Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Malaysia : Mánh khoé mới của ngành tái chế rác thải bất hợp pháp

Đăng ngày:

Vài năm trở lại đây, việc nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp độc hại, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân trở thành vấn nạn nan giải tại Malaysia. Chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp để không biến Malaysia thành bãi rác thế giới, nhưng những nhà công nghiệp hoạt động ngoài vòng pháp luật lại có thêm nhiều mánh khoé luồn lách hơn.

Rác thải nhựa chất thành đống trước một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Kenjarom, Malaysia, năm 2018.
Rác thải nhựa chất thành đống trước một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Kenjarom, Malaysia, năm 2018. REUTERS - Lai Seng Sin
Quảng cáo

Cư dân Kuala Langat ở Malaysia vào đầu năm 2018 lần đầu tiên phát hiện khói có mùi khét gây kích ứng mắt, da và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí quản. Kể từ đó, ngày lẫn đêm, những làn khói độc hại buộc mọi người phải đóng cửa sổ mọi lúc. Khói độc đó là bốc ra từ các nhà máy đốt nhựa bất hợp pháp. Trong phóng sự của thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux, người dân Malaysia bức xúc và bất lực trước tình trạng không khí ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Một cư dân cho biết :  

 Gia đình tôi sống ở trong khu vực này, tôi có hai đứa con, một bé trai 9 tuổi và một bé gái 6 tuổi. Họ thường đốt nhựa vào buổi tối, và chúng tôi có thể nhìn thấy khói. Con trai tôi bị đánh thức vì có một số triệu chứng của dị ứng như chảy nước mũi hay ngứa mắt. Tôi biết rằng tất cả đều liên quan đến khói từ việc đốt rác, vì khi chúng tôi đi nghỉ dưỡng ở vùng khác, cả tuần đấy con trai tôi không sao cả. Ngôi trường của con trai tôi cũng ở trong khu này. Không khí ô nhiễm nghiêm trọng ở một mức độ báo động, nhưng chúng tôi không có lựa chọn. Vì đó là trường công nên không có điều hoà nhiệt độ, và họ phải mở cửa sổ ra (vì thời tiết nóng). Thế nên, lũ trẻ phải hít không khí độc hại. Điều này làm tôi tức giận. Tôi không biết nói gì hơn. Tôi thường nghĩ đến những gia đình khó khăn hơn. Họ không có điều hoà nhiệt độ, mà chỉ có quạt, thế nên họ phải mở cửa sổ. Và hơn nữa họ cũng không có máy lọc không khí. Tôi cho rằng đây là một thảm kịch. 

Tại Malaysia, ngành sản xuất nhựa tái chế là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2000. Với hơn 1.300 nhà sản xuất nhựa, Malaysia là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất nhựa tái chế lớn nhất toàn cầu. Năm 2016, lượng hạt nhựa được tạo ra từ quy trình tái chế trị giá 30 tỷ ringgit (MYR) đã được xuất khẩu sang các nhà sản xuất nhựa trên toàn thế giới. Tương tự như phần lớn các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, hệ thống quản lý chất thải của Malaysia không phù hợp để xử lý lượng chất thải nhựa được tạo ra từ ngành công nghiệp này. Các biện pháp chính để xử lý rác thải nhựa trong nước là xử lý tại các bãi chôn lấp và đốt rác tự nhiên.  

Một nghiên cứu năm 2019 do Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) thực hiện cho thấy Malaysia đứng thứ hai ở châu Á về sử dụng nhựa bình quân đầu người hàng năm. Với 16,78 kg mỗi người, Malaysia qua mặt cả các quốc gia lớn hơn như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam về tổng lượng chất thải phát sinh mỗi năm. Trong khi rác thải nội địa vẫn là một vấn đề nan giải, Malaysia lại phải đối mặt với lượng rác thải toàn cầu. 

