Vào nội dung chính
VIỆT NAM-MỸ- BIỂN ĐÔNG

Theo giới chuyên gia: Việt Nam ủng hộ Mỹ tuần tra Hoàng Sa

Ngày 30/01/2016, Hải quân Mỹ cử khu trục hạm USS Curtis Wilbur tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, vùng quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã nổi cơn thịnh nộ đối với Washington. Hà Nội chỉ phản ứng nhẹ nhàng, một động thái được cho là mặc nhiên ủng hộ hành động của Mỹ.

Khu trục hạm USS Curtis Wilbur tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 30/01/2016.
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 30/01/2016. Reuters
Quảng cáo

Lầu Năm Góc chính thức xác nhận đó là một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, chống lại các yêu sách quá đáng của ba bên tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Một hôm sau cuộc tuần tra của Mỹ, ngày 31/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã chỉ khẳng định trở lại một cách chung chung « chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa » và kêu gọi tất cả các nước « đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Việt Nam « tôn trọng quyền đi qua vô hại »

Về chiến dịch tuần tra « tự do hàng hải » của Mỹ ở Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình chỉ nói rằng « Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải, được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17) ».

Lời lẽ hết sức nhẹ nhàng của Việt Nam đối lập hoàn toàn với các tuyên bố « dao to búa lớn » của Trung Quốc nhắm vào Mỹ, cực lực đả kích một hành vi « cố tình khiêu khích » (bộ Ngoại Giao) hay một thái độ « vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm » (bộ Quốc Phòng), kèm theo những lời đe dọa dùng võ lực chống lại.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, mức độ khác nhau trong phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam cũng dễ hiểu vì đối tượng thực thụ của chiến dịch tuần tra của Mỹ gần đảo Tri Tôn là Trung Quốc, nước đã dùng võ lực chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng bồi đắp và củng cố nơi này thành một tiền đồn của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Mặc nhiên ủng hộ Mỹ vì chiến dịch nhắm vào Trung Quốc

Mục tiêu bác bỏ các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc, trong đó có việc cản trở quyền tự do đi lại, quyền tự do hoạt động kinh tế trong khu vực, mà Bắc Kinh đã áp đặt trong nhiều năm qua tại vùng Hoàng Sa, đã được chuyên gia về Biển Đông Carlyle Thayer (Học Viện Quốc Phòng Úc) nhấn mạnh khi trả lời truyền thông Việt Nam hôm 01/02/2016 : « Việc Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra đặc biệt nhằm bác bỏ yêu cầu thông báo trước mà phía Trung Quốc đưa ra. Washington tin rằng, động thái của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Mỹ tuần tra nhằm tái khẳng định điều này » (báo mạng Việt Nam Zingnews).

Chính vì không hề ngộ nhận trước mục tiêu đó mà Việt Nam không những đã không phản đối Mỹ, mà trái lại còn bộc lộ lập trường ủng hộ hành động của Hải quân Hoa Kỳ khi khẳng định quan điểm « tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải », điều được chính Hoa Kỳ nêu bật trong thông báo về chiến dịch tuần tra gần Tri Tôn.

Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 02/02/2016, chuyên gia Lê Hồng Hiệp, hiện nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á Ishak Yusof ở Singapore nhận định : « Nhìn từ góc độ Việt Nam, thì chiến dịch của Mỹ rất tốt vì đã thách thức các yêu sách của Trung Quốc. »

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết không hề loan báo trước cho bất kỳ bên tranh chấp nào về chiến dịch, nhưng theo ông Lê Hồng Hiệp, rất có khả năng là hành động hôm thứ Bảy vừa qua của Mỹ cũng dựa trên một sự hiểu biết lẫn nhau giữa Washington và Hà Nội.

Ngoài Việt Nam, chiến dịch của Mỹ còn được nhiều nước khác ủng hộ. Úc là nước đã tuyên bố hậu thuẫn công khai ngay từ hôm 31/01. Theo nhật báo Sydney Morning Herald, Úc thậm chí còn được Mỹ thông báo trước về chiến dịch sắp diễn ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.