Vào nội dung chính
PHÁP - ÂM NHẠC

Nữ nghệ sĩ Pháp Régine qua đời ở tuổi 92

Thời còn sống, nghệ sĩ Pháp Régine tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn hát trên sân khấu. Lúc ấy bà đã từng nói đùa: Sức khỏe bà còn tốt có lẽ là do nhiều năm đi nhảy với giày cao gót Bà cũng đã ước gì được sống tới hơn 100 tuổi. Nhưng định mệnh lại không an bài như vậy. Theo tin từ gia đình, do tuổi già sức yếu, nghệ sĩ Pháp Régine đã vĩnh viễn ra đi hôm 01/05/2022 tại tư gia ở vùng ngoại ô Paris, hưởng thọ 92 tuổi.

Ảnh tư liệu: Régine tại lễ khai mạc Liên hoan phim Mỹ, Deauville, Pháp, ngày 30/08/2013.
Ảnh tư liệu: Régine tại lễ khai mạc Liên hoan phim Mỹ, Deauville, Pháp, ngày 30/08/2013. AP - Lionel Cironneau
Quảng cáo

Nhắc tới Régine, công chúng Pháp đầu tiên nghĩ tới một ca sĩ và đồng thời một phụ nữ có óc kinh doanh. Régine là một trong những gương mặt đầu tiên ở Pháp từ những năm 1950 lao vào khai thác các vũ trường (dancing) và hộp đêm (night club), theo mô hình của Mỹ. Vào những năm 1980, Régine điều hành hơn 20 hộp đêm tại 10 thành phố lớn trên thế giới. Chính với cuộc sống về đêm mà Régine đã có cơ hội mở rộng quan hệ của mình với tất cả các nhân vật quan trọng của làng giải trí (showbiz) hay giới văn nghệ sĩ. Từ chỗ quen biết ấy, nhiều ngòi bút nổi tiếng đã sáng tác nhạc cho Régine. Sự nghiệp ca hát của bà bắt đầu từ năm 1966 và kết thúc vào năm 2019 với bộ toàn tập nhân dịp Régine mừng sinh nhật 90 tuổi.

Nghị lực xuất phát từ tuổi thơ bất hạnh

Vấp ngã nhiều lần nhưng lúc nào cũng tự đứng lên mà không phàn nàn, đó chính là cá tính của Régine, một phụ nữ nổi tiếng có bản lĩnh, luôn nói thật dù có làm mất lòng. Nghị lực phi thường ấy xuất phát từ thời thơ ấu kém may mắn : Régine bị cha bạc đãi, mẹ bỏ rơi. Bà không phải là trẻ mồ côi nhưng lại phải trải qua cảnh thiếu thốn nghèo đói.

Sinh năm 1929 tại Anderlecht, Bỉ, Régine xuất thân từ một gia đình người nhập cư Ba Lan gốc Do Thái. Thân phụ của bà, ông Joseph Zylberberg, nghiện cờ bạc khiến cho gia đình tan nát, tài sản không còn. Mẹ của Régine bỏ nhà ra đi, Régine lúc ấy mới 4 tuổi cùng với đứa em trai nhỏ (Maurice) buộc phải rời nước Bỉ sang Paris, ở nhờ nơi một gia đình người thân, làm việc trong ngành dệt may.

Khi Chiến tranh Thế giới Thứ nhì bùng nổ vào năm 1939, Régine lúc ấy chỉ mới 10 tuổi buộc phải đổi tên họ để tránh bị lưu đày. Do là người gốc Do Thái, mà lại không có cha mẹ nâng đỡ, Régine được đưa vào trong một tu viện ở Aix en Provence, bà thoát nạn nhờ sự che chở của các nữ tu Công giáo, luôn giấu kín danh tính của bà cũng như một số trẻ Do Thái khác. Trên giấy tờ khai sinh, Régine ban đầu mang quốc tịch Ba Lan dù ra đời ở Bỉ, trong những năm tháng đầu đời bà lại sống một kẻ ''vô gia đình'' như trong tiểu thuyết của Hector Malot. Mãi tới năm 1969, Régine, lúc ấy đã trở nên nổi tiếng trong giới showbiz, mới nhập tịch Pháp năm bà 40 tuổi.

