Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Lực lượng răn đe hạt nhân : Cột trụ sức mạnh quốc phòng Pháp

Đăng ngày:

Ngày 09/11/2022, trong bài phát biểu công bố học thuyết mới về chiến lược quốc gia, được xem là tài liệu tham khảo định hướng chính sách quốc phòng của Pháp và kế hoạch chi tiêu quân sự cho giai đoạn 2025-2030, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh răn đe hạt nhân Pháp. Mục tiêu chiến lược của Pháp là đạt được sức mạnh răn đe hạt nhân « mạnh mẽ, hiện đại và đáng tin cậy ».

Oanh tạc cơ của Pháp mang tên lửa hạt nhân có thể xuất phát từ ngoài khơi, trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle. Ảnh tàu sân bay Charles-de-Gaulle chụp ngày 12/04/2020 tại cảng Toulon, miền nam đất nước.
Oanh tạc cơ của Pháp mang tên lửa hạt nhân có thể xuất phát từ ngoài khơi, trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle. Ảnh tàu sân bay Charles-de-Gaulle chụp ngày 12/04/2020 tại cảng Toulon, miền nam đất nước. AFP
Quảng cáo

Theo tổng thống Emmanuel Macron, lực lượng hạt nhân của Pháp đóng góp vào việc bảo đảm an ninh không chỉ cho nước Pháp, mà cho cả châu Âu, bởi Pháp là thành viên duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu sở hữu vũ khí nguyên tử. Xét toàn cảnh, Pháp là một trong ít nước thuộc « câu lạc bộ khép kín các cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử », với gần 300 vũ khí hạt nhân, ít hơn Nga, Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhiều hơn Anh Quốc. Vie publique, trang web chính thức của chính quyền Pháp về chính trị, kinh tế, xã hội Pháp và Liên Âu, khẳng định Pháp là một « cường quốc bậc trung » về hạt nhân.

Hiện nay, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Pháp có thể được phóng đi từ ngoài khơi, với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SNLE) hoặc từ trên không, với các oanh tạc cơ Rafale cất cánh từ lãnh thổ quốc gia hoặc từ tàu sân bay Charles-de-Gaulle.

Pháp đã phát triển vũ khí hạt nhân thế nào ?

Nhìn lại lịch sử, vào tháng 10/1945, Pháp thành lập Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA), thúc đẩy nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nhằm ứng dụng năng lượng hạt nhân vào các lĩnh vực khoa học, công nghiệp và quốc phòng. Thế nhưng, vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, Pháp đã chọn lập trường hòa bình, ưu tiên sử dụng hạt nhân vào các mục đích dân sự. Phải đến vụ thử thành công bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vào năm 1949 thì chính phủ Pháp mới bí mật bắt đầu cho thực hiện chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngày 22/07/1958, tướng De Gaulle ra lệnh thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Theo La Croix, tổng cộng, tính đến năm 1996, Pháp đã tiến hành hơn 200 vụ thử, chủ yếu ngầm trong lòng đất. Cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra ngày 13/02/1960. Đồng thời với các vụ thử nghiệm, chính phủ Pháp cho phát triển kho vũ khí hạt nhân.

Theo trang Vie publique, Paris muốn có một lực lượng hạt nhân độc lập cũng là để khẳng định với Mỹ là Pháp không muốn lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, nếu chẳng may sự tồn tại của đất nước bị một đối thủ nào đó đe dọa. Đây cũng chính là một trong những yếu tố nền tảng trong chính sách đối ngoại của Pháp từ năm 1960. Và chính quyền De Gaulle tin rằng Pháp không thể là một cường quốc quân sự độc lập nếu không có vũ khí nguyên tử. Vào thời kỳ lực lượng hạt nhân Pháp phát triển mạnh nhất, trong những năm 1990, Pháp có tới 500 đầu đạn hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng hoạt động, cho dù con số này chỉ bằng chưa đến 2% tổng số vũ khí nguyên tử của Mỹ vào cùng thời điểm.

Tuy nhiên, từ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, kho vũ khí nguyên tử của Pháp đã giảm mạnh và nay ổn định ở mức 280-300 đầu đạn hạt nhân. Theo kế hoạch hiện nay về chi tiêu quân sự cho giai đoạn 2019 - 2025, ngân sách Pháp dành để duy trì kho vũ khí hạt nhân là 37 tỉ euro, tương đương 12,5% tổng ngân sách cho quốc phòng Pháp trong vòng 7 năm. France Info trích dẫn nhà nghiên cứu Elie Tenebaum, Trung tâm nghiên cứu về an ninh, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), theo đó nguồn lực vũ khí răn đe hạt nhân giữ vai trò then chốt cho quốc phòng của Pháp. Một nguồn tin quân sự thậm chí còn khẳng định với France Info là « toàn bộ sức mạnh » quân sự của Pháp dựa vào lực lượng « răn đe hạt nhân ».Đó chính là « bảo bối » của Pháp để ngăn ngừa nguy cơ bị một đối thủ tấn công.

