Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Rác thải : Pháp chậm trễ trong việc thực hiện các chỉ tiêu của Liên Âu

Đăng ngày:

Hội nghị bộ trưởng của 175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã diễn ra tại Paris từ ngày 29/05 đến 02/06/2023 để thảo luận về một thỏa thuận lịch sử mang tính ràng buộc pháp lý về chống ô nhiễm nhựa. Đây là vòng thứ 2 trong 5 vòng đàm phán theo kế hoạch. Phát biểu qua video hôm khai mạc hội nghị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi ô nhiễm nhựa vừa là một « quả bom nổ chậm », vừa là một « thảm họa đang hiện hữu ».

Ảnh chụp tại một cơ sở xử lý rác thải ở Vert-le-Grand, tỉnh Essonne, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 24/10/2022.
Ảnh chụp tại một cơ sở xử lý rác thải ở Vert-le-Grand, tỉnh Essonne, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 24/10/2022. © EMMANUEL DUNAND / AFP
Quảng cáo

Tổng thống Pháp kêu gọi thế giới ngưng sản xuất và tiêu dùng nhựa theo « mô hình toàn cầu hóa ». Bản tin « dự báo thời tiết về nhựa » đầu tiên của Paris cũng được ra mắt để thu hút sự chú ý của công chúng về ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, Pháp lại đón nhận tin không vui về chống ô nhiễm rác, không chỉ là rác nhựa mà là rác thải nói chung, cả rác hữu cơ, rác sinh hoạt ở các hộ gia đình và rác thải đô thị (rác từ các công sở, văn phòng, doanh nghiệp, từ hoạt động quét rửa đường, chăm chút không gian xanh …).  

Báo cáo hôm 08/06/2023 của Ủy Ban Châu Âu báo động tình trạng chậm trễ nghiêm trọng của nước Pháp trong việc thực hiện các chỉ tiêu mà Liên Âu đề ra trong lĩnh vực rác thải, đặc biệt là về giảm rác thải sinh hoạt, tái chế rác nhựa, phân loại rác hữu cơ … Chẳng hạn, mục tiêu Bruxelles đề ra là đến năm 2025, 50% bao bì nhựa phải được tái chế, nhưng đến nay Pháp mới chỉ đạt tỉ lệ 27%, trong khi tỉ lệ trung bình ở Liên Âu là 40%. Ở các nước tiên phong như Áo, Hà Lan, tỉ lệ này đã lên tới 57%.

Theo Le Monde ngày 09/06, chính bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp cũng đã phải thừa nhận : « Chúng tôi biết rõ là đang chậm trễ và sẽ phải tăng tốc rõ rệt ». Đối với Ủy Ban Châu Âu, một điều đáng lo ngại về Pháp là chẳng những năng lực tái chế rác thải sinh hoạt của Pháp không được cải thiện mà còn kém đi. Nói cách khác, Pháp bị Bruxelles xem là không có khả năng giảm thải rác sinh hoạt, hiện đang ở mức 580kg/người/năm, so với mức bình quân 520 kg/người/năm tại châu Âu.

Đương nhiên, Pháp không phải là nước duy nhất rơi vào tầm ngắm của Ủy Ban Châu Âu. Theo trang tin Châu Âu, Euractive, báo động của Bruxelles còn nhắm cả vào nhiều nước khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Phần Lan, Ireland, Estonia … Hiện giờ, mới chỉ có 9 nước thành viên Liên Âu được đánh giá là đang tiến theo nhịp độ tốt để đạt các chỉ tiêu mà Bruxelles đã đề ra về phân loại, xử lý, tái chế rác thải ... Đó là Áo, Bỉ, CH Séc, Đan Mạch, Đức, Ý, Luxembourg, Hà Lan và Slovenia.

Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt ngày 15/06/2023, bà Charlotte Soulary, phụ trách về vận động chính sách của Zero Waste France, một hiệp hội công dân và độc lập chuyên về giảm rác thải và quản lý các nguồn tài nguyên cho biết thêm :

« Pháp bị chậm trễ về mọi mục tiêu, không chỉ về tái chế mà còn về mục tiêu giảm sản lượng, giảm các tác động trong tương lai và cả các mục tiêu về tái sử dụng. Có thể giải thích sự chậm trễ này thế nào ? Chúng tôi vẫn đang chờ đợi câu trả lời chính xác, đặc biệt là về các loại rác hữu cơ, sinh học. Ủy Ban Châu Âu đặc biệt cảnh báo Pháp chậm trễ trong việc thu gom rác sinh học, phân loại rác sinh học ngay tại nguồn, mà về nguyên tắc là phải được triển khai trước ngày 31/12/2023.

