Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - CHÂU Á - HẠT NHÂN

Nhật Bản : Sự cần thiết của năng lượng hạt nhân

Nhìn từ Châu Âu, bản thân sự kiện này thật là khó hiểu. Chỉ bốn năm sau thảm họa Fukushima và ngay giữa lễ tưởng niệm thảm kịch nguyên tử tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki xảy ra cách đây 70 năm, Nhật Bản đã quyết định tái khởi động một nhà máy điện nguyên tử. Sự việc được nhật báo kinh tế Les Echos (11/08/2015) đề cập trong bài xã luận mang tựa đề « Sự cần thiết của năng lượng hạt nhân ».

Một trung tâm hạt nhân.
Một trung tâm hạt nhân. lenergeek.com
Quảng cáo

Việc cắt đứt cơn đói hạt nhân khi đất nước buộc phải ngưng hoạt động 48 lò phản ứng cách đây hai năm, lẽ hiển nhiên không có được sự nhất trí ủng hộ của công luận Nhật Bản, cho dù số người có thái độ chống đối quyết định của Thủ tướng Nhật Bản chiếm đa số ít ỏi. Nhật Bản đang ở trong tình trạng bế tắc năng lượng đến mức buộc Tokyo phải phớt lờ một hoàn cảnh đầy xúc động. Có hai lý do để giải thích quyết định của chính phủ ông Shinzo Abe.

Thứ nhất, việc Nhật Bản hoàn toàn không có nguồn tài nguyên thiên nhiên buộc nước này phải phát triển năng lượng hạt nhân. Kể từ khi các lò phản ứng ngưng hoạt động, chi phí cho nhập khẩu dầu hỏa đã tăng vọt đến mức không thể nào chịu được nữa. Lý do thứ hai là việc quay lại sử dụng ồ ạt năng lượng hóa thạch làm cho Nhật Bản ngày càng xa vời mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong những năm tới. Đây là điều không thể chấp nhận được vào lúc chỉ còn có vài tháng nữa là sẽ diễn ra thượng đỉnh quốc tế về khí hậu tại Paris.

Hai ràng buộc này chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân hiện nay. Ưu thế cạnh tranh với giá điện rẻ không còn là một lập luận đủ sức thuyết phục để biện minh cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa về an toàn. Hơn nữa, kể từ sau thảm họa Fukushima, tất cả các nước lớn đều đề ra những yêu cầu chặt chẽ về an toàn và như vậy làm tăng giá thành sản xuất điện. Đồng minh tốt nhất của năng lượng nguyên tử là hiện tượng hâm nóng trái đất. Hiện nay, không một nguồn năng lượng nào khác, ngoài năng lượng hạt nhân, cùng một lúc có thể đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng trên thế giới và không gây ra hậu quả nặng nề trong lĩnh vực phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Không phải là ngẫu nhiên mà trọng tâm của ngành công nghiệp điện nguyên tử di chuyển sang Ấn Độ hoặc Trung Quốc, những nước có tỷ lệ tăng dân số cao và phát triển nhanh. Hiện nay, trên thế giới có 391 lò hạt nhân đang được khai thác. Từ nay đến năm 2040, số lò phản ứng hạt nhân có thể tăng thêm 60%, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các nước đang trỗi dậy. Điểm mới – và đó cũng là điều đáng mừng- là điện hạt nhân không còn được nhìn nhận như là một giải pháp duy nhất để đối phó với thách thức này, mà chỉ là một trong những mắt xích trong chuỗi dây chuyền, trong đó tỷ trọng của năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng.

Có một điểm thay đổi khác nữa là việc xóa bỏ năng lượng hạt nhân không còn được coi như là điều đương nhiên trong mọi chính sách về môi trường, không như một bộ phận của giới môi sinh Pháp vẫn nói. Không cần đến những phát biểu sáo rỗng, Nhật Bản, một đất nước bị tổn thương nặng nề về nguyên tử, vừa mới dạy cho toàn thế giới một bài học đầy tính thực tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.