Vào nội dung chính
GIÁN ĐIỆP MẠNG - PHÁP LÝ

Vụ Pegasus và khoảng trống trong quy định pháp lý quốc tế

Các phát giác liên quan đến việc sử dụng phần mềm Pegasus để theo dõi các nhà đấu tranh, nhà chính trị và nhà báo ở nhiều nước đã để lộ ra một khoảng trống luật pháp quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ thông tin. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đòi hỏi phải có một khung luật thích hợp, nhưng điều này lại vấp phải những lợi ích quốc gia.

Vụ phát giác phần mềm gián điệp qua điện thoại di động của NSO Group đang gây rúng động dư luận quốc tế.
Vụ phát giác phần mềm gián điệp qua điện thoại di động của NSO Group đang gây rúng động dư luận quốc tế. AFP - JACK GUEZ
Quảng cáo

Hàng chục nhà báo từ France24, Mediapart, AFP của Pháp hay của các hãng truyền thông lớn của Mỹ như CNN hay Wall Street Journal bị các chính phủ chuyên chế theo dõi gián điệp nhờ phần mềm Pegasus, một sản phẩm công nghệ số hết sức tinh vi của công ty Israel NSO Group. Phát giác của Forbidden Stories và Amnesty International, tung ra từ hôm Chủ Nhật 18/07 đang làm rúng động dư luận cũng như chính phủ khắp nơi trên thế giới.

« Việc này phải được kiểm tra », nếu có thực thì « đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được », ngay hôm sau, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố như trên khi đang công du Praha, Cộng Hòa Séc.  Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal cũng khẳng định trên sóng đài phát thanh Franceinfo rằng « Đó là những sự việc cực kỳ sốc và nếu đúng thì cực kỳ nghiêm trọng ». Quan chức Pháp nói thêm, chắc chắn sẽ cần phải có các điều tra làm sáng tỏ sự việc.

Chưa cần phải có phản ứng ở cấp độ ngoại giao, ít nhất có hai cơ quan truyền thông Pháp nạn nhân trực tiếp của vụ việc là Mediapart và tuần báo trào phúng Le Canard enchainé, hôm qua đã thông báo, sẽ khởi kiện tại Paris sau các điều tra khẳng định điện thoại của một số nhà báo của họ đã bị chính quyền Maroc theo dõi. Tuy nhiên các đơn kiện như vậy có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại khi vấn đề liên quan đến các yếu tố nước ngoài.

Luật sư Luc-Marie Augagneur, chuyên về luật liên quan đến công nghệ thông tin mới giải thích : « Sẽ không đơn giản cho thẩm phán thụ lý vì sẽ bắt buộc phải khởi động các quy định hợp tác pháp lý với những nước có liên quan. Vấn đề ở đây liên quan đến các Nhà nước. Khó tưởng tượng ra được Israel hay những nước như Maroc hợp tác đầy đủ trong điều tra ».

Lệnh tạm dừng mua bán thiết bị giám sát theo dõi ?

Cũng như Hungary bị nêu danh trong các phát giác, Maroc đã nhanh chóng ra thông cáo phủ nhận các thông tin cho rằng các cơ quan mật vụ của vương quốc này đã xâm nhập vào máy điện thoại của nhiều nhân vật chính trị trong và ngoài nước và những quan chức của nhiềuc tổ chức quốc tế thông qua phần mềm gián điệp Pegasus.

Sẽ phải mất nhiều năm để điều tra. Tháng 6 vừa qua, tư pháp của Pháp đã khởi tố 4 lãnh đạo công ty Pháp Amesys/Nexa, vì đã bán một phần mềm theo dõi thông tin cho chính quyền Kadhafi của Libya và cho Ai Cập của tổng thống Sissi. Quyết định trên chỉ được đưa ra  sau 8 năm thụ lý điều tra vụ việc.