Theo quan sát của chúng tôi, sẽ chỉ có một số ít địa phương có khả năng phân loại rác hữu cơ tại nguồn. Phân loại rác hữu cơ tại nguồn là đặc biệt quan trọng, bởi vì nếu nhìn vào các thùng rác mới được đổ đầy thì chúng ta sẽ thấy có tới khoảng 1/3 lượng rác là rác hữu cơ, mà rác hữu cơ thì phải được đưa trở lại nguồn, tức là đổ lại vào đất. Trên thực tế, để đạt được tiến bộ, chúng ta cần một chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước và đến một lúc nào đó thì phải có các hình thức xử phạt, khi việc phân loại rác sinh học không được triển khai tại địa phương đó và có sự chậm trễ xét về tổng thể các mục tiêu ».

Quả thực, theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu, việc thu gom và phân loại rác hữu cơ, chủ yếu là rác từ thực phẩm dư thừa, tại Pháp là « chưa đủ ». Mới chỉ một phần nhỏ dân Pháp (khoảng 10%) được hưởng dịch vụ thu gom riêng rác hữu cơ so với tỉ lệ 60% ở Đức và 80% ở Áo, và cũng mới chỉ có 60% lượng rác hữu cơ được thu gom ở Pháp được xử lý thành composte (phân bón) hoặc khí méthane. Như vậy là đa phần rác hữu cơ vẫn bị chôn lấp hoặc thiêu hủy, trong khi đốt rác vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây lãng phí rác hữu cơ.   

Một điểm khác là nước Pháp vẫn có xu hướng thiêu hủy nhiều rác sinh hoạt, nhiều dự án mới về xây dựng các nhà máy đốt rác đang được triển khai ở Paris, Toulouse, vùng Bretagne hoặc Charentes.

Tái chế không phải là giải pháp tối ưu

Riêng về rác thải nhựa, một chủ đề rất lớn trong lĩnh vực rác thải, Pháp vẫn là một nước « chậm tiến » trong Liên Hiệp Châu Âu. Theo trang tin châu Âu, Euractive, Pháp vẫn phải nộp cho Liên Âu rất nhiều thuế đánh vào nhựa, tính theo đơn vị kilo rác nhựa không được tái chế. Năm 2021, con số này được ước tính lên tới 1,2 tỉ euro.

Tuy nhiên, về rác nhựa, đại diện của hiệp hội Zero Waste France lưu ý là dù cần tái chế rác nhựa, nhưng không thể đặt cược vào tái chế. Bà Charlotte Soulary giải thích cụ thể :

« Ở tầm thế giới, trong đó có cả Pháp, chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng liên quan đến nhựa, cuộc sống của chúng ta đang chìm ngập trong nhựa, với nhiều tác động về khí hậu, đa dạng sinh học và sức khỏe, không chỉ đối với sức khỏe con người mà còn đối với sức khỏe của toàn thể sinh vật sống. Chính vì thế, đối với nhựa, vấn đề không phải là tái chế, mà là giảm nguồn sản xuất nhựa.

Đơn giản là thế này, quý vị cứ hình dung mà xem, khi nhà quý vị bị ngập nước, quý vị không chỉ cần lau nền nhà với một miếng mút mà phải tìm cách khóa vòi nước lại, tìm lý do gây ngập. Vấn đề về nhựa cũng hoàn toàn giống như vậy. Chúng ta không thể chỉ tập trung vào tái chế, mà trên hết phải tập trung vào giảm sản lượng các sản phẩm dù có thể sau này chúng sẽ được tái chế. Ngay cả việc tái chế cũng có những mặt hạn chế. Chúng ta không nói rằng không nên tái chế, ngược lại, chúng ta phải tái chế những loại rác mà hiện giờ vẫn chưa được tái chế. Thế nhưng, thực tế là hiện nay, việc tái chế không hiệu quả.

Cuối cùng, chúng ta nên nói về việc phân hủy hầu hết các loại nhựa có thể tái chế. Trên thực tế, không thể tái chế ra một sản phẩm tương đương. Ví dụ, chúng ta có một sản phẩm nhựa, chúng ta sẽ tái chế chúng, sau này chúng ta thực sự sẽ sử dụng chúng để làm ra một sản phẩm khác, nhưng quá trình này đòi hỏi phải bổ sung vật liệu nguyên sinh, tức là đó không phải là chu trình tuần hoàn.

