Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Putin, Trump : Hai nhân vật phản diện khiến châu Âu lo tái vũ trang

Châu Âu tái vũ trang trước nguy cơ chiến tranh là đề tài được chú ý hôm nay 02/05/2024. Xã luận của Le Figaro nhận xét, phải cần đến hai « nhân vật phản diện » để châu Âu tỉnh giấc. Đó là Vladimir Putin - kẻ tìm cách hủy diệt Ukraina, và Donald Trump-  đang tràn trề hy vọng quay lại Nhà Trắng, đã giúp những người ngây thơ mở mắt.

Ảnh minh họa : Một tàu điện đi ngang qua Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại Frankfurt (Đức), ngày 14/12/2023. Trước nguy cơ chiến tranh, ngân sách quốc phòng các nước EU gần đây đều tăng lên.
Ảnh minh họa : Một tàu điện đi ngang qua Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại Frankfurt (Đức), ngày 14/12/2023. Trước nguy cơ chiến tranh, ngân sách quốc phòng các nước EU gần đây đều tăng lên. AP - Michael Probst
Quảng cáo

Le Figaro nhận định, trước cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina và khả năng Mỹ co cụm lại nếu Donald Trump lên nắm quyền, chi quân sự trong Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã tăng thêm 6 % để đạt đến con số 270 tỉ euro trong năm 2023.

Quốc phòng : Từ đề tài cấm kỵ trở thành thiết yếu với EU

Phải chăng kỳ họp sắp tới của Ủy Ban Châu Âu sẽ tập trung cho an ninh quốc phòng ? Mong muốn của Pháp từ 30 năm qua về năng lực quốc phòng độc lập với « chiếc dù » NATO những tháng gần đây đã được ủng hộ. Từ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến đại diện ngoại giao Josep Borrell và một số chính quyền châu Âu nay cho rằng EU cần tự bảo đảm an ninh của mình.

Các Nhà nước châu Âu đã cung cấp tiền và vũ khí cho quân đội Ukraina, gián tiếp liên quan đến số phận của Kiev. Cuộc xâm lăng cũng làm bộc lộ sự thiếu chuẩn bị của EU, đặc biệt về kỹ nghệ : Chỉ phân nửa trong số 1 triệu quả đạn pháo được giao cho Kiev. Một số nước mua vũ khí, đạn dược của Mỹ, chưa đầy 22 % số khí tài mua từ các công ty châu Âu.

Suốt một thời gian dài, EU tự hài lòng với sự che chở của NATO và bộ máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ. Ngày 10/02, Donald Trump đe dọa sẽ « không bảo vệ » những đồng minh châu Âu nào không đóng góp đủ cho Liên minh, trong trường hợp Nga tấn công. Trong số 32 nước NATO có 23 nước là thành viên EU, và năm 2023 chỉ có 10 trong số đó đạt mục tiêu dành 2 % GDP cho quốc phòng. Giờ đây nhiều nước đã tăng chi, riêng Thụy Điển dành đến trên 30 %. Đức có sự chuyển hướng lịch sử khi đạt mức 2 % nhờ « quỹ đặc biệt » 100 tỉ euro mà thủ tướng Olaf Scholz loan báo.

Thay đổi quan trọng về định chế là ủy viên EU phụ trách ngân sách Johannes Hahn đề nghị đầu tư quy mô cho quốc phòng và mua chung vũ khí. Vấn đề còn lại là ngân sách EU còn quá hạn hẹp. Mỗi nước có chương trình quân sự khác nhau và sự thiếu phối hợp khiến EU không thể có kỹ nghệ quốc phòng tập trung như Hoa Kỳ. Dù vậy EU chừng như đã quyết tâm trở thành một sức mạnh quân sự. Cách đây đúng 20 năm, EU kết nạp thêm mười nước Đông Âu trong đó có 8 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và ngày nay hùng mạnh không chỉ về kinh tế mà còn về năng lực tự vệ.

Quốc phòng châu Âu và chiếc chìa khóa Mỹ

Xã luận của Le Figaro nhận xét, phải cần đến hai « nhân vật phản diện » để châu Âu tỉnh giấc. Đó là Vladimir Putin - kẻ tìm cách hủy diệt Ukraina đồng thời đe dọa châu lục lâu dài ; và Donald Trump – đang tràn trề hy vọng quay lại Nhà Trắng, đã giúp những người ngây thơ mở mắt. Giữa một đối thủ đã tuyên bố và một đồng minh không chắc có thể trông cậy, không có cách nào khác là phải tự lực.

