Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Vụ Pegasus : Tổng thống Pháp, mục tiêu di động của Maroc

Những phát giác về phần mềm gián điệp Pegasus, cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn tiếp diễn là nhưng chủ đề  chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay. Đặc biệt, báo chí Pháp đang xôn xao với tiết lộ mới : tổng thống Emmanuel Macron và nhiều quan chức chính phủ Pháp cũng là mục tiêu theo dõi của mật vụ Maroc.

Israel bị cáo buộc cung cấp phần mềm « Pegasus » cho nhiều quốc gia, sử dụng để chống các nhà đấu tranh, nhà báo và nhiều lãnh đạo chính trị. Ảnh minh họa.
Israel bị cáo buộc cung cấp phần mềm « Pegasus » cho nhiều quốc gia, sử dụng để chống các nhà đấu tranh, nhà báo và nhiều lãnh đạo chính trị. Ảnh minh họa. © Crédit : Thomas Samson/ AFP
Quảng cáo

Trang nhất nhật báo Liberation chạy tựa : « Gián điệp : Macron rơi vào tầm ngắm của Maroc ». Đây là những tình tiết trong cuộc điều tra của Forbidden Stories và Amnesty International, đã được báo Le Monde công bố hôm qua, theo đó tình báo của vương quốc Maroc đã đặt điện thoại cá nhân của tổng thống Pháp trong diện theo dõi. Ngoài ra, còn có thủ tướng và hơn chục bộ trưởng khác cũng trong tầm ngắm của mật vụ Maroc, một quốc gia vốn vẫn được coi là bạn hữu, nếu không muốn nói là đồng minh của Pháp. 

Sau tiết lộ của Le Monde, phủ tổng thống Pháp, điện Elysées đã phản ứng rằng « nếu các sự việc trên được xác thực, thì sẽ rất nghiêm trọng. Cần phải làm sáng tỏ mọi chuyện trong những phát hiện này ». Trong khi đó NSO, tác giả và nhà phân phối phần mềm gián điệp thì quả quyết rằng tổng thống Emmanuel Macron chưa bao giờ là mục tiêu mà các khách hàng của công ty chọn lọc. Maroc vẫn chưa có phản ứng nào. Nhưng từ đầu các phát giác, họ đã phủ nhận không sử dụng phần mềm Pegasus.

Theo phát giác của Forbidden Stories, yêu cầu giám sát các quan chức Nhà nước Pháp đã có từ tháng 3/2019. Trong số 50 nghìn số điện thoại hiện trong cơ sở dữ liệu của Pegasus có khoảng 10 nghìn số do Maroc đưa vào. Theo các điều tra của hiệp hội báo chí, trong đó có các số máy của các nhà báo Maroc, Pháp, của nhiều quan chức chính trị của vương quốc cũng như các lãnh đạo của Pháp. Tổng thống Pháp không phải là mục tiêu duy nhất, mà bên cạnh ông còn có hơn chục bộ trưởng và nhiều nhân vật thuộc các đảng phái chính trị khác nhau. Dư luận đang chờ xem sau những phát giác này, Pháp - Maroc sẽ nói thế nào về tình hữu nghị đã có từ lâu đời nay giữa hai nước.

NSO Group đi đầu trong lĩnh vực gián điệp công nghệ cao

Cũng trong dòng thời sự vụ bê bối Pegasus, Le Monde dành hồ sơ chính để giải thích NSO đã gây đại náo lĩnh vực gián điệp như thế nào. Bài viết chiếm hai trang báo của nhật báo cho biết, NSO Group được thành lập năm 2009, nhưng chỉ trong vòng 10 năm, mặc dù bị dính vào nhiều vụ bê bối vi phạm nhân quyền, nhưng công ty của Israel này đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực theo dõi, giám sát điện thoại trên thế giới. Giải pháp công nghệ của công ty này ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều chính phủ. Le Monde lưu ý là khác với các công cụ giám sát trên mạng, Pegasus được thiết kế không phải do một tin tặc đơn lẻ hay cơ quan tình báo của một số nước, đây là sản phẩm chính của một công ty tư nhân NSO Group, đã được bán cho 40 quốc gia trên thế giới.