Từ khi còn nhỏ, Régine đã nuôi giấc mơ danh vọng, trở thành một nhân vật nổi tiếng, để không còn phải sống cảnh nợ nần nghèo túng như thời của cha mình. Thời hậu chiến, khi Paris đang trong giai đoạn tái thiết, bà bắt đầu làm việc trong các quán cà phê. Tính tổng cộng, bà chỉ được đi học 6 năm ở trường lớp. Nhưng Régine lại thành công nhờ học hỏi nhiều kinh nghiệm ở trường đời. Trong quyển hồi ký do nhà xuất bản Robert Laffont phát hành, đề tựa ''Hãy gọi tôi bằng cái tên Régine'' (Appelez-moi par Mon nom), bà ghi nhận rằng trong thời chiến, đầu óc con nít lại càng phải lớn nhanh khi tứ bề hiểm nguy rình rập.

Thoát nạn, Régine đi làm từ năm 15 tuổi để kiếm sống. Cho dù đồng lương không có bao nhiêu, nhưng khi để dành được một chút tiền, Régine mua vé đi xem chiếu phim hay đi xem các thần tượng của mình là Édith Piaf, Yves Montand hoặc Charles Trenet. Vào ban đêm, Régine rất thích đi nghe nhạc jazz hay mang giày cao gót để nhảy điệu bebop trong các quán rượu ở dưới tầng hầm. Lập gia đình và sinh con trai đầu lòng vào năm 19 tuổi, Régine sau đó lại ly hôn và chọn nuôi con một mình, vì bà không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai, nhất là đàn ông.

Từ vai trò tiên phong đến ''Nữ hoàng của màn đêm''

Thập niên 1950 đánh dấu thời kỳ cất cánh trong sự nghiệp của Régine. Bà nhận lời quản lý vũ trường ''Whisky à Gogo'', gọi là điều hành nhưng thật ra bà một mình làm đủ mọi công việc do không có tiền để mướn nhân viên, kể cả rửa chén hay quét dọn. Nhưng vũ trường này lại là nơi bà mở rộng quan hệ giao thiệp, từ nhà văn Françoise Sagan cho tới ca sĩ Sacha Distel, hay đạo diễn Louis Malle. Thế nhưng, nhân vật quan trọng nhất là nhà ''triệu phú'' Porfirio Rubirosa. Nhờ sự tư vấn của ông, Régine từng bước trở thành một hiện tượng của làng giải trí Paris, một nữ hoàng ngự trị trên hàng chục sàn nhảy và hộp đêm.

Được xem là một trong những gương mặt tiên phong trong lãnh vực hộp đêm, Régine luôn tìm kiếm những xu hướng mới để du nhập vào Pháp. Bà thích nghe điệu swing và jazz, nhưng lại giúp cho hai điệu nhảy Twist (năm 1961) và Cha-cha-cha (năm 1963) trở nên phổ biến tại Pháp. Régine cũng trở thành một trong những tay hòa nhạc DeeJay đầu tiên trong các hộp đêm. Danh ca Hervé Vilard trước khi thành danh nhờ ca hát cũng đã bắt chước Régine, làm DeeJay trong hộp đêm Bus Palladium, gần phố Montmartre. Régine đã du nhập vào Pháp hộp đêm với quả cầu bạc và muôn ánh đèn nhấp nháy trên sàn nhảy. Ở tuổi 36 (năm 1965), Régine thành công với nhiều hộp đêm như ''Chez Régine'' ở phố Saint-Germain des Prés, sau đó là ''New Jimmy's. Ngoài chuyện kinh doanh, Régine còn bắt đầu ghi âm và thường xuyên đi hát trên đài truyền hình.

