Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ĐẢO CHÍNH

Miến Điện : Tập đoàn quân sự kết án bà Aung San Suu Kyi 4 năm tù

Bà Aung San Suu Kyi, đồng sáng lập đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), bị kết án bốn năm tù ngày 06/12/2021 vì tội xúi giục gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19. Đây là bản án đầu tiên đối với cựu lãnh đạo Miến Điện, bị tập đoàn quân sự lật đổ từ cuộc đảo chính ngày 01/02.

(Ảnh minh họa) - Người Miến Điện tại Mandalay biểu tình chống tham nhũng, đòi tập đoàn quân sự trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, ngày 05/03/2021.
(Ảnh minh họa) - Người Miến Điện tại Mandalay biểu tình chống tham nhũng, đòi tập đoàn quân sự trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, ngày 05/03/2021. AP
Quảng cáo

Trả lời AFP, ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của tập đoàn quân sự, cho biết bà Aung San Suu Kyi bị « kết án hai năm tù theo điều khoảng 505 (b) và hai năm tù chiểu theo luật về thiên tai ». Cụ thể, cáo buộc kích động gây rối trật tự công cộng liên quan đến những lời lên án giới tướng lĩnh cướp chính quyền, được đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND) đăng sau cuộc đảo chính. Còn cáo buộc vi phạm quy định phòng dịch liên quan đến việc tổ chức cuộc bầu cử lập pháp năm 2020 với chiến thắng áp đảo cho đảng LND nhưng bị tập đoàn quân sự cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác, như nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, phản loạn, tham nhũng, gian lận bầu cử… Với tất cả những cáo buộc trên, tập đoàn quân sự Miến Điện muốn nhà cựu lãnh đạo dân chủ chịu án tù mãn đời và như vậy loại hẳn đối thủ khỏi chính trường.

Cựu tổng thống Win Myint cũng bị kết án tương tự trong phiên xử ngày 06/12. Nhưng cả hai cựu lãnh đạo vẫn tại ngoại ở Naypyidaw và « sẽ phải đối mặt với những cáo trạng khác tại nơi họ đang sống », theo phát ngôn viên Zaw Min Tun, nhưng ông không nêu thêm chi tiết.

Chuyên gia Richard Horsey, thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho rằng các cáo buộc trên « thể hiện sự trả thù và quyền lực của giới tướng lĩnh ». Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi có thể không phải ngồi tù mà « sẽ thi hành án tại nhà riêng hoặc trong một « nhà khách » do chế độ chỉ định ».

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án các cáo buộc « xảo quyệt » nhắm vào bà Aung San Suu Kyi là nhằm loại bỏ đối lập chính trị và bóp nghẹt các quyền tự do. Ngoại trưởng Anh Liz Trus cũng lên án tương tự, đồng thời kêu gọi chế độ « trả tự do cho các tù nhân chính trị, tái lập đối thoại và dân chủ. Việc bắt giữ tùy tiện các nhà chính trị chỉ gây thêm bất ổn ».

Các cuộc biểu tình đòi dân chủ và trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, dù ở quy mô nhỏ, vẫn diễn ra bất chấp đàn áp của tập đoàn quân sự. Trong vụ tông xe vào đoàn người biểu tình tại Rangoon ngày 05/12, số nạn nhân tử vong đã tăng lên thành 5 người. Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Miến Điện trừng phạt bất kỳ ai lạm dung vũ lực đối với thường dân không vũ khí.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.