Vào nội dung chính
CHÂU Á - HÀN QUỐC

Hàn Quốc: Lạc quan tương đối về kết quả thượng đỉnh Trump - Kim

Cuộc gặp Trump Kim lần thứ hai này tại Hà Nội đã không làm dấy mong đợi hay lạc quan gì nhiều từ phía người Hàn Quốc. Theo AFP, có người hoan nghênh nỗ lực hòa bình, có người nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng, có người xem đấy chỉ là một màn kịch. Nhìn chung, người ta có thể cảm nhận dân Hàn Quốc không mấy phấn khởi.

Biểu tình chống Bắc Triều Tiên của một số nhóm bảo thủ Hàn Quốc tại Seoul ngày 23/02/2019 trước thượng đỉnh Trum - Kim lần 2 diễn ra tại Hà Nội.
Biểu tình chống Bắc Triều Tiên của một số nhóm bảo thủ Hàn Quốc tại Seoul ngày 23/02/2019 trước thượng đỉnh Trum - Kim lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Ed JONES / AFP
Quảng cáo

Bà Han Sung Lim, 63 tuổi, trong số người hoài nghi, cho biết là bà sẵn sàng ủng hộ thống nhất với Bắc Triều Tiên, với điều kiện là Bình Nhưỡng cho thấy sẵn sàng tháo dỡ chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, cũng như chấp nhận dân chủ. Nhưng nếu Bình Nhưỡng có « một lịch trình bí mật », thì bà phản đối.

Bà Sung Lim giải thích là tính hoài nghi của bà có từ lúc nhỏ. Lớn lên dưới chế độ độc tài Park Chung Hee trong những năm 1960-70, với chương trình học đã có chủ thuyết chống Cộng Sản, nên ngày nay bà vẫn « chống Cộng». Có điều bà rất thương người dân Bắc Triều Tiên, nghèo khổ, mất tự do, và nghĩ rằng Hàn Quốc có thể giúp đỡ họ.

Những người chống chiến tranh, như ông Choi Jae-Kwan, 81, thì nhìn thượng đỉnh với một tia hy vọng. Đã 12 tuổi lúc nổ ra chiến tranh Triều Tiên, năm 1950, ông không quên cảnh tàn phá của chiến tranh, với hơn 2 triệu người Triều Tiên, dân thường và binh lính bị chết. Đến giờ bán đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh nên ông rất lo lắng : « Nếu có một cuộc chiến mới thì tất cả mọi người sẽ chết».

Nhưng đối với ông chiến tranh trên bán đảo không chỉ là một vấn đề của riêng Triều Tiên, mà Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có vai trò, trợ giúp, cố vấn…

Theo AFP, trong số những người lạc quan, phấn khởi, phải kể trước tiên đến giới trẻ.

Choi Ji Seung, sinh viên, 29 tuổi cho rằng một thông báo chính thức chấm dứt chiến tranh sẽ có hệ quả rất tích cực về kinh tế. Theo anh, các công ty nước ngoài vẫn sợ chiến tranh bùng lên với Bắc Triều Tiên, cho nên với tư cách là người Hàn Quốc, Choi Ji Seung vô cùng hoan nghênh việc Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ hợp sức thúc đẩy quan hệ quốc tế.

Heo Jay Young, 21 tuổi giải thích bắt đầu chú ý đến quan hệ với Bình Nhưỡng từ cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai ông Moon Jae In và Kim Jong Un hồi tháng 4/2018, đặc biệt với hình ảnh tổng thống Hàn Quốc bắt tay Kim Jong Un qua làn ranh giới.

Kim Sang Hyun, 20 tuổi, công nhận lúc nhỏ anh có một hình ảnh không mấy tốt đẹp về Bắc Triều Tiên, nhưng bây giờ thì khác. Anh hy vọng là các lãnh Mỹ - Bắc Triều Tiên gặp nhau tại Hà Nội sẽ chấm dứt cuộc chiến: « Điều đó sẽ không làm thay đổi gì nhiều trong đời sống hàng ngày, nhưng các mối đe dọa sẽ biến mất và sẽ là một khác biệt to lớn ».

Trong số những người thờ ơ, có Min Heug Ki, 33 tuổi, xem cuộc gặp thượng đỉnh như một màn kịch. Đối với anh, thông báo chấm dứt tình trạng chiến tranh sẽ có nhiều ý nghĩa đối với thế hệ đã sống qua thời chiến. Nhưng nếu « thông báo chỉ là để thông báo thì không có ý nghĩa gì». Theo anh, để có ý nghĩa, hai bên « phải có những biện pháp cụ thể đi kèm và tạo tin tưởng nơi dân chúng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.