Vào nội dung chính
PHÁP - VIRUS CORONA - XÃ HỘI

Covid-19 : Xuất khẩu rượu vang Pháp giảm 18%

Ngay sau khi nước Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi cuối tháng 05/2020, giới chuyên ngành đã từng dự báo 2020 sẽ là năm thất thu nặng nề đối với ngành sản xuất rượu vang. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, mức xuất khẩu rượu vang Pháp đã giảm đến 18% trong 8 tháng đầu năm, tức là cao hơn 5% so với dự kiến ban đầu.

Ảnh chụp tại một nhà hàng ở Paris, Pháp, với tờ giấy ghi hàng chữ: " Do khủng hoảng y tế, khách không được uống tại quầy. Cám ơn quý khách thông cảm". Paris, 06/10/2020.
Ảnh chụp tại một nhà hàng ở Paris, Pháp, với tờ giấy ghi hàng chữ: " Do khủng hoảng y tế, khách không được uống tại quầy. Cám ơn quý khách thông cảm". Paris, 06/10/2020. AFP - THOMAS COEX
Quảng cáo

Theo số liệu thống kê chính thức của tổ chức FranceAgriMer, cơ quan quốc gia liên ngành nông phẩm và hải sản, ngành xuất khẩu rượu vang Pháp đã giảm gần một phần năm từ tháng Giêng cho đến tháng 08/2020. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ rượu vang trên thị trường nội địa cũng sút giảm luôn theo. Tình trạng này không phải là do một nguyên nhân duy nhất, mà do nhiều yếu tố gộp lại. 

Dịch Covid-19 trong nhiều tháng liền đã buộc nhiều quán ăn, nhà hàng phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa lại được ban hành trong giai đoạn Mỹ áp thuế cao hơn đối với sản phẩm nhập khẩu từ Pháp (kể cả sâm banh và rượu vang). Ngoài ra, tình hình bất ổn do vấn đề Brexit vẫn chưa được giải quyết dứt điểm cũng đã ảnh hưởng gián tiếp đến các công ty Pháp chuyên xuất khẩu rượu vang.  

Doanh thu Champagne bị giảm mạnh 

Theo cơ quan liên ngành FranceAgriMer, mức sụt giảm đáng kể nhất liên quan đến các loại champagne và rượu vang trắng sủi bọt. Hai ngành này đã mất đến 28% doanh thu trong giai đoạn 8 tháng đầu năm 2020, so với cùng thời kỳ năm ngoái. Rượu sâm banh của Pháp  (champagne) cũng bị thiệt hại, ở một mức nhẹ hơn, khoảng 20%. Dưới tên gọi chung là ‘‘crémant’’ (còn được gọi nôm na là vin pétillant hay là vin mousseux) tức là các loại rượu vang trắng có sủi bọt ngoài champagne, thật ra ngành này bao gồm khá nhiều vùng miền khác nhau. Đứng đầu là vùng Alsace, sau đó đến các vùng Bourgogne, Loire, Limoux, Die, Jura hoặc là Savoie …

Ngay cả thực khách Pháp chưa chắc gì đã phân biệt được hết những nét tinh tế của các loại rượu vang sủi bọt của từng vùng miền như vouvray, saumur, clairette, blanquette, montlouis, mà về chất lượng ngon hơn hẳn loại cava hiệu freixenet của Tây Ban Nha hay là prosecco của Ý. Dù muốn hay không, hình ảnh của rượu champagne nói riêng hay các loại rượu trắng có sủi bọt nói chung đều được gắn liền với các dịp liên hoan, lễ hội. Mùa dịch Covid-19 chẳng có gì đáng để ăn mừng, người tiêu dùng cũng tự hạn chế các buổi gặp gỡ vui chơi, trà dư tửu hậu. Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm khi mà các lại rượu dành cho các dịp liên hoan bị ‘‘mất khách’’.