Lần đầu tiên châu Âu tái vũ trang kể từ sau chiến tranh lạnh, thậm chí còn có sự cạnh tranh xem nước nào sở hữu vũ khí hữu hiệu nhất trong thập niên tới. Nhưng chỉ riêng tiền bạc không giải quyết được bài toán chiến lược nhằm nâng tầm EU. Đức đã bỏ ra 100 tỉ euro, nhưng kết quả ra sao ? Các đơn đặt hàng vào tay Mỹ, còn Quốc Hội vẫn chia rẽ. Một châu Âu quốc phòng mà Emmanuel Macron không ngừng cổ vũ phải bắt đầu bằng một cuộc cách mạng kỹ nghệ. Cần tổ chức sản xuất tại châu Âu, tạo ra một thị trường lớn tầm cỡ quốc tế.

Việc này là khẩn cấp : Mỗi ngày Ukraina đều bị mất đất vào tay quân Nga. Sự khả tín về phòng vệ của châu Âu được đánh cược tại đây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh nóng đang làm phức tạp thêm sự chuyển đối địa chính trị. Bởi vì một trong hai chiếc chìa khóa nằm tại Washington : đồng minh Mỹ chưa bao giờ hữu ích đến thế, và cũng chưa bao giờ cần bỏ qua đến thế. Nỗ lực về kinh tế của cựu lục địa cần đi kèm với sự xem xét lại chiến lược của đôi bờ Đại Tây Dương. Hoa Kỳ liệu có sẵn sàng để cho châu Âu tự tháo cũi sổ lồng, và về lâu về dài sẽ mất đi khách hàng quan trọng về thiết bị quân sự NATO ? Bị dồn vào chân tường, ngay cả Donald Trump cũng sẽ cảm thấy ngậm ngùi.

Ukraina thiếu quân trầm trọng

Tại Ukraina, quân số quá ít ỏi trước quân Nga là một điểm yếu khác của Kiev, trong khi chính quyền luôn ngần ngại không muốn đẩy mạnh tốc độ động viên. Làm thế nào hồi giữa tháng Tư quân Nga trong vài ngày có thể vượt được 5 kilomet để chiếm làng Otcheretyné nằm trên một ngọn đồi cao 200 mét ? Trước hết là do Ukraina quá thiếu đạn pháo và hỏa tiễn phòng không, mỗi khi muốn bắn trả đều phải được chỉ huy cho phép. Hệ thống chiến hào thì được đào đắp muộn màng. La Croix nhấn mạnh, nhưng nhất là những tháng gần đây rất thiếu quân.

Rob Lee, nhà phân tích quân sự của Foreign Policy Research Institute nhận định, hiện nay Ukraina không huy động đủ binh lính để bù đắp vào số thiệt hại, chưa nói đến việc chuyển sang thế công. Hôm 11/04, trung tướng Yuri Sodol báo cáo trước Quốc Hội, một đội hình nay chỉ còn hai người, cao lắm là được ba, bốn, trong khi bình thường phải từ tám đến mười. Thay vì có thể bảo vệ 15 kilomet chiến tuyến, một lữ đoàn nay chỉ giữ được 5 kilomet, khiến quân đội Ukraina phải điều thêm hai lữ đoàn lẽ ra được nghỉ ngơi hay huấn luyện ở phía sau. Địch thủ biết rằng Ukraina không đủ quân nên có thể thong thả chuẩn bị và chọn lựa những điểm để tấn công.

Dù bên quân đội không ngừng đòi hỏi, chính quyền Kiev vẫn do dự. Mãi đến 16/04 một dự luật mới được thông qua, giảm tuổi động viên từ 27 xuống 25 và mở rộng quyền cho tiểu ban tuyển quân. Một số khuôn mặt thân cận với giới quân sự cho rằng tuổi động viên tối thiểu phải là 20, và đã quá trễ để chận đà tiến của quân Nga trong hai tuần qua. Chiến trường quá ác liệt và không có hy vọng ra quân khiến chỉ 20 % nam giới từ 25 đến 59 tuổi muốn nhập ngũ.

Ông Rob Lee dự báo lợi thế về đạn pháo của Nga sẽ giảm xuống khi viện trợ Mỹ bắt đầu đến, vấn đề sẽ là nhân sự. Ukraina có thể giải quyết được vấn đề động viên, và Nga có thể tiếp tục bắt lính với cùng nhịp độ hay không ? Tháng Năm này có thể là tháng khó khăn nhất cho Kiev kể từ đầu cuộc xâm lăng.

