Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

BTT ngừng thử hạt nhân : TT Mỹ "hài lòng", chuyên gia lo ngại

Trước khi lên đường đến Hà Nội, dự thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hôm thứ Hai 25/02/2019, tổng thống Mỹ tuyên bố ông không vội vã trong các thương thuyết giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên, và Hoa Kỳ « hài lòng » chừng nào mà Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ thử hạt nhân mới. Phát biểu của tổng thống Trump khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạt động trong lĩnh vực phi hạt nhân hóa lo ngại.

Biểu tình chống lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ủng hộ Mỹ, gần đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul, ngày 26/02/2019.
Biểu tình chống lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ủng hộ Mỹ, gần đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul, ngày 26/02/2019. REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Trả lời RFI, ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân), ghi nhận là, kể từ thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 đến nay, chưa có « bất cứ một tiến bộ thực sự nào » trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, và các chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh lần thứ hai này dường như không có nhiều tiến triển. Thành viên Ican nhấn mạnh :

« Với kiểu ứng xử này của ông Donald Trump, người ta có thể đặt câu hỏi là chính quyền Mỹ có thực sự dấn thân cho việc giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không. Việc ngừng các vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo chỉ có thể coi là bước đi đầu tiên hướng đến việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình, cho phép Bắc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân. Một nền hòa bình với vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được ».

Về phần mình, nhà địa chính trị học Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) không chờ đợi việc Washington và Bình Nhưỡng đạt được các cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, nhà địa chính trị học Viện IRIS đánh giá là việc Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, cùng với một số cam kết khác từ phía Bình Nhưỡng, có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Bắc Triều Tiên :

« Việc Bắc Triều Tiên đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân là một trong những điều rất được chính quyền Washington hoan nghênh. Điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ giảm nhẹ một số trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đưa Bắc Triều Tiên trở lại nhóm các quốc gia có thể giao hảo. Trong thượng đỉnh lần này, một trong số những điều mà Bình Nhưỡng có thể đưa ra để thương lượng, và cũng chính là một trong những đòi hỏi chủ yếu của Washington, đó là cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tương đối ít mơ hồ hơn và cởi mở hơn, đối với toàn bộ hoặc ít nhất là một phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời hứa hẹn để ngỏ cửa cho việc trở lại của thanh tra quốc tế đối với các cơ sở này. Bắc Triều Tiên cũng có thể cam kết sẽ đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với các cam kết này từ phía Bình Nhưỡng, Washington có thể chấp nhận như một thứ đánh đổi cho một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên ».

Theo nhiều nhà quan sát, nếu đàm phán về phi hạt nhân hóa thất bại, tổng thống Mỹ có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chính trị, mở ra khả năng có được một thỏa thuận hòa bình với Bắc Triều Tiên, hơn là có một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức, bởi nếu tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra mà không có cam kết phi hạt nhân hóa cụ thể, thì Washington sẽ mất đi một phương tiện gây áp lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.