Chúng ta phải thêm vật liệu nguyên sinh, trong khi đó xin nhắc lại là hơn 90% nhựa được điều chế với dầu lửa, khí đốt, tức là các loại nhiên liệu hóa thạch mà nhiên liệu hóa thạch thì lại gây hại cho khí hậu. Điều đó có nghĩa là việc tái chế cũng là một hoạt động gây ô nhiễm ô trường tương đối phức tạp. Thế nên, đúng là cũng cần phải tái chế, nhưng trên hết chúng ta phải giảm sản xuất các sản phẩm mà sau này phải tái chế ».

Vấn đề cốt lõi là giảm xả thải và tái sử dụng

Vậy đâu là những giải pháp để cải thiện việc xử lý rác thải tại Pháp ? Chuyên gia của hiệp hội Zero Waste France giải thích tiếp :

« Đây không chỉ là những đề xuất của chúng tôi, mà còn là những ưu tiên theo luật định. Chúng tôi gọi đó là sự phân cấp về xử lý rác thải, theo đó tái chế phải xếp sau cùng, là giải pháp cuối cùng. Điều chúng ta phải làm trước hết, như tôi đã nói rất nhiều lần là chúng ta phải giảm sản xuất và nếu không thể giảm toàn bộ thì phải tái sử dụng, nên phát triển các sản phẩm mà chúng ta có thể tái sử dụng, thay vì sản xuất các sản phẩm dùng có một lần rồi bị vứt bỏ mà chúng ta hy vọng có thể tái chế, nhưng chưa chắc là chúng ta làm được.

Tái sử dụng mà tôi nói đến ở đây tức là mở rộng việc lắp đặt các hệ thống để tái sử dụng các hộp đựng, chai lọ … có thể tái sử dụng. Để làm được điều đó, chẳng hạn với một chai thủy tinh đã qua sử dụng, người tiêu dùng phải mang cái chai đó đến cửa hàng, rồi theo quy trình, hệ thống, cái chai đó sẽ được đưa đến nơi cọ rửa sạch sẽ theo dây chuyền công nghiệp rồi sẽ được tái sử dụng ở đâu đó. 

Dùng các sản phẩm có thể tái sử dụng là điều hoàn toàn có thể làm được trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi triển khai các hoạt động này, phổ biến việc đặt cọc và được hoàn trả tiền cọc khi tái sử dụng, nhất là đối với thủy tinh, chẳng hạn như chai nước giải khát, chai nước ép trái cây, chai nước lọc, chai soda …, nói tóm lại là đối với mọi loại lọ chai thủy tinh có thể tái sử dụng.

Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ gửi trả lại các chai lọ này sau khi đã sử dụng chúng, lấy lại vài xu lẻ đặt cọc và những chai này có thể được cọ rửa sạch sẽ để tái sử dụng. Kiểu tái sử dụng này cần được áp dụng đối với nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Hiện nay, có nhiều sản phẩm được đóng gói trong các bao bì đã được tái chế hoặc có thể tái chế nhưng đó lại là những sản phẩm chỉ sử dụng một lần ».

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động tái chế chưa thực sự hiệu quả, nên theo Zero Waste France, nước Pháp càng phải lưu ý giảm lượng rác thải và tăng cường tái sử dụng :

« Thách thức lớn nhất hiện nay là giảm lượng rác thải và đó là một phần của chủ đề rác thải. Chúng ta thực sự không nên giới hạn vấn đề quản lý rác thải ở việc tái chế và tránh đốt rác. Nên nghĩ đến việc giảm lượng rác thải. Thế nên, thách thức lớn nhất là hiểu được nhu cầu, đáp ứng được nhu cầu thực sự tồn tại và triển khai các giải pháp tại nước Pháp để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Quả thực, một nền kinh tế tái sử dụng, một nền kinh tế với các sản phẩm được thiết kế để có thể sửa chữa … thực sự có thể phát triển được tại Pháp.

92% người dân Pháp hiện nay ủng hộ « consigne de réemploi » (tức là người tiêu dùng đặt cọc một khoản tiền nhỏ khi mua và số tiền này sẽ được hoàn trả khi họ mang bao bì rỗng trở lại điểm thu gom hoặc cửa hàng để phục vụ quá trình tái sử dụng). Người dân Pháp đang đề nghị các giải pháp.

Không phải cứ tự nhiên mà có thể thực hiện được. Chúng ta cần có cơ sở hạ tầng để có thể thay đổi phương thức tiêu dùng hiện tại. Và đó là thách thức lớn nhất hiện nay, bởi vì chúng ta cần có một chính sách công và đầu tư để đáp ứng nhu cầu tái sử dụng hiện nay. Cơ sở hạ tầng phục vụ quy trình tái sử dụng phải được triển khai ở cấp quốc gia, mà không gây chi phí phát sinh hoặc làm người tiêu dùng tốn thêm thời gian ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.