Sau khi Trung Quốc ngừng thu mua gần như toàn bộ rác thải  để tái chế từ năm 2018, Malaysia trở thành địa điểm mới thu hút rác từ mọi nơi trên thế giới, tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp tái chế rác thải của nước này. Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy nhập khẩu rác thải nhựa của Malaysia đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2016, lên 870.000 tấn vào năm 2018. Chỉ riêng đối với Hoa Kỳ, lượng rác thải mà quốc gia này xuất khẩu đến Malaysia đã tăng 330 % trong quý đầu của năm 2018. Song song với đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các nhà máy tái chế rác. Tại thành phố Jenjarom, cách Kuala Lumpur không xa, nhiều nhà máy đã được khai trương vào năm 2018. Trước cửa các nhà máy này là những đống rác chất thành núi, mà họ cũng không ngần ngại đốt nó, tạo nên các làn khói dày đặc. Hơn nữa, nhiều nhà máy hoạt động không có giấy phép và thường là ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đại diện của tổ chức Greenpeace tại Malaysia, nhà hoạt động môi trường Heng Kiah Chun, trên đài RFI giải thích quyết định của Trung Quốc đã làm thị trường tái chế rác hỗn loạn ra sao :  

Kể từ nay Đông Nam Á trở thành địa điểm lý tưởng mới cho rác thải toàn cầu. Lý do chính là nguồn nhân công rẻ. Thêm vào đó là quản lý lỏng lẻo trong phân loại rác của các nước phát triển. Lý do nữa đó là khu vực này cũng là một nơi chiến lược, sở hữu các cảng contener lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc. Có hai loại rác thải nhựa. Một loại là nhựa hỗn hợp sạch mà chúng ta có thể dễ dàng tái chế. Loại thứ hai là loại không thể tái chế được nữa.  Chúng đến được Malaysia do khai lậu với hải quan. Loại này được được để lẫn với nhựa có thể tái chế trong cùng một contener. Chúng được các nhà buôn lậu rác thu mua về, vì giá thành rẻ hơn, sau đó họ đốt chúng hoặc đổ ra môi trường tự nhiên. Ngành công nghiệp nhựa hợp pháp từ chối quan tâm đến vấn đề này, bởi nó không đem lại giá trị gì cả. Nếu họ chỉ muốn tái chế loại nhựa này, họ phải rửa trước rồi mang đi nung chảy, mà làm như vậy thì không đem lại lợi nhuận.

 Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 1,82 tỷ tấn chất thải rắn đô thị được thải ta mỗi năm trên toàn cầu. Đến năm 2050, chất thải dự kiến sẽ tăng lên 3,08 tỷ tấn mỗi năm. Với lượng chất thải khổng lồ như vậy, chắc chắn chúng phải được chuyển đến một nơi nào đó. Báo Le Monde cho biết, thay vì thực sự phân loại và tái chế chất thải, nhiều quốc gia đã chọn cách rẻ hơn là ép rác nhựa thành kiện và bán chúng.  Malaysia là một trong 166 quốc gia ký kết công ước Bâle về kiểm soát các hoạt động vận chuyển quốc tế chất thải độc hại, được thông qua sau hội nghị khí hậu quốc tế COP 14, cấm xuất khẩu chất thải không tái sử dụng được nữa. Nhưng theo Le Monde, văn bản pháp lý đó đã không được tôn trọng. Những container “nhựa bẩn” vẫn cập cảng Malaysia nhờ khai báo gian dối. Le Monde cho biết thêm, việc vận chuyển chất thải nhựa từ bên này sang đầu bên kia thế giới trên thực tế lại không tốn nhiều chi phí đối với các nhà kinh doanh.  

Từ châu Âu, quá trình vận chuyển sẽ mất một tháng để cập hai cảng lớn của Malaysia là Tanjung Pelepas và Kelang. Khi đến nơi, các đoàn xe tải có nhiệm vụ chở chúng đến các nhà máy tái chế đã được nhà nước phê duyệt, để tái chế nhựa đúng theo quy định về môi trường và sức khoẻ của địa phương. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu tại Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Penang, Mageswari Sangaralingnam, được Le Monde trích dẫn, quy trình hợp pháp này được tuân thủ “ngoại trừ việc các nhà máy này giữ lại các chất thải dễ tái chế nhất và sau đó bán phần còn lại cho các nhà máy bất hợp pháp”. Hơn nữa, các công ty bất hợp pháp này không bận tâm đến môi trường. Họ đổ chất thải trên đất nông nghiệp mua được từ nông dân địa phương, sau đó phân loại tại chỗ bởi những người lao động nghèo được trả lương thấp,  không có đồ bảo hộ. Họ thu tất cả những gì có thể tái chế được, rồi mang đi rửa đi các dấu vết của phân bón, thuốc trừ sâu hay kim loại nặng…vv. Nước rửa sau đó được thải vào các con sông liền kề. Điều này ít gây tốn kém hơn nhiều so với việc lắp đặt hệ thống xử lý rác thải, có thể tốn tới vài triệu đô.  

