Vào nội dung chính
THỂ THAO - QATAR

Thương vụ Neymar: Qatar không chỉ mua một cầu thủ

Vụ chuyển nhượng danh thủ bóng đá người Brazil Neymar từ câu lạc bộ Barcelona về Paris Saint Germain, câu lạc bộ Pháp, với chi phí khổng lồ chưa từng có đang gây sốt trong dư luận những ngày qua. Vượt qua tầm mức thể thao thuần túy, thương vụ Neymar đang đặt ra những câu hỏi về vai trò của Qatar, ông chủ của đội bóng thủ đô Pháp. Tại sao Qatar lại lao vào vụ đầu tư này bằng mọi giá ? Doha có chiến lược gì ẩn giấu sau thể thao ?

Danh thủ Neymar ra mắt cổ động viên PSG trên sân Parc des Princes, ngày 04/08/2017.
Danh thủ Neymar ra mắt cổ động viên PSG trên sân Parc des Princes, ngày 04/08/2017. @rfi
Quảng cáo

Sau những ồn ào suốt những ngày qua, cuối cùng thì tiền đạo hàng đầu thế giới người Brazil đến từ Barcelona đã ra mắt tại sân Parc des Princes, trong cuộc họp báo chiều ngày 04/08/2018 để chính thức hóa bản hợp đồng lịch sử với câu lạc bộ Paris Saint Germain của ông chủ Qatar.

Barça không ngờ có ngày hôm nay. Bằng cách ấn định điều khoản phá hợp đồng với danh thủ người Brazil ở mức 222 triệu euro, câu lạc bộ xứ Catalan đã tin chắc là có thể trói chặt được cầu thủ này. Nhưng nỗ lực của họ đã thất bại trước sức mạnh tài chính của ông chủ PSG.

Nhưng trước hết cần phải hiểu điều khoản phá hợp đồng (giải phóng cầu thủ) là gì ?

Thay vì câu lạc bộ mua cầu thủ phải trả trực tiếp cho câu lạc bộ bán, thì đích thân cầu thủ được chuyển nhượng tự hủy hợp đồng bằng cách chi trả khoản tiền quy định trong điều khoản hủy-đền bù trong hợp đồng cho Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Tây Ban Nha La Liga. Sau đó, Liên đoàn sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền trên cho câu lạc bộ bán cầu thủ. Có điều là với thao tác này, câu lạc bộ PSG khéo léo né tránh luật công bằng tài chính của Liên Đoàn bóng đá châu Âu UEFA.

Ông Virgille Caillet, chuyên gia tiếp thị thể thao giải thích :

Theo luật công bằng tài chính, một câu lạc bộ bóng đá châu Âu không có quyền chi nhiều hơn thu. Ở trường hợp này, nếu không phải là câu lạc bộ chi tiền thì vụ chuyển nhượng không phạm gì đến luật công bằng tài chính. Vụ chuyển nhượng này chưa từng có, đã được thực hiện khá ngoạn mục.

Nếu câu lạc bộ Paris không chi thì là ai trả khoản tiền khổng lồ này ?

Qatar rót cho Neymar khoản tiền trên qua một hợp đồng làm đại sứ thiện chí cho Cúp thế giới 2022 diễn ra tại Vương quốc này. Vụ việc đã làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Tây Ban Nha La Liga nhảy dựng lên. Ông Javier Tabas nhận thấy PSG không tôn trọng quy định cạnh tranh hiện hành trong Liên Hiệp Châu Âu. Hôm thứ Năm (03/08) La Liga đã không nhận khoản chi trả đền bù hủy hợp đồng. Nhưng phản ứng đó cũng chỉ làm vụ chuyển nhượng bị chậm lại một chút. Buổi chiều cùng ngày, các đại diện của Neymar đã mang tấm séc đến nộp trực tiếp cho câu lạc bộ Barça và câu lạc bộ Catalan không có lý do gì để từ chối.

Tổng số chi phí cho vụ chuyển nhượng bao gồm : 222 triệu theo điều khoản đền bù hủy hợp đồng, 80 triệu tiền thưởng cho cầu thủ, 100 triệu euro chi phí hoa hồng thuế các loại. Đến đây, chi phí đã là 402 triệu euro, đó là chưa kể 310 triệu tiền lương và đóng góp nghĩa vụ thuế cho cầu thủ trong 5 năm. Tổng số là 712 triệu euro.

Với cái giá như vậy, một câu hỏi đặt ra là việc mua Neymar có mang lại lợi nhuận gì cho câu lạc bộ của thủ đô Pháp ? Tất nhiên là có. Theo nhà kinh tế Pascal Peri, Neymar tuy mới 25 tuổi, nhưng đã là nhà vô địch tiếp thị sản phẩm. Riêng trên mạng xã hội, danh thủ Brazil có hơn 78 triệu người theo dõi ở Instagram, hơn 30 triệu trên twitter.