Trong khi chờ đợi, các nhà bảo vệ nhân quyền hy vọng vụ Pegasus sẽ tạo một bước đột phá trong nhiều chính phủ. Tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế đã trực tiếp tham gia vào cuộc điều tra về Pegasus. Họ đã phân tích những dữ liệu điện thoại là nạn nhân của vụ gián điệp mạng này để sau đó chuyển cho các đối tác truyền thông của Forbidden Stories. Amnesty International cho rằng phải khẩn cấp « huy động tối đa công dân và chính phủ các nước » trong cuộc đấu tranh này.

«  Giờ đây việc mua bán và chuyển giao công nghệ các thiết bị giám sát diễn ra không hề được kiểm soát, điều chỉnh, đây là điều đáng tiếc…. Chúng tôi đề nghị các quốc gia cho triển khai một hệ thống pháp lý để quản lý việc mua bán và chuyển giao các thiết bị như vậy », bà Katia Roux, một người có trách nhiệm của Amnesty International nhấn mạnh.

Hiện tại, việc xuất khẩu vũ khí quy ước và các thiết bị cũng như công nghệ có tính năng sử dụng kép, trong quân sự và dân sự, vẫn có thể được điều chỉnh  bởi Cam kết Wassenaar, thiết lập năm 1996. Có điều là chỉ có 42 quốc gia ký cam kết, Israel, Maroc và Hungary không tham gia. Ngoài ra khái niệm cụ thể trong văn kiện này về những thiết bị có thể sử dụng cùng lúc hai mục đích không dùng được cho trường hợp phần mềm Pegasus.

Hơn nữa, trong thế giới thông tin tình báo, chạy đua công nghệ đang trở thành thách thức chính giữa các quốc gia thì khó có thể thấy được những tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế. Israel vẫn để mặc công ty NSO Group của họ tự do làm ăn với bất kỳ khách hàng nào.

Không có quyết tâm chính trị 

Sau những phát hiện lần đầu, năm 2019 Amnesty International đã khởi kiện bộ Quốc Phòng Israel để cấm NSO Group xuất khẩu sản phẩm « gián điệp mạng ». Nhưng tư pháp Israel đã bác bỏ đơn kiện này hồi tháng 7/2020, đồng thời nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh minh bạch hóa lĩnh vực giám sát và tăng cường trách nhiệm pháp lý của các tác nhân trong lĩnh vực.

Cảm thấy hoàn toàn vô can, NSO Group tiếp tục thu lợi từ những vi phạm nhân quyền. Không có chuyển biến gì từ đó đến nay. Đầu năm nay, công ty NSO đã công bố một báo cáo nhằm công khai các hoạt động của họ. Nhưng cuộc điều tra mới đây đã phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố của NSO. Trong khi công ty khẳng định hành động trong sự tôn trọng các quyền cơ bản, trên thực tế hãng tiếp tục hợp tác bí mật với các quốc gia đang theo dõi những nhà báo và nhà hoạt động.

Hôm 19/07, tập đoàn NSO đã bác bỏ các cáo buộc từ cuộc điều tra của hiệp hội truyền thông quốc tế. Theo NSO, những thông tin của cuộc điều tra chứa đựng « đầy rẫy những suy đoán sai và lý thuyết không xác thực ».

Nhưng ngoài Israel hay các quốc gia là khách hàng của NSO Group, liệu có khả năng các nước phương Tây như Pháp, tháng 7 tới sẽ làm nắm quyền chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có nắm bắt vấn đề này hay không ? Bà Katia Roux của Amnesty International nhận thấy « hiện giờ không có quyết tâm chính trị nào để điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này ».

 Vấn đề bán vũ khí và các sản phẩm thiết bị có mục đích sử dụng kép trong quân sự và dân sự vẫn là chủ đề nhạy cảm, nhất là khi các tác nhân Pháp đã cắm chân trên thị trường theo dõi trên không gian mạng. Được France 24 đặt vấn đề, phủ tổng thống Pháp, bộ Châu Âu và Ngoại Giao Pháp đều từ chối trả lời. Các thiết bị công nghệ số để kiểm soát dữ liệu thông tin giờ được coi như là « vũ khí » mới trên không gian mạng đang được nhiều nước phát triển đầu tư mạnh. Quản lý mục đích sử dụng các công cụ này cũng là vấn đề mới mẻ.

(Theo France24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.