Lượng tiêu thụ nội địa cũng bị giảm 

Cũng theo cơ quan FranceAgriMer, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoàng tài chính năm 2008-2009, thị trường xuất khẩu rượu vang bị sụt giảm đáng kể. Mức giảm sút cũng rất rõ nét trên thị trường rượu vang (rượu đỏ hay rượu hồng rosé). Một cách cụ thể,  doanh thu xuất khẩu của ngành này đã giảm đến 13% và có thể còn tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, do số liệu thống kê cho tháng 9 vẫn chưa được công bố. 

Tình trạng sút giảm này cũng diễn ra trong một bối cảnh không mấy thuận lợi. Mùa trồng nho năm nay cũng không được xem là mùa bội thu. Sau mùa thu hoạch vừa qua, sản lượng chung cũng giảm xuống 10% (bao gồm tất cả các loại rượu vang), như thể giới chuyên ngành sản xuất đang chuẩn bị tinh thần để đối phó với những khó khăn sắp tới, chẳng thà thu hoạch ít, còn hơn là bội thu mà lại không bán được.

Đối với ngành rượu vang Pháp, trước mắt có rất nhiều khó khăn đang chờ đón họ. Lệnh giới nghiêm không những ở Pháp, mà còn được ban hành tại nhiều nước châu Âu láng giềng như Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, đã khiến cho nhiều hàng quán buộc phải đóng cửa sớm hơn. Tại Bỉ hay Ailen, các tụ điểm văn hóa cũng như các quán ăn, nhà hàng là những ‘‘nạn nhân’’ đầu tiên, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng trở lại hầu hạn chế đà lây lan của dịch Covid-19. 

Trong bối cảnh đó, ngành ẩm thực nói chung, ngành rượu vang nói riêng đều bị tác động mạnh mẻ. Trên các ứng dụng tiêu dùng, thực khách đặt món ăn giao tận nhà, chứ ít có ai lại đi ‘‘gọi rượu’’ như trong những lúc đi ăn ở nhà hàng. Lệnh giới nghiêm hay các biện pháp phong tỏa làm giảm ngay mức tiêu thụ, do ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của thực khách.

Khi thói quen tiêu dùng bị xáo trộn

Một khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có hiệu lực trở lại, thì rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong lãnh vực phục vụ, như quán bar, nhà hàng, khách sạn, hộp đêm, hay giải trí, như nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu biểu diễn không có cách nào khác là đành phải chấp nhận thất thu. Mọi cuộc thăm dò đều cho thấy là suất chiếu phim trong tuần quan trọng nhất vẫn là suất 8 giờ tối, và các nhà hàng Pháp thường phục vụ thực khách theo hai suất : 7 giờ và 9 giờ tối. Dù có tính cách nào đi chăng nữa, thì hai ngành này sẽ vẫn bị mất khách.  

Một cách tương tự, cho dù ngành sản xuất rượu vang có đi tìm các biện pháp hỗ trợ, thì giới chuyên ngành cũng chỉ có thể hạn chế thất thu, dựa vào các thanh khoản dự trữ để chịu đựng chờ thời, mong sớm trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy quỹ đoàn kết của Châu Âu cũng như của Pháp đã thi hành một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, thế nhưng nguồn hỗ trợ ở mức 80 triệu euro thật sự chẳng có ý nghĩa gì so với toàn ngành rượu vang, với doanh thu xuất khẩu lên tới gần 14 tỷ euro trong năm 2019.

Sự kiện ngành rượu vang bị mất doanh thu xuất khẩu, đồng thời mức tiêu thụ nội địa cũng sút giảm (từ 8% đến 10% trong khối 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu), giải thích phần nào vì sao nhiều hội chợ rượu vang đang được kéo dài hơn dự kiến tại Pháp. Một số cửa hàng như Lavinia, Nicolas, Cave Legrand hay là La Maison des Millésimes nhân dịp này cũng bán rượu vang hay sâm banh thượng hạng (trong đó có các hiệu sâm banh như Henriot hay Heidesick với giá rẻ hơn một phần tư) là cơ hội để cho người tiêu dùng ở Pháp mua ngay từ bây giờ, để dành cho mùa Noël năm nay hoặc là để cất giữ cho tới mùa lễ cuối năm 2021.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.