Vào nội dung chính
THỰC PHẨM - Y TẾ

Giảm ăn thịt để tăng sức khỏe, bảo vệ súc vật và Trái đất

Tương lai Syria trong trận thế Trung Đông, số phận người Rohingya ở Miến Điện, tệ nạn buôn người ở Libya, cuộc « đảo chính » ở miền Đông Ukraina thân Nga, bế tắc chính trị Đức, kinh tế Pháp hưng phấn là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay bên cạnh lời cảnh báo của tổ chức môi trường Pháp Terra Nova : bớt ăn thịt để cứu trái đất và sức khỏe .

Từ năm 1998, người Pháp có xu hướng ăn "bớt thịt, thêm rau".
Từ năm 1998, người Pháp có xu hướng ăn "bớt thịt, thêm rau". Keith Weller, USDA ARS/CC/Wikimedia Commons
Quảng cáo

Le Monde « điều tra tệ nạn sách nhiễu tình dục ở các công ty », Le Figaro phân tích về lời hứa « cải cách thuế sâu rộng » của tổng thống Macron, Libération đánh cược vào nữ « cứu tinh » của đảng Xã Hội Najat Vallaud Belkacem, Les Echos phấn khởi với dự báo kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh vào cuối năm trong khi nhật báo công giáo La Croix ưu tư cho cộng đồng Do Thái sống ở ngoại ô. Trên đây là những tựa lớn trên trang nhất báo chí Pháp hôm nay

Bớt lạm dụng thịt, ăn chay, thêm sức khỏe

Trong không khí chuẩn bị lễ hội Giáng Sinh và Tất Niên, mùa ăn uống tiệc tùng, tổ chức chuyên gia Terra Nova đánh tiếng chuông cảnh tỉnh mà Le Monde tường thuật bằng một trang báo : « Thời vàng son của thịt đã chấm dứt », còn La Croix đặt câu hỏi hướng dẫn : « Làm cách nào để bớt ăn thịt ? »

Trong bản báo cáo công bố ngày 23/11/2017 mà Le Monde có đặc quyền tiếp cận trước, tổ chức chuyên gia có xu hướng thiên tả đề nghị cần phải thiết lập quân bình giữa tập quán phải có thịt trong món ăn với nhu cầu gìn giữ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Terra Nova (tạm dịch là hành tinh mới) không có dụng ý khuyến khích người dân Pháp ăn chay nhưng khuyến cáo trong 20 năm tới đây cần giảm ít nhất 50% khẩu phần thịt và cá hàng ngày.

Ba lý do khẩn cấp: mức độ chăn nuôi công nghiệp đã đi đến tình trạng bão hoà, không đủ khả năng nuôi sống 10 tỷ dân địa cầu vào thập niên 2050 cũng như không thể chu toàn từ vệ sinh cho đến môi trường. Trung bình mỗi người Pháp tiêu thụ 86 kg thịt và xương vào năm 2014, giảm 8 kg so với thống kê vào năm 1998.

Học sinh đi tiên phong

Để thúc đẩy xu hướng bớt thịt tăng rau - đã được ghi nhận tại Pháp từ 1998 đến nay - Terra Nova đưa ra 11 đề nghị giảm ăn thịt cần thực hiện ở mức độ lớn : thêm món ăn chay trong thực đơn ở các trường trung học, huấn luyện cho đầu bếp nấu các món rau, đậu hợp khẩu vị…

Sáu ngàn tỷ con bò, heo, gà, vịt mỗi năm nuôi 7 tỷ miệng ăn

Hiện nay, mỗi năm phải làm thịt 60 tỷ con vật, đánh bắt 1.000 tỷ hải sản để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm càng ngày càng tăng trên thế giới. Trong 50 năm qua, với mức sống được cải thiện, châu Á tiêu thụ thịt tăng 15 lần hơn, châu Phi 5 lần hơn … nhưng vẫn còn thấp so với các nước Tây phương. Tình hình ngày càng tệ hơn bởi vì nhu cầu lương thực phải tăng thêm 75% từ nay đến 2050.

Bớt dùng thịt còn giúp bảo vệ sức khỏe : hàng trăm cuộc khảo sát dịch tễ học xác nhận ăn nhiều rau sẽ giảm cơ nguy bị bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu và béo phì. Ăn trên 500g thị bò, heo hay 150g thịt ướp như jambon mỗi tuần làm tăng xác xuất bị ung thư ruột già.

Theo kịch bản khối lượng thịt tiêu thụ giảm 1/3 từ nay đến giữa thế kỷ thì lượng khí thải phát ra làm tăng nhiệt độ địa cầu cũng được giảm một nửa.

Và để làm lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm hơn 50%, một nhà canh tác Pháp kêu gọi : món ăn Pháp dùng rau đậu của Pháp, không cần phải nhập khẩu từ Nam Mỹ xa xôi. Đây cũng là kết luận của La Croix trong bài báo cùng chủ đề « tăng rau, bớt thịt » để bảo vệ sức khỏe và Trái đất.

Miến Điện : Lời trẻ và tuyên truyền

Sắc tộc Rohingya có thật sự bị « thanh lọc » hay không ? Tài liệu do quân đội Miến Điện phổ biến nói là không. Các nhân chứng, phần đông là trẻ em và thiếu niên, tuổi chưa biết nói dối, do Liberation thu thập, bác bỏ từng điểm của quân đội.

