Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC -BIỂN ĐÔNG

Việt Nam khoan dầu ở nơi Trung Quốc cấp phép cho một công ty Hồng Kông

Các thông tin rò rỉ trong những ngày qua về việc Việt Nam đã tiến hành khoan dò dầu khí tại một lô trong vùng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền vừa được giới công nghiệp dầu khí tại Singapore xác nhận. Trang mạng BBC Anh ngữ ngày 05/07/2017 trích dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ rằng khu vực liên can cách bờ biển đông nam Việt Nam khoảng 250 hải lý.

Việc Việt Nam khoan dầu tại lô 136/03, Biển Đông, khiến Trung Quốc tức giận.
Việc Việt Nam khoan dầu tại lô 136/03, Biển Đông, khiến Trung Quốc tức giận. Ảnh chụp màn hình (twitter.com)
Quảng cáo

Theo chuyên gia Ian Cross, thuộc hãng Moyes & Co tại Singapore, tàu khoan dò Deepsea Metro I đã bắt đầu hoạt động tại lô mang ký hiệu 136-03 từ ngày 21/06. Đây là một chiếc tàu được hãng Talisman-Việt Nam – công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol - thuê mướn để thực hiện công việc khoan dò.

Khu vực mà Hà Nội cho hãng Talisman thăm dò nằm trong một vùng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Trung Quốc gọi khu vực đó là lô Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei), và đã từng cấp phép khai thác cho hãng Brightoil, trụ sở tại Hồng Kông. Hai trong số lãnh đạo của Brightoil lại là đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Theo giới quan sát, có lẽ việc Việt Nam khởi sự thăm dò tại lô 136-06 là nguyên nhân khiến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng trở lại, và dường như có liên quan đến sự kiện tướng Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Chang Long), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, rút ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Sáu, và hai nước hủy bỏ chương trình giao lưu quốc phòng biên giới vào giờ chót.

Theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu khí, trong ba năm qua, chính quyền Việt Nam luôn luôn từ chối bật đèn xanh cho hãng Talisman-Việt Nam khoan dò tại lô 136-06 để tránh làm phật ý Trung Quốc. Việc Hà Nội lần này cấp phép có lẽ phản ánh thái độ bớt quan ngại của Việt Nam.

Giới phân tích cũng tự hỏi là nhân dịp ghé Tây Ban Nha trước lúc đến Việt Nam vào tháng Sáu vừa qua, phải chăng tướng Trung Quốc Phạm Trường Long cũng đã gây sức ép lên chính quyền Madrid và tập đoàn Repsol về dự án khai thác lô 136-06.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.