Nhưng răn đe hạt nhân là gì ?

Nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược của Pháp (FRS), chuyên gia về răn đe hạt nhân, giải thích trong bài giảng (được trích đăng trên Youtube) : « Răn đe hạt nhân là một loại hình cảnh báo, để nói với một đối phương là nếu họ làm điều gì đó, họ sẽ nếm đòn trả đũa hạt nhân. Răn đe hạt nhân không phải chỉ nhằm đáp trả một chiến lược quân sự hay đáp trả lĩnh vực hạt nhân, mà là nhằm gây ra nỗi khiếp sợ cho một đối tượng, một kẻ thù, theo đó hậu quả các vụ trả đũa sẽ còn lớn hơn cuộc xung đột do đối phương gây ra ».

Nhắc đến hạt nhân, không thể không nói tới vụ Mỹ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đó có phải là ví dụ về răn đe hạt nhân ? Chuyên gia Bruno Tertrais nhấn mạnh :

« Răn đe hạt nhân không giống với những gì được gọi là cưỡng chế. Lần duy nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân từng được sử dụng là ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Đó không phải là răn đe hạt nhân mà là một vụ cưỡng chế, tức là ép buộc đối phương làm điều gì đó, vào lúc đó là buộc đế quốc Nhật đầu hàng. Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki không mang tính răn đe. Nhưng trái lại, ký ức về vụ tấn công hạt nhân Hiroshima và Nagasaki, những hình ảnh về hai vụ ném bom hạt nhân năm 1945, xét về một khía cạnh nào đó, đã tạo ra khái niệm răn đe hạt nhân, bởi vì chúng rất đáng sợ và logic răn đe phần nào dựa trên nỗi khiếp hãi đó ». 

Trở lại với nước Pháp, theo Hiến pháp, tổng thống là người nắm « đặc quyền » kích hoạt vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, trong hoàn cảnh nào Pháp mới có thể thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí nguyên tử ? Do các vụ tấn công hạt nhân gây ra những hậu quả khủng khiếp, kéo theo những phản ứng đáp trả hạt nhân nếu đối phương cũng sở hữu vũ khí nguyên tử, nên điều kiện kích hoạt vũ khí hạt nhân đương nhiên là rất nghiêm ngặt. Giáo sư Bruno Tertrais cho biết tiếp :

« Răn đe hạt nhân là nhằm bảo vệ những lợi ích thiết yếu nhất, ở Pháp thì những lợi ích này được gọi là những lợi ích sống còn. Khó có thể có chuyện đe dọa dùng hạt nhân để đáp trả một quốc gia chỉ vì chính quyền nước này cho tiến hành một vụ xâm phạm lãnh thổ quy mô nhỏ, hoặc chỉ vì họ dùng vài tên lửa thông thường đe dọa lãnh thổ của một quốc gia khác. Răn đe hạt nhân chỉ nhắm vào những mối đe dọa nghiêm trọng nhất, tôi xin nhắc lại là ở Pháp gọi là những mối đe dọa nhắm vào các lợi ích sống còn, đương nhiên gồm các mối đe dọa nhắm vào lãnh thổ và nhân dân, và cũng có thể là các loại hình lợi ích sống còn khác mang tính trừu tượng hơn một chút, chẳng hạn như chủ quyền và việc thực thi hiệu quả quyền hành của chính phủ hay Nhà nước trong nước và cũng như khả năng hành động tự do bên ngoài. »

Trang web Vie publique nhấn mạnh lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp « bảo đảm sự sống còn của đất nước và góp phần vào sự tỏa sáng của chính sách đối ngoại » của Pháp, dựa trên 3 nguyên tắc chính. Thứ nhất là tính thường trực : Răn đe hạt nhân phải được duy trì liên tục, kể cả trong thời bình. Quân đội phải luôn bảo đảm có tối thiểu một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tuần tra ở các đại dương để bất cứ lúc nào cũng có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân có khả năng gây ra thiệt hại lớn cho bất kỳ kẻ thù tiềm ẩn nào. Thứ hai là tính đầy đủ, theo nghĩa là hạn chế nguồn lực hạt nhân của Pháp ở mức cần thiết, đủ dùng. Chẳng hạn, Pháp chưa bao giờ tự trang bị nguồn lực hạt nhân đủ lớn để tiêu diệt các lực lượng hạt nhân đối phương.

