Vào nội dung chính
PHILIPPINES - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Philippines khẳng định "tiến trình tái lập dân chủ" cần đến Aung San Suu Kyi

Philippines lên án bản án tù của tập đoàn quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, và khẳng định nhà cựu lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc « tái lập dân chủ » tại Miến Điện.

Một cuộc biểu tình phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính tại Manila, Philippines, ngày 11/02/2021.
Một cuộc biểu tình phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính tại Manila, Philippines, ngày 11/02/2021. AP - Aaron Favila
Quảng cáo

Theo AFP, đa số lãnh đạo ASEAN vẫn im lặng trước bản án tù hôm 10/01/2022 của chính quyền quân sự Miến Điện nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, trong lúc nhiều nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Na Uy, đã có những chỉ trích. Hôm qua 16/01, chính quyền Philippines phá vỡ không khí im lặng này. 

Ngoại trưởng Phillipines, Teodoro Locsin, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Na Uy, quốc gia chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, chỉ trích mạnh mẽ bản án. Trong một thông điệp trên Twitter, ngoại trưởng Philippines, khẳng định : « Bà Suu Kyi là người không thể thiếu cho việc tái lập nền dân chủ, để nền dân chủ Miến Điện không bị đe dọa bởi tình trạng vô chính phủ, nguy cơ tan rã, nội chiến ». Mặt khác, ngoại trưởng Teodoro Locsin cũng nhấn mạnh là, giới quân sự « không việc gì phải sợ hãi, họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ nền dân chủ » được tái lập. 

Chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Miến Điện hôm 07/01, chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài đến quốc gia này kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bị nhiều chỉ trích, bởi có thể mang lại cho giới tướng lĩnh tính chính đáng, làm xói mòn các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập tập đoàn quân sự Miến Điện.

Theo AFP, về chuyến đi này, ngoại trưởng Philippines một mặt hoan nghênh việc thủ tướng Cam Bốt – quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN - đã thúc đẩy « một số tiến bộ » và nỗ lực của ông Hun Sen đáng được « ủng hộ », nhưng đồng thời nhấn mạnh là Đồng thuận 5 điểm, được các lãnh đạo ASEAN đúc kết tại Jakarta, Indonesia, cuối tháng 4 năm 2021, là « lộ trình duy nhất » nhằm giải quyết khủng hoảng Miến Điện, trong đó việc đặc phái viên của chủ tịch ASEAN gặp gỡ tất cả các bên tranh chấp là một nội dung căn bản.

Theo The Diplomat, bất đồng giữa các nước ASEAN về khủng hoảng Miến Điện rất có thể là điều đã khiến tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi có chuyến công du Cam Bốt trong tuần này (từ 15/01 đến 19/01). 

Trước đó, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc nói chuyện trực tuyến với đồng nhiệm Cam Bốt Hun Sen hôm 14/01, khẳng định ASEAN nên tiếp tục loại đại diện chính quyền quân sự Miến Điện ra khỏi cuộc họp cho đến khi nước này hợp tác về Đồng thuận 5 điểm. Hôm 12/01, bộ Ngoại Giao Cam Bốt đã loan báo hoãn lại hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Cam Bốt vì nhiều ngoại trưởng không thể đến Phnom Penh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.