Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Trường Sa: Việt Nam cải tạo đảo đá dự phòng bị cấm trong tương lai

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại “đảo” Đá Lát (Ladd Reef) một bãi ngầm dưới quyền kiểm soát của Hà Nội tại vùng quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính nhỏ. Hành động của Việt Nam chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối làm cho tình hình căng thẳng thêm. Giải thích về hành động của Hà Nội, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang chạy đua với thời gian, cố gắng củng cố các thực thể trong tay mình, trước khi những hoạt động loại này bị cấm trong một tương lai gần.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một con kênh mới đang được nạo vét tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/11/2016.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một con kênh mới đang được nạo vét tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/11/2016. Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters
Quảng cáo

Trong ảnh vệ tinh của Planet Labs, một công ty vệ tinh trụ sở tại Mỹ, người ta có thể thấy một vài chiếc tàu nhỏ trên một kênh mới đào cắt ngang viền san hô của bãi Ðá Lát, nối phần bên trong của bãi với biển khơi. Hai bên con kênh đều có bờ kè.

Ảnh vệ tinh dĩ nhiên không cho thấy rõ quốc tịch của các chiếc tàu, nhưng rõ ràng là Việt Nam, nước đang kiểm soát thực thể đó, không thể để cho nước nào khác làm công trình nạo vét này. Theo giới phân tích, những công việc bồi đắp tương tự thường dự báo cho những hoạt động xây dựng trên quy mô lớn hơn.

Theo hãng tin Pháp AFP, thời điểm bắt đầu công trình nạo vét này chỉ là mới đây. Trong một tấm ảnh vệ tinh cũng do Planet Labs chụp vào tháng 7/2016, chưa thấy con kênh, chứng tỏ rằng công trình này chỉ mới được thực hiện trong một vài tháng gần đây.

Cấp tốc cải tạo trước khi bị cấm nếu Bộ Quy Tắc Ứng Xử được thông qua

Gắn liền với tiết lộ mới đây theo đó Việt Nam đã kéo dài phi đạo và xây dựng nhà chứa máy bay trên đảo Trường Sa Lớn, cách Ðá Lát khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía đông, giới quan sát cho rằng Việt Nam đang rốt ráo củng cố các thực thể mình nắm giữ tại vùng Trường Sa, trước khi mà các hoạt động loại này không còn được phép thực hiện, chẳng hạn trong trường hợp một Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông cho rằng rất có thể là Việt Nam đang cố gắng tích tụ lợi thế về mình, trước lúc các nước tranh chấp Biển Đông đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử trong vòng một hoặc hai năm tới đây, trong đó sẽ quy định việc cấm các hoạt động thay đổi nguyên trạng.

Cho dù « Việt Nam đang vượt quá hiện trạng », nhưng giáo sư Thayer cho rằng những gì mà Việt Nam đang làm tại đảo Đá Lát không có nhằm mục tiêu quân sự, và cũng không hàm chứa mối đe dọa nào đối với Trung Quốc. Có điều là Bắc Kinh hoàn toàn có thể « thổi phồng » vấn đề để gây sức ép đối với Việt Nam.

Gọi là thổi phồng không sai, vì theo ước tính của trung tâm giám sát hàng hải AMTI của Mỹ, trong những năm gần đây, Việt Nam chỉ mở rộng thêm khoảng 49 hécta đảo tại Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã bồi đắp thêm 1.300 hécta, chỉ riêng tại Trường Sa, xây dựng trên đó nào là phi trường quân sự, nhà chứa máy bay cỡ lớn, đài ra đa…
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể chịu áp lực từ phía Mỹ, nước luôn luôn kêu gọi mọi bên tại Biển Đông tránh những hành động như bồi đắp, cải tạo đảo đá ở những vùng đang tranh chấp.

Vào hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ xác nhận là đã biết thông tin về hoạt động của Việt Nam tại đảo Đá Lát, và đã nhắc lại lời kêu gọi các bên có những bước nhằm giảm bớt căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Dẫu sao thì trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến không mấy thuận lợi, Việt Nam được cho là đang tăng cường phòng thủ để bảo vệ những vùng mình còn kiểm soát được tại Biển Đông, chống lại tham vọng độc chiếm ngày càng rõ của Trung Quốc.

Trả lời hãng tin Reuters vào hôm qua, 09/12, ông Trevor Hollingsbee, một chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh nhận định : « Chúng ta có thể thấy rằng trong tình hình này, Việt Nam hoàn toàn không tin ai về chiến lược và đang cố gắng cải thiện sự phòng thủ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.