Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CHÍNH TRỊ

Miến Điện: Tập đoàn quân sự kết án bà Aung San Suu Kyi thêm 4 năm tù

Hôm nay, 10/01/2022, một tòa án của tập đoàn quân sự Miến Điện đã kết án 4 năm tù đối với cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình 76 tuổi với tội danh đã nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm.

Cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi bị tập đoàn quân sự giam giữ từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.
Cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi bị tập đoàn quân sự giam giữ từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021. STR AFP/File
Quảng cáo

Đây chỉ là cáo buộc thứ ba trong số 11 tội danh mà tập đoàn quân sự sử dụng để trừng phạt cựu lãnh đạo chính phủ dân sự, bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, với tổng mức án có thể lên tới hơn 100 năm tù. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên án « một hồi mới trong phiên tòa lố bịch chống lại nhà lãnh đạo chính quyền dân sự ». Các luật sư và đông đảo dân chúng coi phiên tòa này là một « trò hề ».

Thông tín viên Juliette Verlin tường trình từ Rangoon :

« Bản án mới đối với bà Aung San Suu Kyi không khiến ai ngạc nhiên cả. Sau bản án với tội danh kích động bạo lực và không tôn trọng các quy tắc phòng dịch Covid-19, cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện bị phạt tổng cộng sáu năm tù, và chắc chắn là bà Aung San Suu Kyi sẽ bị quản thúc tại gia.

Các phiên tòa xử bà Aung San Suu Kyi diễn ra kín, tại một tòa án đặc biệt được lập ra tại thủ đô Naypyidaw, nơi các lực lượng an ninh được triển khai dày đặc. Việc xét xử có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, bởi còn đến khoảng một chục cáo buộc đang được xem xét.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ghi nhận, với ít nhiều châm biếm, chính tập đoàn quân sự phải tự cáo buộc mình là đã nhập khẩu các máy bộ đàm, bởi vì lực lượng sở hữu các máy bộ đàm là do một bộ thuộc quyền kiểm soát của giới tướng lĩnh bổ nhiệm vào thời điểm đó.

Điều may mắn là, như tổ chức Human Rights Watch nhắc lại, cuộc cách mạng của dân chúng Miến Điện hiện nay không còn phụ thuộc vào một đảng phái duy nhất, hay một lãnh đạo duy nhất. Người dân cũng hình dung là bà Aung San Suu Kyi sẽ phải sống phần còn lại của cuộc đời trong tù. Cuộc cách mạng kể từ giờ được tổ chức như một phong trào quần chúng, tất cả hướng đến mục tiêu duy nhất : Lật đổ tập đoàn quân sự ».

Phán quyết nói trên được đưa ra sau chuyến công du Miến Điện của thủ tướng Cam Bốt, lãnh đạo đầu tiên của ASEAN, cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Miến Điện kể từ đảo chính. Năm 2022, Cam Bốt đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sứ mạng của quốc gia đảm nhiệm vị trí này là thúc đẩy thực thi Thỏa thuận 5 điểm, nhằm giúp Miến Điện ra khỏi khủng hoảng, trong đó có việc đặc sứ của ASEAN gặp gỡ các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Hun Sen đã không yêu cầu gặp bà Aung San Suu Kyi trong chuyến công du quan trọng này. Chuyến thăm này của thủ tướng Cam Bốt bị chỉ trích là một hành động công nhận tập đoàn quân sự Miến Điện, điều mà ngoại trưởng Cam Bốt phủ nhận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.