Thường dân Ba Lan tập chiến đấu vào cuối tuần

Tại nước láng giềng Ba Lan, Le Figaro cho biết từ 2016, lực lượng nhân dân tự vệ đã được thành lập, thu hút 40.000 công dân. Họ được huấn luyện cơ bản trong hai tuần, sau đó mỗi tháng lại dành hai ngày để tập cách sử dụng súng, cứu thương và cách đối phó trong tình trạng chiến tranh. Rút ra bài học từ Ukraina, Ba Lan nay có được một lực lượng dự bị, và hy vọng quân đội sẽ tăng gấp đôi từ nay đến 2035, tuy không tái lập nghĩa vụ quân sự vốn đã bị hủy bỏ từ năm 2008. Đội ngũ nhân dân tự vệ đến từ nhiều nguồn : sinh viên, giáo viên, luật sư…

Pháp dẫn đầu châu Âu về đầu tư, quân đội được ưu ái hơn 

Tại Pháp, trước những mối đe dọa hiện nay, phe dân sự và quân sự đã xích gần lại với nhau. Tướng Burkhard, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội, trong một cuốn sách mới xuất bản, đã chua chát nhận xét : « Chúng tôi đi vào chiến tranh trong sự thờ ơ hoàn toàn ». Từ khi Ukraina bị Nga xâm lược, vấn đề an ninh nay được coi là hàng đầu.

Quân đội không ngần ngại đón nhận các thực tập sinh từ Viện Dịch vụ công quốc gia, tức trường ENA cũ. Giới tinh hoa tương lai, những người có thể mai đây sẽ quyết định ngân sách của quân đội, trong bộ quân phục rằn ri và áo giáp tập bắn súng, cứu thương, đưa ra quyết định chiến thuật…Và một số có thể gia nhập đội ngũ quân dự bị - được bộ Quân Lực ấn định mục tiêu là 100.000 quân đến năm 2035.

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos, Le Figaro La Croix đều nhấn mạnh đến một tin vui là Pháp trong năm năm liền tiếp tục dẫn đầu châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2023, có 1.193 dự án đầu tư vào Pháp, đứng trên Anh và Đức.  Les Echos cho rằng đây là một trong những nghịch lý của Pháp : bị chỉ trích ở trong nước nhưng vẫn được nhà đầu tư ngoại quốc coi là quốc gia đầy hấp dẫn. Năm ngoái nguồn vốn từ các nước đã giúp tạo ra hoặc duy trì gần 40.000 việc làm, tổng cộng 530 nhà máy sẽ được dựng lên hoặc mở rộng trên đất Pháp. Có đến 45 % vốn đầu tư đổ vào vùng nông thôn hoặc những thành phố trung bình, 76 % nhà lãnh đạo ngoại quốc vẫn coi Pháp là nơi thuận lợi để đầu tư trong ba năm tới.

Biểu tình Hồi Giáo ở Đức, phong trào ủng hộ Palestine tại Mỹ

Cũng ở châu Âu, La Croix cho biết một cuộc biểu tình Hồi Giáo đã gây phẫn nộ tại nước Đức. Hôm thứ Bảy 27/04, 80 phụ nữ trùm khăn choàng Hồi Giáo và 1.000 người đàn ông đã biểu tình ở Hambourg, thành phố cảng lớn ở miền bắc.Trong cuộc xuống đường do « Muslim Interaktiv » - thân cận với Huynh Đệ Hồi Giáo và đã bị xếp loại cực đoan - tổ chức, có thể đọc thấy những biểu ngữ như « Vương quốc Hồi Giáo là giải pháp », « Đức, nước độc tài về các giá trị » … đồng thời kêu gọi ủng hộ người Palestine.

Những khẩu hiệu quá đáng và hình ảnh cuộc biểu tình này trên mạng xã hội đã làm dấy lên một làn sóng giận dữ. Cánh hữu và cực hữu chỉ trích dữ dội nhất, đòi trục xuất những người nước ngoài không tôn trọng các giá trị của nền Cộng hòa, đồng thời phê phán chính quyền thành phố Hamburg không cấm cuộc biểu tình này. Chuyên gia Michael Kiefer coi Muslim Interaktiv là đặc biệt nguy hiểm, vì rất có tổ chức, rất năng động và chuyên nghiệp trên các mạng xã hội. Nhìn rộng hơn, nhiều cơ quan tình báo nhận thấy mối nguy Hồi Giáo đang tăng cao từ khi chiến tranh nổ ra giữa Israel và Hamas

Tại Hoa Kỳ, Les Echos cho biết tối thứ Ba 30/04 là một đêm rất « nóng » ở các trường đại học, từ New York đến Los Angeles. Ở Columbia, tâm chấn của phong trào sinh viên ủng hộ Palestine, cảnh sát được triển khai và cuối cùng 300 người bị bắt, các lều dựng trên sân cỏ bị tháo dỡ. Những vụ đụng độ xảy ra giữa người biểu tình thân Palestine và phản biểu tình. Thị trưởng New York cảnh báo sinh viên về sự hiện diện của « những kẻ chuyên phá rối từ bên ngoài ». Để làm giảm áp lực, các trường đại học áp dụng một loạt biện pháp : hình ảnh người biểu tình phá cửa, đập bể kiếng…khiến một bộ phận dư luận ngả sang phía khác, dùng hình thức kỷ luật trong khi học phí có thể lên đến 80.000 đô la một năm…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.