Tính tổng cộng hàng năm, hai tỷ chai rượu của Pháp được bán ra nước ngoài, tương đương với 12,2 tỷ euro. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng, doanh thu của ngành rượu vang đã giảm sút đáng kể do tất cả các hàng quán đều đóng cửa, kể cả nhà hàng, quán cà phê hay quầy bán thức ăn tại các hội chợ hay tụ điểm giải trí.

Về mặt phân phối, các siêu thị ở Pháp vẫn tiếp tục bày bán đầy đủ các loại rượu vang (trong khi cá tươi hay hải sản lại khan hiếm), thế nhưng có lẽ là do thói quen, người tiêu dùng ở Pháp vẫn không tiêu thụ rượu và bia nhiều hơn. Trước khi xẩy ra cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch Covid-19, ngành sản xuất rượu vang Pháp đã từng phải đối đầu với cơn chấn động đầu tiên, sau khi chính quyền Trump áp dụng mức thuế 25% đánh vào rượu vang Pháp.

Vào đầu tháng 10/2019, Tổ ChứcThương Mại Thế Giới đã ra phán quyết cho phép Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của châu Âu (ở mức 7,5 tỷ đô la, tương đương 6,8 tỷ euro) nhằm trả đũa việc Liên Hiệp Châu Âu trợ giá cho tập đoàn máy bay Airbus ‘‘trái luật’’ cạnh tranh. Trên danh sách các nước châu Âu bị Mỹ áp thuế, Pháp là quốc gia bị thiệt nhiều nhất. Mức thiệt hại của Pháp là khoảng 2,4 tỷ trên tổng số 6,8 tỷ euro hàng châu Âu bị áp thuế. Rượu vang của Pháp (cũng như hầu hết các loại rượu dưới 14 độ cồn từ các nước châu Âu khác là Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha) bị đánh thuế ở mức cao nhất là 25%. 

Kể từ khi bị Mỹ áp thuế, mức xuất khẩu của rượu vang Pháp sang Hoa Kỳ không ngừng xuống dốc, giảm 8% vào tháng 11/2019, giảm 32% đầu tháng 01/2020. Thị trường Mỹ chiếm một phần tư lượng rượu vang xuất khẩu của Pháp. Rượu Pháp cũng thuộc gam trung bình, tức là trị giá cao nhiều so với Tây Ban Nha. Theo giới chuyên ngành, nước Pháp bị hạn chế về bán rượu vang sang Mỹ, nhưng vẫn chưa tìm ra được một thị trường khác để thay thế : Úc, New Zealand hay các nước châu Á không nhập loại rượu thuộc gam trung bình nhiều như Hoa Kỳ.

Tổ chức quốc tế về rượu vang (OIV) đã phác họa một bức tranh khá ảm đạm về mức tiêu thụ rượu vang trên thế giới. Riêng tại châu Âu, nơi có truyền thống tiêu thụ rượu vang lâu đời, lượng rượu tiêu thụ có nguy cơ giảm đến 35% trong năm 2020 do hầu hết các điểm kinh doanh và tiêu thụ đều đã bị đóng cửa trong mùa dịch Covid-19. Cùng với Ý và Tây Ban Nha, Pháp do là một trong những quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới. Sau mùa dịch, cả ba nước này lại chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh tế đen.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.