Theo Le Monde, Pegasus cho phép những nước tuy không có được khả năng kiểm soát không gian mạng như các nước công nghệ tin học phát triển, vẫn có thể xây dựng được tiềm lực gián điệp điện tử, chỉ cần chi vài chục triệu đô la mỗi năm.  Ngoài ra Le Monde  còn dành hai bài viết dẫn ra trường hợp ở Ấn Độ, Pegasus « là phần mềm phục vụ thủ tướng », còn Mêhicô thì nhờ Pegasus trở thành « Nhà nước gián điệp hàng đầu ».

Pháp : Biến thể Delta, cuộc đua nước rút vượt chướng ngại vật

Chuyển sang một sự kiện khác diễn ra trong ngày đang được các báo và dư luận Pháp quan tâm nhiều. Cuộc chạy đua của chính phủ Pháp với Covid chưa thể chấm dứt mà còn có thể gay go hơn mùa hè này. Hôm nay chính phủ Pháp phải ra những quyết định cụ thể về áp dụng giấy chứng nhận y tế, và vấn đề tiêm chủng bắt buộc đối với một số đối tượng, trong lúc đang có dấu hiệu một đợt dịch mới với biến thể virus Delta đang bùng trở lại.

Nhật báo Le Figaro nhận xét chính phủ Pháp đang trong thế tiến thoái lưỡng nan trong việc chuẩn bị một dự luật để tăng tốc tiêm chủng, mặt khác lại phải xem xét đến khả năng trở lại một số biện pháp hạn chế phòng dịch, mà dân chúng vừa được thoát khỏi chưa đầy 1 tháng. Les Echos chạy tựa : « Covid 19 : Hành pháp một lần nữa lại bị áp lực rất lớn ». Tờ báo nhận thấy chính phủ Pháp đang như trong một cuộc chạy đua nước rút vượt chướng ngại vật.

Dự luật tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế, mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế, cách ly bắt buộc với bênh nhân Covid… Đó là những nội dung mà chính phủ phải chuyển qua Quốc Hội ngày hôm nay để cơ quan lập pháp đến cuối tuần thông qua. Trong khi đó thì thủ tướng Pháp cảnh báo « tình hình dịch bệnh của Pháp một lần nữa cực kỳ đáng lo ngại ». Biến thể Delta đã làm số ca nhiễm mới tại Pháp trong tuần qua tăng trở lại, với mức độ báo động ở một số vùng, có nơi tăng 500% trong một tuần.

Các báo ghi nhận, về chủ trương tiêm chủng, có vẻ như tất cả các đảng phái chính trị đều nhất trí với chính phủ. Nhưng chuyện mở rộng phạm vi áp dụng giấy chứng nhận y tế, một cách tạo áp lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm vac-xin, thì lại tiếp tục gây tranh cãi gay gắt trong chính giới và đang vấp phải sự phản kháng của một bộ phận dân chúng.

Du lịch châu Âu vừa hé mở có nguy cơ đóng lại

Le Figaro quan tâm đến số phận ngành du lịch châu Âu qua tựa chính trang nhất : « Châu Âu : Ngành du lịch khởi động trở lại trong tình trạng nhốn nháo ». Nhật báo Le Figaro ghi nhận, mùa du lịch năm nay được khởi động khá tốt ở một số nước như Ý hay Hy Lạp. Trong khi đó Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lại hứng đòn của biến thể Delta. Nhiều nước lại rục rịch trở lại với các biện pháp hạn chế y tế, có thể làm cản trở du khách. Nỗi lo dịch bùng lên có thể sẽ chặn đà phục hồi ngành du lịch, vừa manh nha hoạt động trở lại sau một thời gian dài nằm im. Trong lúc một mùa hè đang mở ra cho một số nước Nam Âu với những hy vọng hồi phục sau dịch thì biến chủng Delta lại nổi lên ở khắp châu Âu đe dọa đưa ngành du lịch các nước trở lại thời điểm cách đây hơn một năm.

Úc : Pháo đài chống Covid-19

Về chủ đề dịch Covid 19, Le Figaro nhìn qua nước Úc. Theo ghi nhận của tờ báo thì đất nước rộng lớn nằm bên bờ Thái Bình Dương này, từ tháng 3/2020 đã tự cô lập để chống dịch. Với quyết tâm thanh toán triệt để Covid-19, có thể người dân Úc còn phải sống thêm một năm nữa trong hoàn cảnh khép kín với thế giới bên ngoài. Các biện pháp mạnh từ đầu đại dịch đã làm cho nhiều người nước ngoài sống tại Úc cũng như công dân Úc đang ở nước ngoài rơi vào thế mắc kẹt.