Với sự giúp đỡ của người em trai, Régine đàm phán về các điều kiện hợp đồng, khai thác tên mình như một thương hiệu. Sau khi thành công với ''Regine's'', gần đại lộ Champs-Élysées tại Paris vào năm 1973, khoảng 20 hộp đêm cùng tên khác đã được khai trương tại nhiều thành phố trên thế giới dành cho thành phần jet-set, giới ăn chơi có tiền tại New York hay Miami ở Mỹ, Montréal ở Canada, Rio de Janeiro và São Paulo ở Brazil, Genève ở Thụy Sĩ, Marbella ở Tây Ban Nha, Dusseldorf ở Đức, Cairo ở Ấn Độ, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, sòng bài ở Monte-Carlo, còn tại Pháp thì có Deauville, Saint Tropez sau Paris. Thời hoàng kim, Régine ngự trị trên ba châu lục, cũng từ đó bà được mệnh danh là ''Nữ hoàng của màn đêm'' .....

Từ đầu thập niên 70 trở đi và trong vòng 30 năm liền, Régine quen biết hầu như tất cả các nhân vật quan trọng trong làng nghệ thuật và giải trí. Bà từng nhảy tango với vua hề Charlie Chaplin, cụng ly với Mick Jagger, tổ chức nhiều tiệc riêng cho gia đình nhà triệu phú Rothschild. Régine cũng thường tổ chức các ''bữa ăn tối'' quy tụ những ngôi sao Hollywood như Ava Gardner hay Marlene Dietrich, các nhà thiết kế trứ danh như Yves Saint Laurent hay Paco Rabanne, ngôi sao múa ballet như Rudolf Nureev, thần tượng điện ảnh như Delon hay Belmondo, ca nhạc như Aznavour và Gainsbourg.

Hình ảnh của Régine trong mắt công chúng

Về mặt tài chính, Régine tuyên bố bà gặt hái thành công trong cả hai lãnh vực kinh doanh cũng như nghệ thuật là nhờ vào sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần làm việc không ngại khó khăn. Đằng sau sự nghiệp khá dài của Régine (như bà đã từng thổ lộ trong quyển hồi ký), không có sự giúp đỡ nào từ phía bên ngoài hoặc sự hào phóng của nhà một tỷ phú, chỉ có mồ hôi và nước mắt của chính bản thân bà.

Sau nhiều năm thành công, thương hiệu ''Regine's'' bắt đầu lu mờ. Mô hình kinh doanh này trước kia bội thu, đến cuối những năm 1990 lại bị thua lỗ. Việc đóng cửa ''Le Palace'' vào năm 1996, do Régine quản lý, khiến cho mảng kinh doanh hộp đêm bị lung lay. Mãi tới năm 2004, Régine ở tuổi 74 tuyên bố công ty của bà bị phá sản. Nữ hoàng của màn đêm từ lúc bấy giờ đã đánh mất ngai vàng. Đó cũng là thời điểm bà nối lại với ca hát, sau nhiều lần vấp ngã, bà vẫn đứng dậy và tìm cách trở lại trên sàn diễn.

Tại Pháp, có một số thành phần trong công chúng vẫn trung thành với ca sĩ Régine. Những gì bà để lại trong lòng giới hâm mộ chính là những bài hát mà bà ghi âm từ những năm 1965-1966 cho tới năm 2009. Những ca khúc giống như những tiết mục được viết cho sân khấu nhạc kịch : ''La Grande Zoa'', ''Les P'tits Papiers '', ''Azzuro'', ''Patchouli Chinchilla'', ''Reine de la Nuit''. Với gần 300 ca khúc ghi âm cho khoảng 20 album, Régine đã trình bày nhiều tác giả Pháp quan trọng như Gainsbourg, Barbara, Dabadie hay Aznavour. Các nhà văn như Françoise Sagan hay Patrick Modiano do mến mộ bà đã từng sáng tác cho Régine.

Lần cuối cùng đi hát trên sân khấu, Régine đã xuất hiện tại nhà hát Folies Bergère ở Paris vào năm 2016. Ở tuổi 87, Régine vẫn mặc trang phục nhung huyền và đi giày cao gót. Bà kể lại câu chuyện của mình, một người thường hát những lời lẽ dí dỏm hài hước như để tạm quên đi số phận bi đát. Trên sân khấu cũng như ở ngoài đời, Régine càng giống như nhân vật tiểu thuyết, chỉ trong một đời người mà tưởng chừng đã sống muôn kiếp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.