Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - CHÂU Á - HẠT NHÂN

Nhật Bản : Tương lai nào cho ngành năng lượng hạt nhân ?

Nhật Bản chấm dứt giai đoạn 2 năm không có điện hạt nhân. Giờ đây, Tokyo quyết tâm lấp đầy khoảng trống đó, khi lại tuyên bố là vẫn phải dựa vào năng lượng nguyên tử vì những lý do kinh tế và sinh thái.

Trung tâm khai thác điện hạt nhân Sendai thuộc công ty điện lực Kyushu Electric Power.
Trung tâm khai thác điện hạt nhân Sendai thuộc công ty điện lực Kyushu Electric Power. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Làm thế nào Nhật Bản có thể cung cấp khá đủ điện mà không có một lò phản ứng nào kể từ tháng 9/2013 ?

Theo liên đoàn 10 công ty khai thác điện vùng, trong giai đoạn từ 4/2014 – 3/2015, 91,15% sản lượng điện tại Nhật Bản được sản xuất từ năng lượng hóa thạch, 8,5% từ thủy điện và phần còn lại (0,35%) là từ các nguồn năng lượng khác (mặt trời, phong điện, nhiệt điện).

Các tập đoàn điện đã gia tăng mức sản xuất bằng qua việc sử dụng khí đốt, dầu hỏa và than đá và nhiều cơ sở nhiệt điện đã được tái khởi động để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng hạt nhân, vốn chiếm từ một phần tư đến một phần ba tổng sản lượng điện của Nhật Bản, trước khi tai nạn hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011. Mặt khác, giá điện đã tăng 20% hơn mức bình thường. Điều này đã buộc các doanh nghiệp và các hộ gia đình phải giảm mức tiêu thụ điện.

Nhật Bản đã tốn hết bao nhiêu do thiếu nguồn năng lượng hạt nhân ?

Ông Masakazu Toyoda, chuyên gia Viện kinh tế năng lượng Nhật Bản, trong một báo cáo, đã thẩm định hằng năm chính phủ Nhật Bản phải chi thêm 3.600 tỷ yên (tương đương với khoảng 26,7 tỷ euro) để mua nhiên liệu sản xuất điện, bù đắp thiếu hụt. Ông cho biết thêm là việc thiếu nguồn năng lượng hạt nhân đã gây ra những khoản thâm hụt cán cân thương mại quan trọng, cản trở các hoạt động sản xuất trên quần đảo và hạn chế nguồn thu thuế (TVA, thuế lợi nhuận doanh nghiệp).

Theo ông Toyoda, trong giai đoạn 1965-2010, giả như Nhật Bản không có năng lượng hạt nhân, đất nước có lẽ sẽ phải chi ra đến 33.000 tỷ yên (245 tỷ euro) cho việc nhập khẩu dầu hỏa. Nhưng khoản tiền « tiết kiệm » được đó có nguy cơ bị bốc hơi đến 2/3 nếu như từ đây cho đến năm 2020 Nhật Bản dừng hoàn toàn hay một phần các lò phản ứng.

Nhật Bản dự tính tỷ trọng năng lượng hạt nhân là bao nhiêu ?

Chính phủ nhắm từ 20-22% là điện hạt nhân, nhằm giảm 26% mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn 2013-2030, theo như các cam kết đưa ra với cộng đồng quốc tế. Tổ chức Bảo vệ Môi trường Greenpeace ước tính chỉ có từ 2-8% là tỷ lệ điện đến từ nguồn hạt nhân, do các vấn đề kỹ thuật, sự phản đối của một số vùng và một bộ phận người dân Nhật Bản.

Bao nhiêu lò phản ứng có thể được tái khởi động ?

Một chuyên gia trong lĩnh vực này nói : « Khó có thể đưa ra một con số cụ thể ». Nếu như bỏ đi 6 lò hạt nhân bị hư hại tại Fukushima Daiichi, cả nước chỉ còn có 48 lò. Nhưng trong số này, có ít nhất 5 lò phải được dỡ bỏ. Trên bình diện kỹ thuật (thời gian sử dụng, vị trí và điều kiện lắp đặt), khoảng hơn 30 lò dường như có thể tái khởi động.

Tuy nhiên, có nhiều tỉnh vẫn còn thái độ ngập ngừng, và việc khởi động lò phải được chính phủ cho phép. Ngược lại, Greenpeace đánh giá là các tập đoàn sẽ không thể nào tái khởi động tất cả các lò phản ứng hạt nhân vẫn còn có thể khai thác được.

Như vậy, các lò phản ứng mới là sẽ rất cần thiết ?

Việc xây dựng các lò phản ứng mới chưa hẳn là cần thiết, « nếu như đề nghị kéo dài thời hạn khai thác đến 60 năm của các tập đoàn điện lực được chấp thuận ». Nhưng vấn đề thay mới sẽ rất cần thiết trước năm 2030, theo như giải thích của cố vấn hạt nhân tại Đại sứ quán Pháp, ông Christophe Xerri tại Nhật Bản với hãng tin Pháp AFP. Lý tưởng nhất là các công ty điện lực muốn ngừng khai thác các lò phản ứng cũ để đổi lấy việc xây dựng các lò hạt nhân kiểu mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.