Ngay từ tháng 3/2020, Úc đã ra lệnh cấm đi lại triệt để : Không ai ngoài dân Úc được nhập cảnh. Để rời khỏi đất nước, những người cư trú thường xuyên cũng như người mang quốc tịch Úc phải xin phép, chỉ có lý do thật sự cần thiết mới được chấp nhận. Chính phủ cho rằng những biện pháp này đã giúp Úc hạn chế đáng kể hậu quả của Covid-19 và có thể không chế được dịch.

Thế nhưng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi biến thể Delta xuất hiện. Nhiều thành phố lớn của Úc như Sydney, Melburne, đã nhanh chóng bị phong tỏa. Chính phủ chủ trương hạn chế số người Úc được trở về nước, chỉ cho mỗi tuần khoảng 3.000 người.  Chính vì chính sách này mà từ một năm rưỡi nay, vẫn còn 35 nghìn dân Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài. Le Figaro cho hay, đại đa số dân Úc (70%) ủng hộ các biện pháp triệt để của chính phủ như đóng cửa biên giới.

Olympic Tokyo 2020 ảm đạm sát ngày khai mạc

Trở lại với nhật báo Libération. Tờ báo dành sự chú ý cho Thế Vận Hội mùa hè Tokyo, sự kiện thể thao lớn đang đến gần trong nỗi lo dịch bệnh đè nặng. Libération cho hay, hai ngày trước lễ khai mạc, nhiều chuyên gia lên tiếng báo động về những kẽ hở trong quy định phòng dịch đang được triển khai có thể làm bùng nổ các ca nhiễm theo cấp số nhân trong những ngày tới. Một số ca nhiễm Covid-19 đã được phát hiện ngay trong làng vận động viên.

Mặc dù ban tổ chức Thế vận Hội Tokyo đã ban hành cả một núi các quy định phòng dịch, kiểm soát các ca nhiễm nhưng, theo Libération, từ đầu tháng 7 đến giờ đã ghi nhận 70 ca Covid liên quan đến những người tham gia sự kiện, trong đó có 4 vận động viên vừa đến làng Olympic. Giới chuyên gia dịch tễ Nhật dự tính số lượng ca nhiễm mới ở Tokyo sẽ đạt tới 3000 ca mỗi ngày trong những tuần tới đây. Theo tờ báo, thách thức sắp tới đối với chính phủ và các nhà tổ chức sẽ là làm sao tránh phải ngừng sự kiện giữa chừng.

Lại có thêm du khách bay vào vũ trụ

Hầu hết các báo Pháp đều thông tin về sự kiện nhà sáng lập Amazon, tỷ phú Jeff Bezos, hôm qua đã cùng ba người khác bay thành công trong chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trên phi thuyền Blue Origin. Họ là những nhà du hành vũ trụ hay đúng hơn là những du khách của vũ trụ. Chuyến bay chỉ kéo dài 11 phút, nhưng mở ra những hy vọng mới cho ngành du lịch vũ trụ đang bắt đầu hình thành. 

Le Figaro ghi nhận, năm 2021 có thể sẽ lưu vào lịch sử là năm khởi đầu cho một tiến trình dân chủ hóacho ngành du lịch trong không gian. Sau chuyến bay đầu tiên của chiếc tàu bay vũ trụ Virgin Galactic hôm 11/07 của tỷ phú  Richard Branson vào vũ trụ, hôm qua (20/07) đến lượt phi thuyền Blue Origin lại đưa thêm 4 khách mới vào không gian. Trong chưa đầy 10 ngày, đã có 8 công dân của trái đất được trải nghiệm tình trạng không trọng lượng và ngắm nhìn trái đất từ vũ trụ. Sắp tới đây sẽ còn nhiều chuyến bay mới vào vũ trụ được thực hiện. Đã có khoảng 600 người sẵn sàng bỏ ra 250 nghìn đô la để chờ có vé du hành vào không gian.

Một ngành du lịch vũ trụ đang hình thành với một tương lai rộng mở sau những dự án mở đường của các nhà tỷ phú Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk. Bây giờ không mấy ai còn gọi đó là những dự án viễn tưởng hay điên rồ nữa. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.