Từng điểm một, trong bài « Lời nói của người Rohingya trước tuyên truyền của quân đội Miến Điện », Libération dẫn nhập bằng thông cáo của bộ ngoại giao Mỹ, tiếp sau Liên Hiệp Quốc, lên án quân đội Miến Điện « thanh lọc sắc tộc ». Trong khi đó, báo cáo của quân đội cho rằng người Rohingya tự đốt nhà để thu hút công luận quốc tế. Đặc phái viên nhật báo cánh tả Pháp ở Bangladesh đến các trại tị nạn đặt câu hỏi kiểm chứng:

- An ninh không bắn một phát đạn vào dân lành ? Cậu bé 7 tuổi nói : Ngày thứ Bảy (26/08), lính tới làng, con đang ngồi trong nhà thì bị một viên đạn vào chân. Một chục em nhỏ khác, từ nhiều làng khác nhau, đều thuật lại những chuyện mắt thấy tai nghe tương tự.

- Quân đội không hãm hiếp phụ nữ, không dọa nạt dân làng, không dùng súng lớn ? Libération trích dẫn hàng chục nhân chứng xác nhận ngược lại : người phụ nữ trẻ nào bị hãm hiếp, trưởng làng nào bị bắt để đòi tiền, làng nào bị cảnh sát và quân đội phóng hỏa….

Syria hoà giải dân tộc hậu Daech : nói dễ, làm khó

Tương lai Syria nằm trong tay nước Nga? Không chắc ! Tại Sotchi, sau khi tiếp tổng thống Syria và thảo luận với tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về sáng kiến triệu tập « Đại hội đối thoại dân tộc Syria », tổng thống Nga Vladimir Putin đụng phải « chướng ngại » Kurdistan, nhưng không phải chỉ có thế.

Theo Le Monde, cho dù tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dự án Đại hội dân tộc Syria của Putin nhưng Erdogan nhất định không cho người Kurdistan tham gia. Thế mà, tổ chức đảng Kurdistan - Syria và cánh tay võ trang lực lượng Kurdistan tự do là thành phần chủ lực trong cuộc chiến chống Daech ở vùng bắc Syria. Một trắc trở khác cho sáng kiến của Nga là cho đến bây giờ chưa rõ thành phần đối lập Syria nào tham gia đàm phán. Chính tổng thống Nga phải tuyên bố : giai đoạn hậu Daech tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp của các phe, kể cả phía chính phủ Damas. Mọi tầng lớp xã hội Syria cùng nhau soạn Hiến Pháp mới, tổng thống Iran, đồng minh của Bachar al Assad cũng nhận định như thế. Nhưng liệu nhà độc tài Bachar al Assad có chấp nhận một chế độ đa đảng ?

Les Echos cũng lưu ý một số yếu tố bất trắc khác trong dự án Nga bảo trợ: các nhóm đối lập họp tại Ryad, đối thủ cúa Teheran và Damas, tẩy chay sáng kiến của Nga và tiếp tục đòi Bachar al Assad ra đi « khi bắt đầu » thảo luận về tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Tuy nhiên, Les Echos không loại hết mọi hy vọng. Bởi vì cụm từ « khi bắt đầu » mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn là điều kiện « ngay trước khi bắt đầu ».

Cũng trong tình hình căng thẳng và phức tạp ở Trung Đông, nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận một biến chuyển mới : « Israel và Ả Rập Xê Út cùng đối đầu với tham vọng bá quyền của Iran ». Israel « muốn chia sẻ thông tin tình báo với Ryad ». Tuyên bố của tham mưu trưởng quân đội Israel với báo chí của Ả Rập Xê Út hồi đầu tuần, vào thời điểm khủng hoảng chính trị ở Liban, được Les Echos ví như như một quả bom.

Đảo chính ở miền đông Ukraina : đạo diễn Putin ?

Tổng thống Putin hiện diện trên nhiều mặt trận. Theo Le Figaro, vụ « đảo chính ở nước cộng hoà tự phong Louhansk » chỉ là đòn « hỏa mù » của Matxcơva để lấy cớ đưa quân chiếm đóng miền đông Ukraina.

Từ hai năm nay, tỉnh Louhansk ly khai với Ukraina là một « vùng tối » của báo chí quốc tế. Thế nhưng, từ đầu tuần đã xảy ra một cuộc binh biến. Thanh tra của cơ quan OSCE, có nhiệm vụ kiểm sóat lệnh ngưng bắn giữ quân đội chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai thân Nga cho biết khoảng 30 xe quân sự, kể cả xe thiết giáp trấn giữ nhiều đường phố. Sự kiện này cho thấy có sự rạn nứt trong nội bộ các ban ngành trong quân đội Nga, chủ nhân của phe ly khai Ukraina. Từ 2014, Louhansk nằm trong tay người hùng Igor Plotsniski, kẻ bị nghi ngờ ám sát hai đối thủ chính trị để củng cố quyền lực.

Giờ đây, « tổng thống Igor Plotsniski » có lẽ bị « bộ trưởng Nội Vụ » Igor Kornet lật đổ, phải chạy sang Nga.

Nhưng Le Figaro cảnh báo, tại Louhansk, lực lượng võ trang ly khai do quân đội Nga làm nòng cốt còn cảnh sát, tức « bộ Nội Vụ » do cơ quan phản gián liên bang FSB chỉ huy. Do vậy, vụ đảo chính có thể do FSB tổ chức để củng cố thế lực tại Donbas Ukraina.

Tuy nhiên, cũng phải dè chừng Putin muốn thay đổi các bộ mặt thân Nga tại địa phương. Theo một nguồn tin thông thạo, tổng thống Nga dàn dựng chuyện đảo chính để đưa quân vào miền đông Ukraina tái lập trật tự và sau đó đề nghị với Liên Hiệp Quốc để Nga tham gia đóng vai trò bảo vệ hoà bình, kéo dài không biết đến bao giờ.

Đương nhiên, Kiev dường như biết rõ âm mưu. Lợi dụng hai phe ly khai đấu đá lẫn nhau, quân đội Ukraina chiếm ba ngôi làng và nhiều cao điểm chiến lược.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.