Một khi bãi rác đã được khai thác hết, nó sẽ bị đốt để nhường chỗ cho lượng rác mới. Hai năm trở lại đây, truyền thông quốc tế đồng loạt tố cáo vấn nạn rác thải đến từ phương Tây đã tác động thế nào đến quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, theo nhà hoạt động của Greenpeace Heng Kiah Chun, điều này không đem lại nhiều thay đổi, mà chỉ khiến các nhà máy tái chế rác hoạt động bí mật hơn. 

Theo điều tra gần đây, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều chất thải nhựa xuất xứ từ nước ngoài bị bỏ trong thiên nhiên, chúng ta có thể biết được rác thải đến từ quốc gia nào thông qua bao bì, ví dụ như đến từ Pháp, Anh, hay Mỹ… Và khi chúng tôi công bố điều này, các nhà máy tái chế nhựa bèn nghiền nát các loại chất thải nhựa không thể tái chế được, trước khi đổ chúng ra ngoài môi trường thiên nhiên. Đây là cách để phá huỷ bằng chứng để chúng tôi không thể tìm nguồn gốc của rác nữa. Và, theo thời gian, các chất thải nhựa này sẽ biến đổi thành các vi nhựa một cách nhanh chóng, khi chúng bị thiêu đốt. Và điều này dẫn đến việc nguồn nước và chuỗi thực phẩm bị ô nhiễm bởi vi nhựa. Vì thế chúng tôi cần hành động để bảo vệ hệ sinh thái của chúng tôi. Những kẻ gây ô nhiễm phải trả giá, chứ không phải người dân của chúng tôi. 

Malaysia đã thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu, tăng cường giám sát và thực thi tại các cảng. Năm 2019, 170 nhà máy tái chế bất hợp pháp đã bị đóng cửa. Vào năm ngoái, cũng như một số nước khác trong khu vực, Malaysia đã mạnh tay, gửi trả lại 150 container chứa 3.737 tấn chất thải, bao gồm 43 container cho Pháp, 42 cho Anh, 17 cho Mỹ và 11 cho Canada. Hai lý do được chính phủ Malaysia viện dẫn : các vấn đề về chất lượng của nhựa được gửi đến và thiếu giấy phép hợp lệ.  Được đài RFI trích dẫn, bộ trưởng bộ Môi trường, bà Yeo Bee Yin tuyên bố như sau :  

Người dân Malaysia đang phải chịu đựng, bởi chúng tôi phải đối mặt với không khí độc hại, nguy hiểm, do việc đốt rác thải nhựa gây ra. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh, gây ô nhiễm nguồn nước và tạo ra các nơi đổ rác bất hợp pháp, và các vấn đề về môi trường khác. Malaysia, cũng giống như các nước đang phát triển, có quyền có được bầu không khí trong lành cũng như nguồn nhiêu liệu tái tạo, giống như những gì mà các nước phát triển có được. 

Chính phủ Malaysia cũng đưa ra 19 tiêu chí mà các nhà nhập khẩu rác thải cần phải đáp ứng để được cấp phép nhập khẩu. Thế nhưng, vấn nạn ô nhiễm do tái chế rác bất hợp pháp vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành bị chững lại, thì ngành tái chế rác thải dường như không bị ảnh hưởng, mà ngược lại vẫn tăng trưởng. Việc đổ chất thải nhựa và đốt rác lộ thiên vẫn tiếp diễn. Nguyên do có thể là vì chính quyền khó có thể duy trì các biện pháp kiểm tra, ít người giám sát hơn. Trả lời báo Malaysia Mail, ông Mageswari, thuộc Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Penang, cảnh báo rằng việc xử lý những nhà máy tái chế bất hợp pháp không được thực hiện triệt để. Khi chính phủ hành động đóng cửa các nhà máy này ở một vùng thì họ lại chuyển đến vùng khác và chất thải vẫn bị “bỏ rơi” ở nhiều nơi. Hiện nay 17 000 tấn chất thải nhựa ở Jenjarom vẫn nằm nguyên trong đống bụi bẩn.  