Thứ ba là tính mềm dẻo, linh hoạt, với khả năng điều chỉnh đối tượng răn đe tùy theo hoàn cảnh. Về điều này, giáo sư Bruno Tertrais lưu ý : « Răn đe hạt nhân phải phù hợp với loại hình mối đe dọa có thể xảy ra. Răn đe hạt nhân không chỉ liên quan đến mối đe dọa hạt nhân từ một nước khác. Nói cách khác, răn đe hạt nhân có thể áp dụng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, bất kể đó là mối đe dọa về quân sự, hạt nhân, cũng có thể là hóa học, hay sinh học, và có thể một ngày nào đó là về tin học hay không gian mạng. Điều quan trọng cần tính đến là mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công.

Răn đe hạt nhân chỉ có thể nhắm vào các quốc gia, chứ không thể nhắm vào các nhóm khủng bố, cho dù một nhóm khủng bố cũng sẽ có khả năng gây ra rất nhiều thiệt hại và những thiệt hại rất lớn cho một quốc gia hiện đại. Cũng có thể có khủng bố hạt nhân, nhưng khi đó chúng ta sẽ không biết phải đáp trả thủ phạm thế nào, chúng ta sẽ không biết ai là thủ phạm đe dọa, lãnh thổ nào bị nhắm tới, do đó về bản chất, răn đe hạt nhân chỉ có thể nhắm tới các nước ».

Học thuyết răn đe hạt nhân : Dấu ấn của các tổng thống dưới nền Đệ ngũ Cộng Hòa

Khái niệm học thuyết răn đe hạt nhân gắn với thời Chiến Tranh Lạnh : đa phần các nước trang bị vũ khí nguyên tử vào thời kỳ này, chỉ riêng Mỹ có vũ khí nguyên tử vào năm 1945. Sau khi Nga thử nghiệm thành công bom nguyên tử, điều được gọi là học thuyết răn đe mới dần hình thành. Học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp ra đời dưới thời tướng De Gaulle, dựa theo học thuyết của Mỹ và Anh, với khái niệm nền tảng về « thiệt hại không thể chấp nhận được », lấy đó làm tiêu chí chính tạo nên sức mạnh răn đe.

Luôn chỉ mang tính phòng thủ nhưng học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp có những điều chỉnh, sửa đổi vào mỗi thời tổng thống. Bởi như nhà nghiên cứu Bruno Tertrais nói với báo Le Figaro hôm 13/10, kích hoạt vũ khí hạt nhân là « đặc quyền » của tổng thống Pháp, nên tổng thống có quyền sửa đổi học thuyết răn đe hạt nhân theo ý muốn, vào bất kể lúc nào. Chính tổng thống là người « răn đe » và là người duy nhất ra quyết định về việc đó.  

Cơ sở, nền tảng của sức mạnh hạt nhân Pháp do tướng De Gaulle đặt ra, nhưng phải đến thời tổng thống François Mitterand (1981-1995), thuộc đảng Xã Hội, thì học thuyết răn đe hạt nhân của Pháp mới được củng cố vững chắc, xoay quanh 3 khái niệm : chỉ để bảo vệ các lợi ích sống còn của đất nước (khái niệm « lợi ích sống còn » khá mơ hồ, dường như để mở đường cho tổng thống Pháp đánh giá tình hình và hành động) ; khả năng cảnh cáo hạt nhân, thông qua một cuộc tấn công duy nhất, chắc chắn là nhắm vào một mục tiêu quân sự (trong trường hợp đối phương hiểu nhầm định nghĩa về những lợi ích sống còn của Pháp hoặc dường như đang tiến gần đến « ngưỡng » vi phạm những lợi ích sống còn đó) ; khả năng gây ra những tổn thất, thiệt hại mà đối phương cảm thấy không thể chấp nhận được (chí ít là tương đương, nếu không thì cũng phải nghiêm trọng hơn so với mối đe dọa của cuộc xung đột do đối phương gây ra).

Đến thời tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012), để thích nghi với luật pháp quốc tế, vào năm 2008, tổng thống Pháp quyết định vũ khí hạt nhân chỉ được kích hoạt trong hoàn cảnh « phòng vệ chính đáng ». Chính tổng thống Sarkozy đã cắt giảm 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Pháp. Sang nhiệm kỳ của tổng thống François Hollande (2012-2017), ông xác định đích nhắm của các vụ tấn công hạt nhân sẽ chỉ là « các trung tâm quyền lực của đối phương ».

Vào năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống Emmanuel Macron cho rằng Pháp là quốc gia duy nhất ở Liên Âu có vũ khí nguyên tử nên « lợi ích sống còn » của đất nước không còn chỉ giới hạn trong biên giới nước Pháp mà gắn với cả Liên Hiệp Châu Âu, tức là lợi ích sống còn của Pháp mang tầm vóc châu Âu. Quan điểm này hôm 09/11 vừa được tổng thống Macron tái khẳng định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.