Anh ta có thể giúp Paris tăng thêm thu nhập từ tiền bán vé xem các trận đấu, tăng số lượng các đối tác làm ăn với câu lạc bộ và nhất là bán những đường link tài trợ trên internet. Bởi vì thị trường bóng đá giờ đây là thị trường thế giới. Những cổ động viên PSG sẽ đến từ khắp nơi trên thế giới, sẽ có thêm rất đông người hâm mộ Neymar đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tại sao PSG muốn chiêu mộ Neymar bằng mọi giá ?

Các chuyên gia về tiếp thị thể thao đều nhất trí cho rằng trong thương vụ Neymar, Paris Saint Germain không mua một cầu thủ bóng đá đơn thuần mà hơn thế, họ muốn mua một người đại diện, hiện thân cho các dự định và tham vọng của Paris Saint Germain. PSG bây giờ mang tiếng là đội bóng của thủ đô Pari nhưng thực tế là của người Qatar. Như vậy có thể nói không ngoa rằng, lôi kéo được Neymar về với sân Parc des Prince là một chiến thắng của vương quốc dầu lửa nhỏ bé, nhưng có phương tiện tiền bạc vô hạn.

Qatar, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về khí đốt. Quốc vương Qatar và ông chủ tịch PSG , Naser al-Khelaifi, có thể dựa vào những nhà tài chính khổng lồ như Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar QSI, những tập đoàn khổng lồ về ngân hàng, điện thoại hay tập đoàn du lịch Qatar. Núi ngân sách khổng lồ của người Qatar đổ vào bóng đá có thể làm các ông chủ những câu lạc bộ khác phải ghen tị và khó chịu. Huấn luyện viên Arsène Wanger của câu lạc bộ Anh Arsenal nhận xét :

Khi một quốc gia sở hữu một câu lạc bộ thì tất cả đều có thể. Điều này khiến việc tôn trọng luận cân bằng tài chính trở nên khó được thực hiện bởi vì nước đó có thể có những lợi ích khác ngoài bóng đá khi họ có trong tay những cầu thủ lớn.

Lá bài chính trị và quyền lực mềm

Các cầu thủ lớn làm đại sứ thiện chí cho Vương quốc dầu mỏ này không phải là hiếm. Người ta đã thấy, danh tiếng của Ibrahimovic hay của David Beckham phục vụ cho lợi ích của Qatar như thế nào. Danh thủ Pháp Zinedine Zidane cũng từng là đại sứ vận động cho Qatar được đăng cai Cúp thế giới 2022. Số tiền tỉ mà quốc gia nhỏ bé này đổ vào bóng đá chắc chắn phục vụ một dự án chiến lược.

Ngoại giao Qatar liên tục thể hiện qua các cuộc tiếp xúc với thể thao, lấy thể thao làm tấm danh thiếp cho đất nước. Nhưng từ nhiều tháng qua, bốn cường quốc láng giềng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì họ tố cáo Doha cung cấp tài chính cho khủng bố. Lá bài Neymar lần này cũng là mang tính chính trị. Ông Pascal Boniface Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS nhận định :

Qatar muốn chứng tỏ với thế giới họ không hề suy yếu họ vẫn vừa rất hùng cường và linh hoạt. Thành công trong một thương vụ chuyển nhượng cầu thủ lớn nhất, hiện tại là trong thế kỷ này, về câu lạc bộ mà Qatar sở hữu, chắc chắn trên phương diện để lấy danh tiếng thì đó là điều tốt nhất mà Qatar đã làm được.

Còn theo, chuyên gia phân tích tại King’s College Luân Đôn, ông Andreas Krieg, vụ chuyển nhượng Neymar là một tín hiệu rất mạnh của Doha gửi tới giới thể thao đồng thời là một thách thức với các láng giềng trong vùng đang cô lập Qatar.

Là một đất nước nhỏ bé nhưng lại rất giàu có, từ khoảng hai chục năm qua, Qatar ngày càng đóng vai trò lớn trong các hồ sơ quan trọng và nhạy cảm liên quan đến thế giới Ả Rập. Vương quốc này đã phát triển một chiến lược tìm kiếm ảnh hưởng qua các khoản đầu tư quốc tế khổng lồ vào các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, hàng không, tài chính, truyền thông và thể thao.

Những biểu tượng chính của « quyền lực mềm Qatar » đó là kênh truyền hình Al Jazeera và BeIn Sport, hãng hàng không Qatar Airways. Hiện tại Qatar vẫn đang tích cực chuẩn tổ chức Cúp bóng đá thế giới, bất chấp những tranh cãi vẫn tiếp tục.

Giới quan sát nhận thấy, Qatar ta đang sử dụng vũ khí thể thao để thoát ra khỏi thế cô lập chính trị hiện nay. Có thể nói, những ngày qua gần như cả thế giới đổ dồn vào thương vụ chuyển nhượng Neymar mà Qatar là người dẫn dắt cuộc chơi. Qatar đã cho thế giới thấy họ là một quốc gia mạnh có nguồn lực kinh tế tài chính ổn định nhất trong vùng.

Có được cầu thủ giỏi nhất với cái giá chưa từng có, Qatar đã chứng minh với thế giới rằng khi người Qatar quyết tâm, với nguồn lực gần như vô hạn họ có thể làm được tất cả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.