Vào tháng 8/2020, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã công bố “Báo cáo Phân tích Chiến lược - Các xu hướng tội phạm mới nổi trên thị trường chất thải nhựa toàn cầu kể từ năm 2018". Báo cáo chỉ ra sự gia tăng của các lô hàng “nhựa bẩn” bất hợp pháp được chuyển đến Đông Nam Á thông qua nhiều tuyến đường trung chuyển để che giấu nguồn gốc của chúng. Báo cáo nhấn mạnh mối liên hệ giữa mạng lưới tội phạm và các công ty tái chế chất thải hợp pháp làm vỏ bọc cho các hoạt động phi pháp qua việc làm giả mạo tài liệu và gian lận trong khai báo chất thải. Một trong những nghiên cứu điển hình của báo cáo liên quan đến việc thị trưởng của một thị trấn nhỏ ở Pháp đã bị giết vì cố gắng phản đối việc đổ chất thải bất hợp pháp trong thị trấn của mình. Điều này minh chứng cho một loại bạo lực thường liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức. 

Theo ông Calum MacDonald, chủ tịch Cơ quan Tư vấn của Ủy ban Tuân thủ và Thực thi Môi trường của Interpol, báo cáo này chỉ ra nhu cầu cấp thiết trong việc phân tích cách thức hoạt động của nhóm tội phạm khai thác các lỗ hổng để phạm pháp. Ông cũng kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật tích cực hơn trong việc bảo đảm tôn trọng luật về xuất nhập khẩu.  

Châu Âu mong muốn ngăn chặn việc xuất khẩu rác sang đầu bên kia thế giới


Về phía châu Âu, khoảng 33 tấn rác thải được gửi đến các nước đang phát triển mỗi năm. Trước tình hình này, Uỷ Ban Châu Âu đã đề xuất, ngày 17/11/2021, thắt chặt các quy định về xuất khẩu chất thải từ Liên Âu thông qua việc đưa lệnh cấm xuất rác thải đến các quốc gia không có cơ sở hạ tầng để xử lý chúng một cách bền vững. Trả lời trong chuyên mục ‘Le mur des podcast’ của báo Ouest France, nghị sỹ của Đảng xanh tại Nghị Viện Châu Âu, bà Marie Toussaint, vấn đề về chất thải là ví dụ minh hoạ chính xác cho thực trạng tôn trọng quyền của tự nhiên, tạo điều kiện cần thiết cho quyền con người và công bằng xã hội ở cấp độ toàn cầu. Bà giải thích thêm : 
 

Vấn đề chất thải là một vấn đề thực sự về công bằng môi trường, hay đúng hơn là bất công về môi trường, ở cấp độ toàn cầu. Nó phát sinh theo ba cách khác nhau. Ví dụ như những loại thuốc trừ sâu được xuất khẩu ra ngoài biên giới của Liên Âu, mặc dù trong một phần lớn các trường hợp, chúng đã bị cấm trong lãnh thổ của chúng ta. Tiếp đến là vấn đề về chất thải rắn - phần nổi của tảng băng chìm, đặc biệt là nhựa. Không chỉ Malaysia, ngày càng nhiều quốc gia từ chối nhập khẩu chất thải rắn này, trong đó có Indonesia, Philippines, Trung Quốc, ... Ngoài ra còn có chất thải "vô hình", được bỏ lại ở các nước thứ ba, đặc biệt là  trong quá trình chiết xuất đất hiếm, ví dụ như cho các sản phẩm điện tử . Và sau đó là khí CO2 được thải ra phần lớn từ các nước phương Tây giàu có và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trên hành tinh. Rõ ràng, những quốc gia chịu tác động đầu tiên không phải là những quốc gia có mức tiêu thụ CO2 cao nhất.

 
Nếu Ủy ban thành công trong việc thuyết phục các Quốc gia Thành viên trong luật mới về xuất khẩu chất thải, các công ty xuất khẩu rác châu Âu sẽ cần đảm bảo rằng các cơ sở tại điểm đến phải thôngqua một cuộc kiểm soát độc lập, chứng minh rằng các quốc gia này quản lý chất thải tốt và giảm thiểu tác động đến môi trường

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.